Rất nhiều người trong chúng ta ắt hẳn sẽ "phát điên" với loạt câu hỏi kinh điển "Khi nào có bồ/lấy chồng/lấy vợ?" từ những người xung quanh.
Tất nhiên đâu phải ai cũng muốn cứ mình mãi như thế đâu, nhỉ? Việc chưa tìm được một người ưng ý, áp lực từ công việc, gia đình... dần khiến chúng ta gác lại ý nghĩa về cuộc sống lứa đôi đúng nghĩa.
Nhưng bạn có biết, theo một báo cáo được xuất bản trên PLOS ONE, sống độc thân có thể liên quan làm tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh rối loạn tâm thần phổ biến (CMDs – common mental disorders). Và tình trạng này ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi lẫn giới tính.
Cụ thể, báo cáo này được đưa ra sau quá trình phân tích của ĐH Versailles Saint-Queentin-en-Yvelines (Pháp). Báo cáo cho thấy, tình trạng độc thân ở các nước phương Tây ngày một phổ biến.
Đội ngũ đã phân tích dữ liệu từ hơn 20.000 người ngẫu nhiên có độ tuổi từ 16-74 sống tại Anh Quốc. Dữ liệu được lấy từ bản khảo sát Kiểm định sức khỏe tinh thần cấp quốc gia trong các năm 1993, 2000 và 2007. Trong bản khảo sát có bao gồm thông tin về cân nặng, chiều cao, trình độ học vấn, công việc, tình trạng sử dụng rượu bia, chất kích thích, hỗ trợ xã hội và cảm giác cô đơn theo đánh giá của từng cá nhân.
Kết quả, tỷ lệ người sống độc thân trong giai đoạn 1993 - 2007 đã tăng lên đáng kể, từ 8,8 % lên 10,7%. Con số này ở năm 2000 là 9,8%.
Chưa hết, khi phân tích thêm về các yếu tố có khả năng tác động đến CMD - bao gồm rối loạn khí sắc, rối loạn lo âu và sử dụng chất kích thích, trong tình trạng độc thân và không độc thân - con số này đã có sự thay đổi.
Vào năm 1993, những người mắc CMD sống độc thân chỉ là 19,9%. Thế nhưng sau 14 năm, đối tượng này đã tăng đến con số 24,7%. Trong khi đó, những người mắc CMD đang có quan hệ tình cảm với người khác lại có tỉ lệ tăng ít hơn (từ 13,6 đến 15,4%).
Trong một nghiên cứu khác của ĐH Southampton (Anh) vào năm 2016 trên 456 đối tượng là sinh viên đại học cho thấy, có sự liên hệ mật thiết giữa tình trạng cô đơn với bệnh trầm cảm và lo âu.
Những nghiên cứu này phần nào giúp các nhà khoa học tìm ra được yếu tố nguy cơ của CMDs trước "đại dịch cô đơn" đang dần trở thành vấn đề đáng quan ngại hiện nay.
Tất nhiên, không phải ai có cuộc sống độc thân đã cảm thấy cô độc, nhưng sự can thiệp để tránh các vấn đề CMDs là điều cần thiết cho các đối tượng này (bao gồm liệu pháp tâm lý, trị liệu bằng nuôi thú cưng hay trò chuyện với chuyên gia).
Sẽ phải cần nhiều nghiên cứu nữa trong tương lại để giới khoa học có câu trả lời hoàn chỉnh nhất. Vì thế, dù đã có mối quan hệ hay chưa, hãy chú ý nhiều hơn về sức khỏe tinh thần của bản thân trước đã, nhé.