Các cụ ta ngày xưa đã từng có câu: “Ớt nào mà ớt chẳng cay, gái nào là gái chẳng hay ghen chồng”. Có thể nói không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông khi yêu đều có những cảm xúc ghen tuông, hờn giận. Ghen có thể là gia vị cho tình yêu nếu biết ghen đúng lúc, đúng chỗ và đúng mức. Nhưng nó cũng có thể giết chết tình yêu, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình vì khi đã ghen thì không chỉ là cảm xúc mà đó còn là hành động rất đáng sợ. Bởi, khi ghen con người ta thường không còn tỉnh táo, minh mẫn để xem xét vấn đề một cách thấu đáo, từ đó dẫn đến có những hành động thiếu suy nghĩ.
 
Chưa có số liệu thống kê cụ thể về số vụ án liên quan đến ghen tuông trong cả nước nhưng có thể nói những năm trở lại đây số vụ án liên quan đến vấn đề gia đình ngày càng tăng cao. Theo số lượng thống kê của VKSND Thành phố Hồ Chí Minh trong số 350 vụ án giết người mà đơn vị đã thụ lý từ tháng 12/2006 đến tháng 5/2008 thì số vụ mà các đối tượng có mối quan hệ gia đình, là người yêu của nhau, người tình hay đang chung sống như vợ chồng chiếm 39,25%.

Một điểm đáng lưu ý khác là nếu như trong số đối tượng phạm tội giết người nói chung, tỉ lệ bị can nữ chỉ chiếm 4,4% thì nhóm đối tượng phạm tội trong các vụ án giết người có yếu tố gia đình, tỉ lệ bị can nữ gấp gần 5 lần, chiếm 21,43%. Qua một số thống kê về các vụ án liên quan đến gia đình của riêng thành phố Hồ Chí Minh,  chúng ta cũng có thể nhận thấy số vụ án trong cả nước là tương đối cao. Và trong những vụ án này có không ít vụ liên quan đến chuyện ghen tuông.

Mấy năm trở lại đây ngày càng nhiều vụ án liên quan đến ghen tuông thậm chí “ghen ngược”. Như vụ án TAND Hà Nội xét xử bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Lan (cán bộ Ngân hàng Nhà nước) về hành vi hắt axít vào vợ của người đàn ông mà Lan đang quan hệ bất chính. Hay vụ đánh ghen TAND Phú Thọ xét xử bị cáo Tạ Hoàng Hiệp về hành vi giết người. Bị cáo Hiệp và vợ của nạn nhân có quan hệ tình cảm bất chính và đã bày mưu hãm hại người chồng để tự do qua lại với nhau. Hai vụ án trên là một trong số rất nhiều vụ án hình sự có nguyên nhân từ việc ghen tuông mà ra. Ngoài ra còn rất nhiều những chuyện đánh ghen thậm chí ghen ngược nhưng chưa nghiêm trọng đến mức pháp luật xử lý đang xảy ra ngày một nhiều.

Người chồng, người vợ khi bị phản bội, họ rơi vào cảm giác đau khổ ê chề, và tức tối. Lúc đó họ sẵn sàng đi gặp tình địch của mình đề “hỏi tội”, để cho ra nhẽ. Nhưng đó là chuyện ghen của người bị phản bội, của những ông chồng, bà vợ chính thất, có cưới xin được pháp luật thừa nhận. Còn những người được coi là kẻ thứ ba, là người đến sau bị xã hội lên án là phá hoại hạnh phúc của người khác thì sao?

Ghen tuông ngược đời

Đã có không ít các trường hợp những kẻ thứ ba mặc dù là kẻ đến sau nhưng lại ngang nhiên đánh ghen với vợ, chồng của người tình. Đã ghen thì cái gọi là ghen ngược, hay ghen xuôi cũng đều là ghen cả. Có điều, cái thứ gọi là ghen ngược ấy, nó vừa ghê gớm, đáo để, tai ngược vừa bất chấp cả đạo lý làm người, bất chấp đâu là lẽ phải đâu là tình yêu chân chính.

Ai cũng biết tình yêu có một đặc điểm phân biệt nó với các thứ tình cảm khác là tính độc chiếm, không chia sẻ chung đụng. Vì vậy khi đã quá yêu một người đã có gia đình họ có thể trở nên mê muội, mù quáng đến mức không phân biệt phải trái. Tuy họ là kẻ đến sau, không được pháp luật thừa nhận, bị dư luận lên án nhưng họ vẫn lăn xả vào mối quan hệ đó như những con thiêu thân ghen ngược với người chồng, người vợ của nhân tình và ngày càng dấn sâu vào bi kịch và tự làm khổ chính mình.

Hân là một sinh viên trẻ mới ra trường, cô làm việc cho một công ty du lịch. Giám đốc của cô, Hùng là một người mới ngoài 40 tuổi, khéo ăn nói và rất ga lăng. Vào công ty được một thời gian do có năng lực, lại xinh xắn Hân nhanh chóng được cất nhắc lên vị trí trợ lý giám đốc. Sau một thời gian làm việc chung, có những chuyến đi công tác cùng nhau, giữa cô trợ lý trẻ trung xinh đẹp và vị giám đốc đào hoa đã nảy sinh tình cảm. Được Hùng yêu chiều cưng nựng, Hân không  coi vợ Hùng ra gì, rắp tâm tìm mọi cách đẩy cuộc hôn nhân của họ đến tan vỡ để hy vọng trở thành vợ giám đốc. Lúc đầu, sau mỗi lần hẹn hò, gặp gỡ nhau cô đều cố tình để lại các dấu vết trên người, trên quần áo của Hùng, ngấm ngầm báo cho vợ anh biết mối quan hệ của hai người. Dần dần, táo tợn hơn cô ngang nhiên gọi điện đến nhà, nhắn tin vào máy di động của “phu nhân” giám đốc với những lời lẽ ghen tuông ngang ngược: “Anh Hùng không còn yêu chị nữa, anh ấy yêu tôi. Chị hãy buông tha cho anh ấy…”. Những tin nhắn ghen tuông kiểu này liên tục được Hân gửi đến “phu nhân” của giám đốc. Và đỉnh điểm của sự ghen tuông là cô tìm đến tận nhà của Hùng, khi gặp Lan vợ Hùng cô tuyên bố mình là vợ Hùng và xông vào túm tóc giằng xé người chị Lan đánh ghen.

Hoàng và Tuyết làm việc cùng một xí nghiệp may xuất khẩu. Mặc dù Tuyết hơn Hoàng hai tuổi nhưng trông Tuyết khá ưa nhìn, hơn nữa “gái một con trông mòn con mắt”. Mặc dù đã có chồng, có một cậu con trai, gia đình kinh tế ổn định nhưng từ khi gặp Hoàng, trước sự chiều chuộng quan tâm của Hoàng, Tuyết đã bất chấp tất cả để dấn sâu vào mối quan hệ bất chính này. Là kẻ thứ ba nhưng Hoàng luôn có thái độ hằn học ghen tuông mỗi khi nghe Tuyết nhắc đến chồng. Những ngày cuối tuần khi Tuyết dành thời gian cho chồng con Hoàng luôn cảm thấy tức tối, khó chịu, chỉ muốn chạy ngay đến đánh ghen với “lão” chồng của nhân tình. Do quá say mê nhau, Hoàng đã ghen ngược với chồng người tình và nghĩ chỉ có cái chết của anh Tân (chồng Tuyết) mới tạo điều kiện cho hai người tự do đến với nhau. Được sự đồng thuận của Tuyết, hai người đã bày mưu cho anh Tân uống thuốc ngủ rồi tạo ra một vụ tai nạn ôtô khiến anh Tân tử vong.

Và những bi kịch

Có người lúc đầu vì yêu, chấp nhận mối quan hệ với người đã có gia đình. Nhưng sau đó, họ không muốn mình chỉ là kẻ thứ ba và sẵn sàng tìm mọi cách kể cả giết người (như Hoàng) để dành giật chồng, vợ người khác. Lại có người (như Hân) chỉ vì mục đích nào đó như để có vị trí trong công việc, có tiền, có nhà lầu xe hơi,… mà chấp nhận cuộc tình tay ba với những người đàn ông có vợ nhưng thành đạt, có chút địa vị trong xã hội. Mỗi người một lý do nhưng đều có hành động vô cùng càn rỡ và không coi đạo đức luật pháp ra gì. Cuối cùng họ lại là người rơi vào bi kịch và không những phá vỡ hạnh phúc của người khác mà còn làm hại cuộc đời của chính họ. Và dù có giành giật được những thứ đó cũng không có gì đảm bảo chắc chắn cho cuộc sống sau này của họ sẽ hạnh phúc.

Hân sau buổi đánh ghen ầm ĩ tại nhà Hùng đã phải ra toà vì tội cố ý gây thương tích người khác. Hùng cũng đã chấm dứt ngay lập tức mối quan hệ với cô để trở về với vợ con anh ta. Hơn thế nữa, tất cả tài sản anh ta từng sắm cho cô như xe máy, một căn hộ chung cư, điện thoại,… anh ta đều lấy lại hết. Cuối cùng cô tay trắng vẫn hoàn tay trắng và phải niếm trải sự nhục nhã ê chề.

Hoàng với Tuyết mặc dù đã xoá mọi dấu vết sau khi gây án nhưng lưới trời lồng lộng. Hai kẻ giết người có chủ mưu đã phải vào tù chờ pháp luật trừng trị.

Vì tình yêu hoặc đôi khi vì vật chất muốn thay vị trí của những người chồng, người vợ của nhân tình, những người thứ ba đã bất chấp đạo lý, pháp luật có những hành động ghen tuông vô lý, thậm chí đánh ghen hoặc gây án mạng là những kẻ vô cùng càn rỡ không coi đạo đức và pháp luật ra gì. Chỉ khi tra tay vào còng số 8 họ may ra mới phần nào tỉnh ngộ. Nhưng đó là sự tỉnh ngộ muộn màng. Có thể nói hầu hết những mối quan hệ tay ba đều không mang lại kết quả tốt đẹp gì cho cả ba phía. Đặc biệt đối với những người được xem là “kẻ thứ ba” kia lại càng không. Và những hành động ghen ngược của họ chỉ càng đẩy họ vào bi kịch do chính mình tạo ra mà thôi.
T.T