"Chiếc mỏ neo" vững vàng
Ngoại tình như một cơn bão quét qua hôn nhân. Nhẹ thì cũng gây ra "gió giật cây đổ, mưa triền miên" trong lòng người có chồng hoặc vợ ngoại tình. Nặng hơn, nó sẽ để lại một vùng tan hoang nơi nó đi qua…
Nhà khí tượng Erik Palmen (1898 - 1985) cho rằng, bão chỉ có thể hình thành ở hai bên xích đạo, nơi có nhiệt độ nước biển cao từ 26 đến 27oC trở lên và lực Coriolis (lực sinh ra do sự tự quay quanh trục của Trái Đất) đủ lớn để hình thành nên luồng gió đủ mạnh trên cao nhằm tạo xoáy cho cơn bão.
Palmen đưa ra 3 điều kiện cơ bản cho sự hình thành của bão là nhiệt, ẩm và động lực để tạo xoáy. Khu vực đại dương có diện tích đủ lớn với nhiệt độ mặt biển phù hợp (từ 26 đến 27oC trở lên), đảm bảo nước bốc hơi với lượng cần thiết nhằm cung cấp năng lượng ngưng kết lớn cho hệ thống bão. Vị trí hình thành bão có lực Coriolis đủ lớn để tạo xoáy.
Chuyện ngoại tình đôi khi cũng như sự hình thành của cơn bão vậy. Khi người có ý định ngoại tình gặp "điều kiện thuận lợi". Từ "nhiệt độ ấm" của mối quan hệ. Tôi vẫn tin rằng, chẳng người đàn ông nào ngoại tình được nếu như người phụ nữ anh ta gặp không để nhiệt độ mối quan hệ này "ấm lên".
Và ngược lại, đâu phải cứ khi ta tán tỉnh một ai đó là họ đồng ý tắp lự, ngay cả khi biết ta đang có gia đình đâu? Và đôi khi, chính người vợ hoặc người chồng danh chính ngôn thuận của người đi ngoại tình lại trở thành… lực Coriolis. Bằng việc "đẩy" bạn đời mình vào vòng xoáy ngoại tình.
Tôi không bênh vực kẻ ngoại tình đâu nhưng chúng ta cần công bằng mà nói: ngoài những kẻ tự tạo ra lực Coriolis bởi lòng tham lam của họ, có những người bị cuốn vào một cách vô thức. Là bởi chính họ không làm chủ được cảm xúc của mình, để cảm xúc đó cuốn đi.
Là bởi họ không có được chiếc mỏ neo vững vàng. Mà bạn đời chính là "chiếc mỏ neo", con cái chính là "chiếc mỏ neo", hôn nhân của họ chính là "chiếc mỏ neo". Và quan trọng nhất: Lòng tự trọng của họ- chiếc mỏ neo chính, đã hư hỏng hoặc không có luôn.
Ngoại tình là một "cơn bão" mà kẻ ngoại tình chính là người đã cho phép "cơn bão" đổ xuống hôn nhân của mình. Tan hoang kia chẳng phải chỉ có vợ mình hay chồng mình phải chịu đâu. Mà là cả con cái và chính mình sau những phút giây "thăng hoa" ngoại tình sẽ phải hứng chịu!
Bởi nó đã huỷ hoại lòng tin của mọi người vào ta, huỷ hoại sự tôn trọng của bạn đời và con cái vào mình. Nếu hiểu được điều này, có lẽ, người biết nghĩ sẽ chẳng bao giờ muốn "cơn bão" đó xảy ra…
Ngoại tình là một "cơn bão. Nó có thể dữ dội nhưng chẳng thể làm tốc mái hôn nhân hay làm tan hoang một gia đình đâu. Bằng chứng là nhiều người ngoại tình xong vẫn có thể quay về đấy thôi!
Dù đúng là để hôn nhân trở lại bình thường sau "cơn bão" ngoại tình là việc rất khó, cũng như cần rất nhiều thời gian. Nhưng như mọi cơn bão đã xảy đến trong đời, rồi cũng sẽ qua, mặt trời sẽ lại toả nắng, từ đống đổ nát cũ, những mầm sống mới sẽ lại mọc lên.
Chúng ta vẫn cứ phải sống tiếp mà, phải không? Nên nhiều người vợ đã tha thứ cho chồng như thế! Vì hôn nhân này còn giá trị để tiếp tục. Vì cả kẻ ngoại tình cũng đã nhận ra đâu mới là Nhà của mình. Đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại.
Nhưng có những cuộc ngoại tình hoá thành "siêu bão". Là bởi nó bị nâng cấp trong chính hành trình di chuyển của nó. Ban đầu, nó có thể chỉ là thứ cảm xúc nhất thời thiếu kiểm soát. Là ta đã khiến nó lớn dần lên thành "siêu bão" vậy!
Có khi là từ những màn đánh ghen lột đồ cạo đầu, "bóc phốt" tung hê lên mạng. Khi đó, "cơn bão" thành "siêu bão" phá huỷ đi không chỉ kẻ dám ngoại tình hay "tiểu tam" phách lối. Nó phá huỷ cả lối về của cả hai, thậm chí của cả con cái mình, song thân phụ mẫu.
Có người còn tiêu tán cả sự nghiệp. Biến nghĩa vợ chồng đầu ấp tay gối thành kẻ thù không đội trời chung. Kẻ ngoại tình có thể là "đáng đời" nhưng con cái, gia đình sao cũng thành đáng tội chung? Và cả chính mình nữa, mình có đáng trở thành kẻ cay nghiệt, ra tay ác độc chăng? Có đáng tự hào khi ta thành nhân vật chính trong những clip đánh ghen bị tung lên mạng?
Ngoại tình mạnh lên thành "siêu bão" còn là ở những người vợ… dễ dàng tha thứ cho chồng nữa. Không sai đâu, việc ta dễ dàng tha thứ cho kẻ ngoại tình đôi khi lại thành tiếp sức để "cơn bão" tăng cấp. Khi kẻ ngoại tình không thấy họ sai mà tiếp tục phạm lỗi.
Bởi kẻ ngoại tình biết rằng họ được tha thứ dù họ làm bất kể chuyện tồi tệ gì đi chăng nữa. Là bởi kẻ ngoại tình đã coi rẻ bạn đời của mình vậy. Tôi đã thấy những người vợ nhân danh con cái để tha thứ cho chồng để rồi chồng lại ngang nhiên bồ bịch.
Nếu vì con, sao người mẹ ấy không nhận ra mình đang tiếp tay cho hành vi sai trái đó thành… bình thường? Con cái có bố ngoại tình liệu con có hạnh phúc trong gia đình đó không? Còn chưa kể, con học gì từ việc mẹ tha thứ cho bố hết lần này đến lần khác chuyện ngoại tình? Nên nhớ, ngoại tình là vi phạm Luật Hôn nhân gia đình chứ không chỉ là chuyện riêng nhà bạn nhé!
Khi ngoại tình bị tăng cấp lên thành "siêu bão" thì sự tàn phá của nó không chỉ gói trong hai vợ chồng với nhau nữa rồi. Mà nó đã tàn phá cả cuộc đời của tất thảy những ai liên quan.
"Bão" tan rồi và nắng sẽ lên!
"Bão" tan không phải lúc ta quyết định tha thứ cho kẻ ngoại tình. Mà là khi ta thực sự tìm thấy bình yên trong lòng mình. Và nếu đã tha thứ cho nhau, xin hãy là "nắng" sưởi ấm lại cuộc hôn nhân này vậy…
Tôi biết nhiều người lòng thấy bình yên không phải khi họ tha thứ cho kẻ ngoại tình. Mà là khi họ quyết định buông tay với cuộc hôn nhân. Không phải vì họ không thể tha thứ. Chỉ là vì họ thấy ly dị mới là cách tốt cho cả hai. Sao cố giữ níu một cuộc hôn nhân đã chẳng còn lòng tin vào nhau nữa?
Làm vậy là khổ cả chính họ, cả con cái của họ. Đứa trẻ không đáng phải chứng kiến cha mẹ chúng dằn hắt nhau, nghi ngờ nhau và ném vào nhau đủ thứ tệ hại. Kẻ ngoại tình không nhận ra mình sai thì giữ lại là một sai lầm. Buông xuống để lấy lại bình yên cho mình và cho cả người kia nữa. Dùng lý trí thay vì cảm xúc để quyết định ly hôn.
Tôi cũng biết nhiều người lòng thấy bình yên không phải khi họ tha thứ cho kẻ ngoại tình. Mà là khi họ quyết định cho hôn nhân của họ một cơ hội để làm mới lại. Là xây từ những đổ nát mà "cơn bão" ngoại tình đã quét qua.
Bằng lòng tin vào chính mình: Mình sẽ cho hôn nhân này một cơ hội vì mình tin rằng hôn nhân này xứng đáng có một cơ hội. Và bạn đời của mình xứng đáng để mình ứng thêm một lòng tin, lần cuối. Phải có nhiều can đảm mới dám làm như vậy.
Bởi khi ấy, sau khi đã thứ tha, chính mình sẽ phải là người xúm tay vào xây dựng lại từ đống đổ nát cũ. Chứ không phải chỉ có kẻ đã ngoại tình kia đâu. Là cả hai người.
Tôi cho rằng là như vậy, người quyết định tha thứ sẽ như nắng, dùng sự bao dung của mình để sưởi ấm cuộc hôn nhân vừa tan hoang sau "cơn bão". Sưởi ấm lại sự nguội lạnh, hong khô lại ướt át của mưa gió.
Sẽ thật khó khăn nhưng vẫn làm được khi ta biết tin vào chính mình, vào sự xứng đáng của tương lai cuộc hôn nhân này. Dứt đêm tối là tới một ban mai thôi…
Bão đã tan rồi, đừng giữ mãi mây xám trong mắt. Vết thương nào rồi cũng liền da thôi! Miễn là ta dành cho nó thời gian và sự chăm sóc thật tâm để nó được mau chóng lành liền. Chăm sóc một vết thương không phải là chọc vào vết thương đó, bằng những dằn vặt nhau.
Không phải bằng cách bỏ mặc vết thương đó để nó tự lành. Mà cần sự vun vén. Bằng lòng tin vào ngày mai, kẻ ngoại tình sẽ không còn dám ngoại tình thêm lần nào nữa. Bằng giá trị của cuộc hôn nhân này không ngừng được bồi đắp để không ai muốn buông tay ai. Bằng sự rộng lượng của trái tim, ta chấp chứa lại nhau thay vì đẩy nhau ra vậy.
Thật khó, nhưng ta làm được mà, đúng không?
THANG ĐO "BÃO" NGOẠI TÌNH
Cấp 1
Biểu hiện: Thả "like" ảnh gái xinh.
Mức độ tàn phá: Gây khó chịu cho vợ. Nhưng vẫn có thể tha thứ vì… ai chả thích cái đẹp. Hoặc có thể do chồng nhắm mắt nhắm mũi "like", không đọc nội dung, không xem ảnh.
Cấp 2
Biểu hiện: "Chat" với đồng nghiệp nữ, người phụ nữ khác nhiều hơn bình thường.
Mức độ tàn phá: Nghi ngờ có cơ sở. Có thể bị tra vấn. Giận dỗi. Nhưng có thể tha thứ được nếu sau đó tem tém lại hoặc công khai cho vợ đọc tin nhắn.
Cấp 3
Biểu hiện: Đi uống nước với đối tượng bị tình nghi. Tái diễn "chat" ngay cả khi vợ đã cảnh báo.
Mức độ tàn phá: Bị đưa vào tầm ngắm. Có thể xảy ra cãi cọ. Nhưng vẫn có thể tha thứ được nếu như biết điều dừng lại. Khả năng bị vợ dằn hắt những ngày kế tiếp rất cao.
Cấp 4
Biểu hiện: Nói dối vợ về mối quan hệ. Giấu giếm và có những biểu hiện lừa dối.
Mức độ tàn phá: Nghiêm trọng. Lòng tin bị xói mòn. Vẫn có thể tha thứ được nếu biết quay đầu là bờ, sợ mất hôn nhân.
Cấp 5
Biểu hiện: Đầy đủ bằng chứng về ngoại tình, bất kể việc có đụng chạm thân xác hay không.
Mức độ tàn phá: Rất nghiêm trọng. Hôn nhân có thể bị tàn phá bằng ly hôn. Nhưng vẫn có thể tha thứ được nếu như xin lỗi vợ và cam kết không tái phạm. Cảnh báo: Sẽ mất rất nhiều thời gian để hồi phục nguyên trạng hôn nhân.
Cấp siêu bão
Biểu hiện: Bắt tại trận trai trên gái dưới. Tái phạm nhiều lần, bất chấp vợ đã tha thứ.
Mức độ tàn phá: Mất kiểm soát hoàn toàn. Hôn nhân khi đó có thể trở thành… bãi đất hoang vô chủ.