* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả
Hương vị tình thân phần 2 tập 56 lên sóng tối qua đã để lại những luồng tranh cãi trái chiều trong khán giả. Ở tập này, Thy đã phát hiện ra chuyện ông Tấn và Dũng có quan hệ huyết thống. Là một người thông minh, cô nhanh chóng đoán biết ra tất cả sự thật trong quá khứ, rằng mẹ mình là kẻ đã ngoại tình trắng trợn, đồng thời che giấu tội lỗi cho kẻ thù giết chồng.
Cảnh Thy tới chất vấn bà Sa dồn nén cao trào của tập phim. Nếu như nhiều khán giả cảm thấy hả hê trước sự đau khổ của Thy và cho rằng đây là lúc Thy phải "trả nghiệp", thì cũng lại có những khán giả cảm thấy chua xót, thương thay cho số phận của nhân vật này.
Nếu bạn nghĩ Thy - Hương vị tình thân yêu bố mình là giả tạo, thì xin lỗi, bạn chỉ đang cố áp đặt tư tưởng đó lên một nhân vật mà bạn ghét thôi!
Người viết bài này cũng từng rất ghét Thy, cũng từng rất mong đến ngày Thy phát hiện ra tất cả bí mật quá khứ mà mẹ mình che giấu, nhưng lại không thể hả hê nổi khi nhìn cảnh Thy khóc lóc, chất vấn mẹ mình, và chứng kiến sự lạnh lùng, tàn nhẫn của người mẹ ruột.
Đúng, Thy có thể rất xấu tính và sân si, Thy có thể thủ đoạn và ích kỷ, Thy có thể đưa ra những đòi hỏi vô lý dễ làm người xem phải ba máu sáu cơn như khi cô yêu cầu Nam hãy ra đi tay trắng... Tất cả những điều ấy tạo nên một Khánh Thy bị ghét suốt hơn 100 tập phim, không ai có thể phủ nhận.
Nhưng xấu tính, ích kỷ, sân si, thủ đoạn, vô lý... thì không có nghĩa không có quyền được đau khổ, được đáng thương. Hương vị tình thân đã chứng minh điều đó khi tạo ra nhân vật Khánh Thy.
Thy lớn lên là một đứa trẻ không được mẹ yêu thương. Người ta bảo rằng việc Thy đau khổ vì bố mình là giả tạo. Thy chỉ đang cố tình tạo ra một cái cớ để trả đũa Nam mà thôi. Một đứa trẻ bố mất sớm lúc mới 4, 5 tuổi thì làm sao có đủ tình cảm để mà yêu thương, nhung nhớ người bố ấy đến vậy?
Nhưng chúng ta đâu phải là Thy, chúng ta đâu trải qua nỗi ám ảnh bị chính mẹ ruột đối xử tàn nhẫn, lạnh lùng từ bé đến lớn? Ai đó từng nói rằng hạnh phúc có khi còn dễ quên nhưng nỗi đau thì khắc sâu mãi mãi. Đó là lý do có những đứa trẻ bị bạo hành lớn lên với những tổn thương tâm lý sâu sắc. Có những ký ức sẽ dễ dàng bị lãng quên, nhưng cũng có những ký ức sẽ theo bạn tới cả cuộc đời.
Nỗi ám ảnh bởi những hà khắc của mẹ đã khiến Thy lấy bố làm lẽ sống, làm động lực để cố gắng và lớn lên. Chúng ta có thể tốt, có thể xấu, nhưng khi bạn xấu, không có nghĩa là bạn không được phép yêu, không được phép hiếu thảo với những người sinh ra mình. Thy có quyền yêu bố, và không ai có quyền tước đi tình cảm đó của cô, hay phủ định rằng đó chỉ là thứ tình cảm giả tạo. Nếu bạn nghĩ Thy yêu bố mình là giả tạo, thì xin lỗi, bạn chỉ đang cố áp đặt tư tưởng đó lên một nhân vật mà bạn ghét thôi.
Hương vị tình thân: Thy đáng thương khi bi kịch bị đẩy lên đỉnh điểm
Thy yêu bố, tôn thờ bố, lấy bố làm lẽ sống, nên tất nhiên khi phát hiện ra những việc mà mẹ đã làm, cô đau khổ, sụp đổ. Cảnh Thy chất vấn bà Sa càng khắc họa bi kịch của đời Thy lên đến đỉnh điểm khi cô phát hiện ra rằng, mình chính là hậu quả của một vụ cưỡng hiếp. Mẹ cô căm hận bố cô vì ông đã hủy hoại cuộc đời bà.
Thậm chí, khi Thy trách cứ mẹ thì bà Sa, đến giờ phút này vẫn có thể hỏi lại con gái một câu: "Mẹ thì đã làm gì sai với con?". Bà Sa cho rằng mình đã cho Thy ăn học tử tế, lớn lên có công việc đàng hoàng, lấy được chồng giàu... Mẹ Thy cho rằng mình đã hoàn thành xuất sắc trách nhiệm của một người mẹ với con gái, mà không biết rằng thứ mà Thy cần nhất thì bà lại không bao giờ cho cô, đó chính là tình yêu.
Và rồi, vào giây phút bẽ bàng nhất, khi không còn đủ lý lẽ để bao biện cho tội lỗi của mình nữa, thì điều bà Sa quan tâm duy nhất, vẫn chỉ có Dũng. "Dũng nó không có lỗi gì cả!" - mẹ Thy đã suy nghĩ được đến mức ấy, thì tại sao bà lại không nhận ra rằng, Thy cũng đâu có lỗi gì trong bi kịch gia đình này?
Thy không được chọn bố, không được chọn mẹ. Cô chỉ là một đứa trẻ vô tội khao khát tình yêu thương như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng bà Sa lại nuôi Thy lớn lên bằng lòng căm hận. Bà sẵn sàng trút nỗi uất ức và tủi nhục của cuộc đời mình sang đứa con gái, bà không ngại đối xử thiên vị giữa Thy và Dũng. Thy đã lớn lên với 1001 câu hỏi tại sao mẹ lại đối xử với mình như thế, để rồi hôm nay có lời giải đáp, trong bẽ bàng và cay đắng.
Người ta nói rằng những bi kịch, đau khổ trong đời Thy là do Thy tự chuốc lấy. Điều này không sai. Ví như việc vì ghen ghét, đố kỵ với người khác mà khiến cho bản thân luôn sống không thoải mái. Ví như việc nuôi tham vọng quá lớn, thì khi không đạt được những thứ mình mong muốn, nỗi thất vọng lại càng nhiều... Nhưng tôi tin là không phải trong tình huống này. Thy không tự chuốc lấy bi kịch có một người mẹ máu lạnh, có một người cha là dân anh chị, hay có một người em là con của kẻ giết bố mình...
Tôi nhớ biên kịch của Hương vị tình thân, vào thời điểm mà dư luận lên án chị đang cố "tẩy trắng" cho nhân vật Khánh Thy, từng chia sẻ rằng: "Nói là chúng tôi "tẩy trắng" nhân vật thì không phải, chúng tôi chỉ đang cho khán giả nhìn rõ thêm 1 mặt khác của Khánh Thy, một mặt mà khán giả lâu nay chắc đã có sự cảm nhận lờ mờ, nhưng cần thêm một chút thổ lộ. Và sau khi hiểu rồi, thì lựa chọn thương hay không, thông cảm hay không lại tùy vào mỗi người, quan niệm sống, quan niệm nhân sinh của họ".
Cho đến giờ phút này cũng vậy, lựa chọn thương Thy hay không, thông cảm cho Thy hay không cũng tùy thuộc vào quan niệm sống, quan niệm nhân sinh của từng khán giả. Bạn chọn ghét hay thương Thy, hay thậm chí cả ghét cả thương là quyền của bạn. Có quan điểm trái chiều mới tạo nên cuộc sống, chỉ mong rằng hãy "trái chiều" một cách văn minh.
Hương vị tình thân
- Tình cảm, gia đình
- 25 phút
- 19/04/2021
- Thứ 2 đến thứ 6 - VTV1
Hương vị tình thân kể về Phương Nam, cuộc sống đảo lộn khi Nam phát hiện ra cô chỉ là con nuôi trong gia đình mình. Những biến cố liên tiếp ập tới. Giữa lúc đó, ông Sinh - cha ruột của Nam xuất hiện, lặng thầm bảo vệ con gái nhỏ. Nam luôn tin rằng cô sẽ tìm được một gia đình thực sự, và đến khi Hoàng Long xuất hiện, hạnh phúc tưởng đã mỉm cười với Nam. Nhưng khi đó, bí mật về ông Sinh được hé lộ khiến Nam sụp đổ. Những mâu thuẫn và ân oán lắt léo buộc Nam đứng trước hai lựa chọn: gia đình mà cô vừa gây dựng hay người cha tù tội vẫn lặng thầm bảo vệ cô.