Con gái từng rất đáng yêu, vâng lời nhưng 1 năm nay, chị N.T.H (ngụ quận 8, TP HCM) đau đầu vì sự trái tính, trái nết của cô.

Thay đổi chóng mặt

"Tôi hết chịu nổi luôn! Nếu trước đây, tôi nói gì cũng nghe lời thì giờ mặt con cứ lầm lì. Mẹ nói một câu, con cãi một câu, chẳng hiểu học đâu ra thói ngang bướng chứ trong nhà đâu ai như vậy?" - chị H. băn khoăn.

H.P, con chị H., từ bé rất ngoan, biết chia sẻ với cha mẹ. Từ năm 13 tuổi, P. bỗng trở nên khó bảo, hay chống đối, thường chê gu thời trang mẹ quê mùa. Bé đòi tự mua quần áo theo ý mình nhưng theo chị H, "cái nào con mua không hở trước thì hở sau, rộng thùng thình hoặc bó sát người, nhìn chướng mắt".

Gần đây nhất là chuyện P. lén xăm hình, xỏ khuyên tai 2-3 lỗ. "Tôi dỗ dành rồi la mắng kiểu gì con cũng một mực đòi làm theo ý mình. Tôi hỏi sao lại thích như thế thì con trả treo là mốt, mẹ quê mùa chẳng hiểu được, trách tôi cấm đoán…" - chị H. thở dài.

Chưa hết, chuyện chị H. được cô giáo chủ nhiệm của P. mời lên "dùng trà" đã thành quen. Cô phê bình P. học sa sút và thường tụ tập chọc phá thầy cô, bạn bè. Có lần, P. còn trốn ở nhà vệ sinh của trường để lén hút shisha.

Dù đã chuẩn bị tâm lý cho giai đoạn con dậy thì nhưng chị H. vẫn sốc. Chị không thể tưởng tượng nổi sự thay đổi đến chóng mặt của con gái, bữa cơm nào cũng trở thành "cuộc chiến" giữa cha mẹ và con cái.

Khi trẻ nổi loạn ở tuổi dậy thì - Ảnh 1.

Chị T.K.T (ở TP Thủ Đức) cũng sốc vì cậu con trai 13 tuổi, vốn có cá tính mạnh nhưng trước giờ vẫn "trong tầm kiểm soát" của mẹ.

"V.N từng là học sinh tốp 3 của lớp, giỏi đều các môn nhưng giờ chỉ thích tụ tập bạn bè, chơi game, thường đến lớp muộn, không chuẩn bị bài hoặc quên sách vở. Đau lòng là chuyện con lấy trộm tiền của tôi mua quà vặt rồi đổ lỗi cho người khác" - chị T. rầu rĩ.

Để uốn nắn con, chị T. cắt tiền sinh hoạt hằng tuần, kiểm soát việc dùng điện thoại, giờ giấc của V.N nhưng không thấy khả quan hơn. Ngược lại, cậu càng cáu kỉnh và chống đối. Bất lực, chị đang nghĩ đến chuyện đưa con đi điều trị tâm lý.

Chia sẻ về con gái 15 tuổi từng rất đáng yêu nhưng giờ là nỗi lo của gia đình, anh V.V.Q (quận Gò Vấp, TP HCM) kể từ khi lên lớp 10, cô bé thích trang điểm, có quan hệ tình cảm nam nữ và hay "bật" lại hoặc bỏ ngoài tai những gì cha mẹ góp ý, yêu cầu. "Chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, có lúc cảm thấy rất tuyệt vọng" - anh Q. tâm sự.

Đến gần con bằng tình yêu thương

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thanh Thúy, ở giai đoạn dậy thì, trẻ thường thay đổi về tâm sinh lý, trở nên ương ngạnh, thích chống đối.

Ở tuổi này, cái tôi lớn nên trẻ luôn muốn khẳng định bản thân. Có trẻ đặt ra mục tiêu rồi theo đuổi, cũng có trẻ lại muốn gắn kết thông qua các mối quan hệ lành mạnh. Có trẻ lại sa ngã, khẳng định mình bằng việc bướng bỉnh, đua đòi... Vì thế, sự chỉ dẫn, đồng hành của cha mẹ là rất cần thiết để đưa ra giới hạn, phân tích đúng sai, tránh tác động xấu đến tính cách và sự phát triển của trẻ sau này.

"Cha mẹ cần tìm hiểu để có kiến thức dạy con, biết tâm sinh lý tuổi dậy thì, những nguy cơ mà trẻ cần tránh. Quan trọng hơn, cha mẹ phải luôn là nơi con tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần" - bà Thanh Thúy nhắn nhủ.

Theo bà Thanh Thúy, điều cần phải tránh chính là dùng biện pháp la mắng, đánh đập. Đây là cách làm phản khoa học, góp phần khiến trẻ đi lầm đường vì lúc này, lòng tự tôn của trẻ rất cao. Chưa kể, tâm lý buồn vui thất thường, hay cáu giận nên trẻ dễ tổn thương.

"Hành động nào tác động xấu đến lòng tự tôn thì trẻ sẽ gục ngã. Bây giờ, trẻ 8-10 tuổi đã dậy thì. Đây là lúc cha mẹ phải nói chuyện với con về sự khác biệt giữa nam - nữ, bổ sung cho trẻ kiến thức tâm sinh lý; đồng thời theo dõi, gần gũi con, đặc biệt phải tránh hà khắc thái quá" - chuyên gia Thanh Thúy lưu ý.

Chuyên gia Phạm Kim Thoa cũng cho rằng la mắng hoặc bạo lực sẽ đẩy trẻ rời xa cha mẹ. Trẻ sẽ mang tư tưởng căm ghét và bị những ký ức không đẹp ấy ám ảnh cả đời. Vì vậy, cha mẹ cần bình tĩnh, nhẹ nhàng trong giao tiếp, ứng xử với con.

"Ngày tháng ở tuổi dậy thì là khoảng thời gian rất khó khăn của cả trẻ và cha mẹ. Để phát triển, trẻ cần phải xử lý rất nhiều về vấn đề tâm sinh lý. Cha mẹ cần trao quyền cho con nhiều hơn, cho trẻ được rèn luyện khả năng độc lập. Điều này ảnh hưởng tích cực đến việc định hình tích cách và tạo cho trẻ nền tảng vững chắc" - chuyên gia Kim Thoa nhìn nhận.

Theo chuyên gia này, đừng sợ trẻ mắc sai lầm, vấp ngã mà hãy để trẻ tự đứng lên, rèn luyện vượt qua nghịch cảnh. Từ đó, trẻ sẽ cảm nhận được giới hạn của bản thân. Cha mẹ cần tôn trọng và có những chỉ dẫn về cuộc sống cho con.

Cha mẹ và con cái là những cá thể hoàn toàn độc lập. Cha mẹ hãy lặng lẽ quan sát, có những chỉ dẫn kịp thời và đồng hành cùng con khôn lớn.