Tiếp tục chương trình phiên họp, sáng 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Qua nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong 7 năm (từ 2016 - 2022) có gần 5 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trong số này đã có khoảng gần 1,5 triệu người quay lại tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội (chiếm tỷ lệ 26% số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần).

"Như vậy trong giai đoạn này ước khoảng 3,5 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và rời bỏ hoàn toàn hệ thống bảo hiểm xã hội (đến thời điểm hiện tại), chiếm tỷ lệ hơn 70% số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần", bà Thúy Anh cho hay.

Khoảng 3,5 triệu người rút bảo hiểm một lần rồi rời bỏ hoàn toàn - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Phân tích về tỷ lệ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, trong số gần 5 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có khoảng 66% có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 5 năm, nhóm dưới 40 tuổi chiếm 77,5% và đây cũng là nhóm có thời gian đóng bình quân dưới 5 năm.

Qua lấy ý kiến, lý do dẫn tới người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu bao gồm: Khó khăn về kinh tế, cần tiền để lo cho gia đình; chưa có đầy đủ thông tin nên thiếu tin tưởng vào chính sách và cho rằng nhận trợ cấp một lần lợi hơn chờ lương hưu; lo lắng sự an toàn của quỹ bảo hiểm xã hội không thể tiếp tục tham gia vào thị trường lao động khu vực chính thức.

Bên cạnh đó, theo khảo sát nhanh của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thì người lao động dự kiến chi tiêu số tiền rút được tập trung vào các khoản chi như tiêu dùng cho cuộc sống bản thân, gia đình (42,4%), dùng để trả nợ 44,7% (trong đó trả nợ ngoài lãi suất cao là 8,4%), điều này cho thấy sự không hiệu quả và sẽ dùng hết trong khoảng thời gian ngắn.

Trước thực tế trên, một số ý kiến đề nghị kết hợp hai phương án Chính phủ trình; đồng thời, nghiên cứu có lộ trình giảm phần trăm mức hưởng khi nhận bảo hiểm xã hội một lần (tương tự như vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu) để vừa tuyên truyền, vừa áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi để giữ chân người tham gia bảo hiểm xã hội.

"Nếu thực hiện ngay và giảm mức hưởng xuống 50% sẽ có thể gây ra phản ứng chính sách", bà Nguyễn Thúy Anh nêu, đồng thời lưu ý, phải tiếp tục đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng, tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án dự kiến sửa đổi.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, quy định rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề hệ trọng. Về tích hợp 2 phương án, ban soạn thảo có nghiên cứu, và nhận thấy, nếu đặt ra phương án 3 thì có thể những người mới tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội sẽ không được rút; những người đang tham gia sẽ chỉ được rút 50%.