Tiếng còi tàu rít từng hồi xé tan cả không gian. Đoàn tàu lạnh lùng chuyển bánh để lại bóng người phụ nữ lững thững bước đi như tìm về chốn không gian vô định. Niềm hạnh phúc bé nhỏ đã cuốn theo những bánh xe nặng nề. Không biết từ bao giờ chị lại ghét tiếng còi tàu đến thế. Có lẽ từ khi cuộc đời anh - chồng chị, phải gắn với những chuyến đi xa.

Bước chân trở về căn nhà lạnh lẽo. Cảm giác cô đơn ùa vào cơ thể chị như những nhát dao cứa vào trái tim bé bỏng. Chị nghĩ  mình đã quen với nó, đã quen một mình gặm nhấm nỗi niềm ấy. Chị nhìn bức ảnh ngày cưới, chị đấy ư nụ cười rạng rỡ? Chị đấy ư, người con gái với ánh mắt ngập tràn hy vọng, hạnh phúc. Chị đưa tay sờ vào vết nứt trên tường, chị quá nhạy cảm chăng khi thấy tội nghiệp cho một vết nứt vô tri?! Nhưng trước đây có lẽ nó cũng đã từng đẹp, không chút tì vết. Chị cũng vậy, chị đâu còn là một tờ giấy trắng tinh khiết với bao mộng tưởng, tờ giấy đó giờ đây đã chi chít những nét vẽ nguệch ngoạc. Chị khóc.
 

Ngày anh nhận tờ giấy quyết định làm giám đốc chi nhánh ở một tỉnh khác. Anh vui vẻ, hồ hởi lắm, người đàn ông vì sự nghiệp như anh sao có thể bỏ qua cơ hội mang lại niềm vui bất tận ấy. Anh hối thúc chị sắp xếp đồ đạc, anh không để ý đôi mắt chị chỉ mải mê nhìn chiếc đồng hồ treo trên tường đang vụt qua từng khắc. Là người phụ nữ, phải ủng hộ cho công danh của chồng, chị biết chứ. Nhưng ai hiểu cho trái tim của chị, ai hiểu cho khát khao của một người con gái mới bước vào cuộc sống hôn nhân với bao mộng ước đẹp. Ai sẽ chia sẻ cùng chị nỗi niềm người đàn bà thèm khát một mái ấm với tiếng trẻ thơ, với hạnh phúc giản đơn khi nghe tiếng gọi: “Em ơi…” mỗi lần chồng đi làm về. Chị đòi hỏi quá nhiều chăng khi muốn níu chân một người chồng để khỏa lấp nỗi cô đơn?! Cũng từ lúc đó, chị ghét tiếng còi tàu, chị ghét cái âm thanh thúc giục não nề ấy mỗi khi phải tiễn chồng về một xứ khác...

Chị dọn dẹp đống quần áo trên giường, chị đang cố giữ lại chút dư vị ngọt ngào của những tối anh ở lại, cái hương vị trên cơ thể anh mà chị muốn khỏa lấp trong căn nhà thiếu sự hiện diện của một người chồng. Nhưng sao chị thấy mặn chát, chị không ý thức được những giọt nước mắt chua xót cứ tiếp tục trào ra. Chị đã từng nghĩ, với anh chị là vợ hay là nhà trọ mà anh đặc cách một tháng một lần ghé qua? Anh cưới chị về để làm vợ hay trong nom nhà cửa mà mỗi lần về anh lại trả lương hào phóng bằng một xấp tiền với nụ cười đắc thắng. Có lẽ, anh nghĩ như vậy là đủ, anh hoàn thành xuất sắc bổn phận của người chồng có thể chu cấp đủ tiền cho gia đình. Nhưng anh không nghĩ, cái anh gọi là “gia đình” ấy, nó quá xa xỉ với chị từ ngày anh thay đổi. Một tháng 2 lần, rồi 1 tháng 1 lần…, anh ngày càng hào phóng về tiền bạc, nhưng lại chắt bóp về thời gian. Chị cũng đã từng hồi hộp, từng hứng khởi chuẩn bị bao nhiêu thứ để anh bất ngờ, để anh có cảm giác được về chốn bình yên. Nhưng anh còn bận lo cho “tương lai của anh chị”, anh còn những hợp đồng béo bở mà so với nó, những bữa cơm gia đình giá trị thật bèo bọt.
 

Bạn bè ngưỡng mộ chị có chồng làm giám đốc, chị được ăn sung mặc sướng. Nhưng họ đâu biết chị cần người chồng làm nhân viên quèn ngày trước, chị thèm khát bữa cơm gia đình theo đúng nghĩa của nó. Chị chán ghét bản thân, chị thấy ngột ngạt trong căn nhà rộng thênh thang đó. Chị sợ mỗi khi nhìn lên vết nứt trên tường, có lẽ chị cảm giác được trái tim mình cũng đã rạn nứt.

Tiếng coi tàu lại hụ vang lên, trong đầu chị vẫn luôn ám ảnh câu nói: “Quý khách vui lòng tránh xa đường ray, đề phòng xảy ra tai nạn…”. Những lúc ấy, một cách vô thức, chị lùi lại. Đôi chân đã hành động theo bản năng của nó, chị không còn chạy lại níu tay anh rồi bật khóc, chị không còn dõi theo bóng ai khuất dần sau khung cửa sổ. Mà giờ đây, thật chậm rãi chị tự động lùi xa. Khoảng cách của đường ray với người đưa tiễn, nó còn có những ranh giới an toàn xác định. Nhưng khoảng cách giữa anh và chị, cái ngưỡng ấy từ rất lâu rồi có lẽ đã không còn nữa.