Mua bảo hiểm chỉ để… "đối phó"

12h trưa, ngày 22/5, chị Trương Thị Lan (25 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) hớt hải tấp vào lề đường. Đứng trước tấm biển "Điểm bán bảo hiểm xe máy", chị gọi: "Bán giúp em 2 tờ bảo hiểm?".

"66 nghìn cho bảo hiểm bắt buộc, 10.000 đồng cho bảo hiểm tự nguyện, nhưng phải mua cả 2 thì mới không bị phạt, tổng cộng là 76.000 đồng chị nhé!" - người bán đáp. Nghe xong, chị Lan đã lục ví lấy 2 tờ giấy đăng ký xe máy đưa cho người bán cùng tờ tiền 200.000 đồng.

Khi mua bảo hiểm để đối phó: Đến sinh viên nghèo cũng được thuê bán, thu 600.000 đồng/ngày - Ảnh 1.

Dọc tuyến đường 3/2 cứ cách 20 mét lại có 1 điểm bán bảo hiểm xe máy.

Chị Lan kể, ban sáng đến công ty, nghe đồng nghiệp ngồi cạnh chia sẻ vừa bị CSGT kiểm tra giấy tờ, vì thiếu bảo hiểm xe máy nên bị phạt tiền. Chị Lan mới nhận ra, 4 năm nay, chị chưa từng mua loại bảo hiểm này cho xe máy của mình và em gái.

2 phút, người bán hàng đã viết xong và giao lại cho chị Lan cùng số tiền thừa. Trên tờ bảo hiểm vàng là dòng chữ ghi gọn gàng tên chủ xe, số biển kiểm soát, thời hạn,… còn lại đều bỏ trống. PV đặt câu hỏi, chị biết gì về bảo hiểm xe máy, dùng nó vào việc nào và người mua có quyền lợi đến đâu… thì chị Lan chỉ đáp vội: "Có để đối phó thôi, đâu ai mong mình bị tai nạn để nhận khoản tiền đó…".

"Chị cứ yên tâm, tất cả đã có mã số seri trên bảo hiểm. Thắc mắc gì thì có số hotline sau bảo hiểm, không thì cứ đến đây tụi em bán cả ngày" - người bán nói thêm vào để khách hàng yên tâm.

Khi mua bảo hiểm để đối phó: Đến sinh viên nghèo cũng được thuê bán, thu 600.000 đồng/ngày - Ảnh 2.

Hầu hết người mua chỉ dùng để "đối phó", không biết bảo hiểm xe máy sẽ được dùng cho việc gì và được hỗ trợ như thế nào.

Ghi nhận của PV, trong thời gian khoảng 30 phút, tại điểm bán đầu đường 3/2 (Q.10), có 5-7 khách hàng tấp vào "điểm bán bảo hiểm xe máy". Thế nhưng, khi PV đặt chung câu hỏi như chị Lan thì tất cả đều thừa nhận, mua bảo hiểm xe máy chỉ để "đối phó" việc kiểm tra của lực lượng chức năng.

Cạnh đó, trên trục đường Điện Biên Phủ (Q.3), ông Thành (56 tuổi) vừa ghé vào một điểm bán bảo hiểm lề đường để mua cho chiếc xe gắn máy của mình. Ông Thành chia sẻ, mọi năm ông đều mua bảo hiểm lề đường như thế này. Gần đây, bảo hiểm vừa hết hạn, nghe thông tin CSGT tăng cường kiểm tra giấy tờ nên ông Thành đã vội đi giữa trưa ra đường để mua ngay.

"Đợt tổng kiểm soát này, bảo hiểm xe máy của tôi vừa hết hạn nên tôi ý thức phải có giấy tờ này trong ví. Tôi chưa từng xảy ra tai nạn gì nên cũng không biết sẽ được hỗ trợ như thế nào. Bảo hiểm có mấy chục nghìn đồng thì cứ nên có sẵn để không bị lập biên bản, xử phạt…" - ông Thành chia sẻ.

Khi mua bảo hiểm để đối phó: Đến sinh viên nghèo cũng được thuê bán, thu 600.000 đồng/ngày - Ảnh 3.

"Bảo hiểm có mấy chục nghìn đồng thì cứ nên có sẵn để không bị lập biên bản, xử phạt…" - chú Thành chia sẻ.

Bán cả ngày lẫn đêm để tăng thu nhập

Trên các tuyến đường như Mai Chí Thọ (Q.2), 3/2 (Q.10), Võ Văn Kiệt (Q.5), Lý Thái Tổ (Q.10), Điện Biên Phủ (Q.3),… có hàng chục điểm bán bảo hiểm xe máy vỉa hè như thế. Riêng đường 3/2, cứ cách 20 mét lại có biển quảng cáo "Bảo hiểm xe máy 10 nghìn đồng/năm", bên dưới bán kèm khẩu trang y tế.

Bảo hiểm xe máy gồm có 2 phần: Bảo hiểm xe máy bắt buộc với giá niêm yết 66.000 đồng/năm, và bảo hiểm tự nguyện được bán kèm có giá 10.000 đồng. Cả hai đều được đóng dấu đỏ từ nhiều công ty khác nhau như: Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp, Công ty Bảo hiểm Xuân Thành, Công ty Bảo hiểm Bảo Long… để chứng thực.

Khi mua bảo hiểm để đối phó: Đến sinh viên nghèo cũng được thuê bán, thu 600.000 đồng/ngày - Ảnh 4.

Vì nhu cầu tăng cao nên nhiều sinh viên cũng tích cực bán bảo hiểm để tăng thu nhập.

Hiệp và Danh (20 tuổi, Bình Thuận) đang trú dưới gốc cây, phe phẩy tập bảo hiểm để bán trên đường Điện Biên phủ. 2 cậu sinh viên vừa cười mỉm, vừa gọi chào khách hàng dù cái nóng làm mồ hôi nhễ nhại đầy mặt.

Hiệp kể, cậu và Danh là sinh viên năm 2 trường ĐH Công Nghệ TP.HCM. Gần đây, trên mạng xã hội rầm rộ thông tin về kiểm tra giấy tờ khi tham gia giao thông, rất may có người thân làm trong công ty Bảo hiểm xe máy quân đội MIC, Hiệp và Danh đã nhận về bán. Đến nay đã được hơn 10 ngày.

"Để biết cách bán tụi em phải tham gia học qua một lớp tập huấn của công ty. Đồng thời tối em cũng lên mạng đọc rất nhiều thông tin về quy định bảo hiểm để tư vấn. Vì mọi người tin tưởng nên cả 2 bán được rất nhiều, có ngày lên tới 500.000 đồng-600.000 đồng/người…", Hiệp nói.

Khi mua bảo hiểm để đối phó: Đến sinh viên nghèo cũng được thuê bán, thu 600.000 đồng/ngày - Ảnh 5.

Điểm bán bảo hiểm dọc con đường 3/2 và Lý Thái Tổ.

Cứ buổi nào trống tiết học, Hiệp và Danh lại chạy xe máy ra lề đường, dán tấm biển quảng cáo sau xe để đứng bán. Riêng buổi tối thì ăn cơm xong thì cả hai cùng ra đường bán để tăng thêm thu nhập.

"Tụi em làm việc này để tăng thêm thu nhập, giúp đỡ gia đình. Đến khi nào cảm thấy khách hàng không còn nhu cầu nữa thì nghỉ thôi" - Hiệp tâm sự.

Khi mua bảo hiểm để đối phó: Đến sinh viên nghèo cũng được thuê bán, thu 600.000 đồng/ngày - Ảnh 6.

Nhiều người bán cũng "lờ mờ" về chuyện được hỗ trợ như thế nào.

Chị Y., một tiểu thương có nhiều năm bán bảo hiểm xe máy trên trục đường 3/2, chia sẻ: Trong những ngày tổng kiểm soát phương tiện giao thông, nhu cầu khách hàng tăng cao nên sức bán nhiều. Tuy nhiên, vì có quá nhiều điểm bán bảo hiểm mọc lên như nấm khiến công việc ngày càng cạnh tranh khó khăn hơn.

Thấy khách ghé vào mua bảo hiểm, chị đon đả giới thiệu về từng loại bảo hiểm, đồng thời chứng thực 100% là thật. Thế nhưng khi PV hỏi về những quy trình, thủ tục để được đơn vị bảo hiểm hỗ trợ chi trả thì chị Y. thừa nhận, mình chỉ biết đôi chút, muốn hiểu rõ tới đâu thì cần liên hệ trực tiếp với số hotline của công ty bảo hiểm.

"Đa phần người mua vì muốn đủ bộ giấy tờ, chứ ít người thắc mắc về luật cũng như việc được đền bù sau tai nạn nên chị chỉ biết những vấn đề cơ bản. Ngay cả cái bản hiệu này cũng là phía công ty cung cấp. Trên biển đề 10 nghìn đồng/năm rất bật cập vì nhiều lần khách hỏi tại sao giá tới 76.000 đồng, chị không biết giải thích làm sao" - chị Y. chia sẻ.

Khi mua bảo hiểm để đối phó: Đến sinh viên nghèo cũng được thuê bán, thu 600.000 đồng/ngày - Ảnh 8.

Trong thời gian thực hiện tổng kiểm soát, CSGT các đơn vị, địa phương được dừng các phương tiện để kiểm soát các loại giấy tờ theo quy định.

Từ 15/5 đến 14/6, CSGT toàn quốc tiến hành tổng kiểm tra, ra soát các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tập trung vào 4 nhóm chính là: Ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe tải - container, ô tô con và xe mô tô.

Trong thời gian tổng kiểm soát, CSGT các đơn vị, địa phương được dừng các phương tiện để kiểm soát các loại giấy tờ theo quy định như: giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định ATKT và bảo vệ môi trường cùng giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới.

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tại điểm a, khoản 2, điều 21 thì người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng.