Kho dự trữ của WHO hết sạch vắc xin phòng bệnh tả - Ảnh 1.

Chương trình hướng dẫn vệ sinh tay sạch sẽ phòng bệnh ở Syria nơi dịch tả đang hoành hành - Ảnh: UNICEF

Bệnh tả là một bệnh nhiễm trùng cấp tính ở ruột non do vi khuẩn gram âm Vibrio cholerae tiết ra độc tố gây tiêu chảy, dẫn đến mất nước, thiểu niệu và trụy tuần hoàn.

Bác sĩ Philippe Barboza, trưởng nhóm nghiên cứu dịch tả và bệnh tiêu chảy của WHO, cho biết: "Tất cả các loại vắc xin tả trong kho dự trữ do nhóm điều phối quốc tế về cung cấp vắc xin do WHO và các đối tác khác quản lý đều đã được phân bổ. Bây giờ chúng tôi phải đợi lô tiếp theo đang được sản xuất để phân phối tiếp".

Tháng trước, chuyên gia của WHO xác nhận số ca mắc bệnh tả đã tăng vọt trên toàn thế giới trong năm 2022 buộc các cơ quan y tế phải đối phó với nhu cầu vắc xin gia tăng.

Căn bệnh này được báo cáo gia tăng từ vùng Caribbean đến châu Phi, khắp Trung Đông và Nam Á.

Bệnh tả bùng phát không chỉ ở những quốc gia nơi căn bệnh này thường xuyên hiện diện mà còn xuất hiện những nơi không ghi nhận bệnh này trong nhiều thập kỷ, theo trang tin IFL Science.

"Tình hình rất đáng lo ngại, rất đáng lo ngại. Chúng tôi đã phải lo lắng về chiến tranh, đói nghèo và vấn đề di dân. Nhưng bây giờ chúng ta có thêm vấn đề bệnh tật liên quan đến biến đổi khí hậu" - bác sĩ Barboza xác nhận trên báo New York Times.

Dịch tả được đánh giá là rất nghiêm trọng ở Haiti, Malawi, Lebanon và Syria, theo các báo cáo gần đây của WHO và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).

Số ca bệnh tăng nhanh khiến lần đầu tiên các cơ quan y tế phải đưa ra quyết định khó khăn trong việc phân chia vắc xin do thiếu hụt vắc xin.

Bà Daniela Garone, điều phối viên y tế quốc tế của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), nói với báo New York Times: "Nó khiến bạn tính toán liệu sẽ gửi vắc xin đến Haiti hay Syria".

Nhóm điều phối quốc tế của WHO, cơ quan quản lý nguồn cung vắc xin khẩn cấp, thông báo hồi tháng 10 về việc tạm ngừng tiêm hai liều tiêu chuẩn vắc xin tả mà chỉ tiêm một liều duy nhất.

Bà Garone nói: "Không có đủ vắc xin. Hiện tại chúng tôi chỉ đang cố gắng ngăn chặn tỉ lệ tử vong chứ không thể ngăn chặn dịch bệnh".

Ông Barboza giải thích việc giảm nửa liều sẽ không làm giảm lượng miễn dịch do vắc xin mang lại, nhưng sẽ rút ngắn thời gian bảo vệ của vắc xin.

Chỉ có rất ít đơn vị sản xuất vắc xin tả vì yếu tố lợi nhuận không hấp dẫn họ do giá vắc xin tả rất rẻ, chỉ khoảng 1,50 USD/liều.