Gần 2 tháng nay, chị Trần Thị Hồng Nhung (Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) phát hiện thấy miệng lúc nào cũng khô khốc, môi khô và dễ nứt nẻ. Mỗi sáng sau khi thức dậy, chị thường có cảm giác cổ họng đau rát như có keo dính trong miệng. Hơn nữa, hễ thay đổi thời tiết là chị rất dễ bị viêm họng, ho kéo dài.

Chị Nhung cho biết, chị đã uống bổ sung nhiều nước nhất là ngay sau khi ngủ dậy để “chống khô” nhưng không mấy hiệu quả. Chị vẫn thấy miệng khô, thậm chí có mùi hôi.


Khô miệng không quá nguy hiểm nhưng sẽ gây phiền phức đến vấn đề ăn uống hàng ngày. Nên được xử lý sớm

Khô miệng không quá nguy hiểm nhưng sẽ gây phiền phức đến vấn đề ăn uống hàng ngày. Nên được xử lý sớm

Theo các chuyên gia Tai - Mũi- Họng, khô miệng là một triệu chứng, không phải là một bệnh lý, biểu hiện qua việc giảm tiết nước bọt trong miệng. Có nhiều nguyên nhân gây giảm tiết nước bọt như do lão hóa; tác dụng một số loại thuốc (một số loại thuốc có tác dụng phụ gây khô miệng như thông mũi, thuốc cao huyết áp…); hút thuốc lá; căng thẳng thần kinh; há miệng hoặc ngáy trong khi ngủ cũng làm giảm tiết nước bọt và gây khô miệng.

Bên cạnh đó, ở phụ nữ mang thai hoặc ở tuổi mãn kinh, sự hay đổi hormon trong cơ thể gây giảm tiết nước bọt cũng khiến miệng bị khô. Theo thống kê, có đến 10% dân số trên toàn thế giới đang mắc phải chứng khô miệng.

Khô miệng có thể ảnh hưởng đến dinh dưỡng và tâm lý, gây khó khăn trong ăn uống, nói, thay đổi vị giác, nhiễm trùng răng miệng…. Ngoài ra khô miệng còn đẩy nhanh sự thoái hoá răng sẽ dẫn tới chứng hôi miệng, sâu răng hoặc các chứng viêm nhiễm trong miệng...

Để hạn chế tình trạng miệng bị khô, có thể thực hiện một số phương pháp sau:

- Bổ sung nước thường xuyên nhưng không uống quá nhiều trong một lần mà nên uống từng ngụm nhỏ cách đều nhau để đảm bảo miệng lúc nào cũng được làm ẩm. Không uống nước quá nóng hoặc quá lạnh. Nên kết hợp uống nước trong mỗi bữa ăn.

- Nhai kẹo cao su không đường hoặc kẹo mút không đường để kích thích tuyến nước bọt.

- Tốt nhất không nên uống nhiều rượu, cafe và các đồ uống có chứa caffeine vì chúng có thể khiến miệng dễ bị khô.

- Hạn chế sử dụng nước súc miệng có chứa cồn vì cồn có thể làm khô miệng. Nên súc miệng với nước muối loãng hàng ngày để hạn chế viêm nhiễm và làm sạch miệng.

- Điều trị chứng ngạt mũi và hạn chế thở bằng miệng

- Tăng độ ẩm trong phòng khi ngủ

Theo BS. Ngô Hữu Lộc - Công ty TNHH chẩn đoán y khoa Tâm Phúc: Tùy thuộc vào nguyên nhân gây khô miệng mà các bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị cụ thể. Ví dụ, khô miệng do tác dụng phụ của các loại thuốc (chống trầm cảm, cao huyết áp..) sẽ giảm liều lượng thuốc hoặc sử dụng thuốc thay thế có thể khắc phục.

- Khô miệng do viêm nhiễm răng miệng nên dùng kháng sinh, do nấm thì dùng thuốc trị nấm...

- Uống vitamin và dùng nước bọt nhân tạo nếu khô miệng do phản ứng phụ với quá trình xạ trị, điều trị ung thư...Một số tình huống bác sĩ sẽ chỉ định dùng Pilocarpin theo đường uống để điều trị triệu chứng khô miệng do thiểu năng tuyến nước bọt, xảy ra sau khi dùng tia xạ điều trị ung thư đầu và cổ.

- Nếu miệng bị khô do sỏi tuyến nước bọt gây tắc nghẹt thì phải phẫu thuật...

Tốt nhất, người có triệu chứng khô miệng kéo dài nên đến các cơ sở y tế kiểm tra để được tư vấn phương pháp điều trị hợp lý.