Năm 1965, anh Năm Lai - chồng tôi (chiến sĩ biệt động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai, còn gọi là Mai Hồng Quế, C trưởng biệt động, thuộc đơn vị 159 Biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định) - được giao nhiệm vụ làm hầm bí mật ở nội đô để cất giấu vũ khí chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân. Tôi cũng sát cánh cùng anh và nhiều đồng đội khác thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này.
Năm 1966, tôi sinh đứa con đầu lòng. Lần lượt sau đó năm 1967, 1968, đứa thứ hai, rồi thứ ba cũng chào đời giữa thời khắc ác liệt nhất của chiến tranh.
Trong thời gian có thai và nuôi con nhỏ, tôi vẫn làm việc nặng, ngược xuôi khắp nơi để hoạt động cách mạng. Có thời gian tôi phải bồng 3 đứa con thơ ra chiến khu trong rừng vì tình hình nội thành phức tạp. Khi đó tôi còn đang mang thai đứa thứ tư.
Sau trận tấn công dinh Độc Lập, anh Năm bị lộ, bị truy nã, phải rời Sài Gòn lẩn trốn nhiều nơi. Một mình tôi ở lại nuôi con bằng cách bán từng can xăng. Bị truy nã gắt gao, mỗi lần anh về thăm vợ con cũng phải hết sức bí mật. Cũng vì hoàn cảnh đặc biệt như vậy nên 5 người con sinh trước năm 1975 phải mang họ mẹ, đến sau 1975 mới đổi lại theo họ cha.
Mãi đến sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, anh Năm mới về nhà ăn với mẹ con tôi bữa cơm gia đình. Năm 1977, tôi sinh đứa con út. Chiến tranh qua đi, đời sống ngày đầu thống nhất đất nước còn nhiều khó khăn, để lo cho 6 đứa con ăn học, tôi làm đủ nghề, từ bán rau má, hột vịt lộn, xay cua đến giữ xe ở chợ.
Vất vả cực nhọc cỡ nào rồi cũng qua. Có người hỏi sao thời chiến tranh, rồi vợ chồng hoạt động hiểm nguy vậy mà còn sinh nhiều con chi cho cực, tôi cũng thú thật là ngày xưa đâu có nhiều phương tiện phòng tránh thai như bây giờ. Nhưng gian khổ cỡ nào, chúng tôi cũng chưa từng hối hận vì nhà đông con.
Bây giờ, khi đã ngoài 80 tuổi, cuộc sống của tôi có niềm vui là nhìn các con yên bề gia thất, các cháu ăn học thành tài. Tôi hạnh phúc vì các con đều nên người, có công danh sự nghiệp, hiếu thảo với mẹ. Các con động viên mẹ đi du lịch trong và ngoài nước, mua sữa, thuốc bổ, đồ ăn ngon cho mẹ bồi dưỡng sức khỏe.
Con cháu nên người, anh em trong nhà thuận thảo - đó là cái phúc lớn nhất, quý giá nhất mà tôi có được trong cuộc đời này.
Bà Đặng Thị Thiệp - vợ của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai