Những gông cùm mang khuôn mặt yêu thương

- Mặc cái áo này với quần kia đi, ăn mặc gì như con dở hơi thế?

- Mẹ cấm xăm biết chưa, đang yên đang lành, xăm vào như côn đồ.

- Cái gì? Học vẽ á, thiết kế thời trang á? Rồi sau làm gì? Mày thi vào kinh tế hoặc ngân hàng cho mẹ. Ra trường bố xin việc cho, vừa ổn định vừa lắm tiền.

- Yêu đương gì cái con đấy, trông lấc ca lấc cấc, lép như cá rô đực thế kia lại tốn tiền đi chữa đẻ. Có con gái bác Hoa trông óng ả, tính nết lại dịu dàng, mai đi xem mắt với mẹ.

- Chúng mày lấy nhau lâu lâu rồi đấy, thế có định đẻ không?

Bạn có thấy những cuộc hội thoại kia rất quen thuộc không? Nếu không, xin chúc mừng bạn. Còn nếu có, tôi muốn khẳng định bạn chẳng hề cô đơn. Nhiều người trong chúng ta sống trong sự-kìm-kẹp-yêu-thương của bố mẹ, họ thay chúng ta quyết định mọi thứ xung quanh mình: Kiểu quần áo ta mặc, màu đồ dùng ta sử dụng, kiểu tóc ta để, người bạn ta chơi… tất cả đều không được trái ý phụ huynh. 

Tôi vẫn nhớ, trong ngày sinh nhật 8 tuổi, mẹ đã thẳng tay dắt 2 người bạn của tôi khỏi cửa, trước sự ngỡ ngàng của đám trẻ tôi mời đến dự, vì mẹ “không ưa 2 đứa đấy, chơi với nó hư người”. 1 bạn mẹ bảo “thằng đấy không biết điều”, do sinh nhật năm 7 tuổi của tôi, bạn đến mà không đem quà, còn xin tôi 2 quyển vở, 1 cái bút Kim Tinh tôi được các bạn khác tặng. Bạn còn lại thì có “tội” đứng ngoài ngõ réo mà không vào tận nhà xin phép mỗi khi rủ tôi đi học, đi chơi. Mẹ bảo bạn “con nhà đầu đường xó chợ, không có phép tắc”, dù tôi giải thích hàng trăm lần là bạn không dám vào vì sợ con Lu cắn.

Áo quần, tóc tai, môn học năng khiếu, tôi không được tự ý chọn gì, vì mẹ bảo: “Mày trẻ con biết gì, bao giờ lớn hẵng hay”. Tôi chờ đợi đến năm 18 tuổi để được công nhận quyền công dân, để trở thành người lớn, để chọn ngành vào đại học, chọn người mình yêu… nhưng rồi 18 hay 28 chẳng ý nghĩa gì, với mẹ, tôi vẫn còn là đứa nhỏ “chẳng biết gì” và can thiệp vào mọi ngóc ngách cuộc sống của tôi. 

Khoảng riêng - khoảng giãn kéo gần các thế hệ trong gia đình - Ảnh 2.

Nhưng tôi không phải đứa trẻ duy nhất, và thế hệ của tôi cũng không phải thế hệ duy nhất mà những người con cảm giác "không thể chịu nổi" cha mẹ mình. Cứ thử dành một buổi quan sát trong siêu thị, bạn sẽ chẳng khó thấy những đứa trẻ tranh cãi với mẹ về màu sắc, kiểu dáng chiếc ba lô hay đôi giày mà chúng muốn và thứ mà mẹ chúng sẵn sàng mua. Sẽ có những người mẹ dành cả mấy phút thuyết phục rằng lựa chọn của con rất tồi, và quyết định mua theo ý mình. Sẽ có những người mẹ lôi con ra về, chẳng mua sắm gì hết.

Vậy đấy! Dưới vỏ bọc yêu thương, chọn những gì tốt nhất cho con theo kinh nghiệm sống của bố mẹ, không ít đứa trẻ bị gạt phăng đi ý kiến, sở thích.

Ngay cả khi đã trưởng thành, câu chuyện kiểm soát và can thiệp thô bạo của phụ huynh vào đời sống riêng tư cũng không chấm dứt. Không ít người, tuổi đã ngoài 30, có gia đình riêng rồi, nhưng chỉ trong phòng ngủ, họ mới có được chút riêng tư còn sót lại. Mà nhiều khi, sự riêng tư đó cũng bị “xâm lấn” nốt với những cú tham quan bất ngờ “để xem chúng mày ăn ở ra sao”, những lời giục giã đẻ con hoặc bóng gió đừng ham hố kẻo tốt mái hại trống… Thì đừng mong một chiếc ảnh có tí hở hang, một vài lời bình luận có màu “không đứng đắn”, một vài tâm sự trải lòng trên mạng xã hội không lọt được vào tai phụ huynh.

Khoảng riêng - khoảng giãn kéo gần các thế hệ trong gia đình - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Và đến lượt mình, đôi khi chúng ta cũng “phát điên” vì con mình bướng bỉnh, hoặc bị tổn thương khi bị quát vào mặt: “Bố mẹ chẳng hiểu gì cả”, “Hãy để con yên”...

Vậy đó, giữa các thế hệ, dù có những gắn kết bền bỉ, nhưng ở sâu trong mạch ngầm yêu thương, tuồng như vẫn nổi chìm những cách ngăn nào đó. Người ta bảo, người Á Đông luôn có kết nối rất sâu với gia đình, dòng tộc, nên ít khi cảm thấy lạc lõng, chơi vơi. Đó là sự thật, nhưng cũng có một sự thật khác là nhiều bố mẹ Á Đông thường có xu hướng coi con cái luôn bé và nhiều khi cũng là “vật sở hữu” của mình. Họ muốn điều tốt cho con, nhưng lại hành động thiên hướng áp đặt. Họ muốn bảo vệ con, nhưng lại làm như kiểm soát. Họ muốn quan tâm con, nhưng dễ lầm thành tọc mạch. 

Khoảng riêng - khoảng giãn kéo gần các thế hệ trong gia đình - Ảnh 4.

Con cái và bố mẹ cũng bởi không thấu hiểu nhau mà trở nên căng thẳng. Bố mẹ trở nên áp đặt, con cái trở nên xa lánh, ngột ngạt. Những xung đột thế hệ tạo ra khoảng cách vô hình trong tình cảm trong gia đình, đôi khi còn gây ra những tổn thương không đáng có cho cả hai phía. Trong mối quan hệ có khác biệt về quan điểm thì ai cũng muốn mình đúng, và vì thế, những “đứt gãy thế hệ” càng sâu hơn.

Những khoảng trời riêng tư - sự giãn cách cần thiết của hai thế hệ

Nếu các ông bố bà mẹ hay lấy “con nhà người ta” ra làm ví dụ cho thành công, ngoan ngoãn của một đứa con tiêu chuẩn, thì sự thật là có không ít đứa con trong những lúc bất đồng cao trào cũng âm thầm muốn “đổi” phụ huynh, hoặc chí ít muốn ra ở riêng để có thể dễ thở hơn. 

Bất chấp như vậy, có một sự thật khác là dù có bỏ chạy khỏi ngôi nhà, khỏi vòng tay cha mẹ, chúng ta cũng không thể loại bỏ họ khỏi cuộc đời mình.

Vậy nên, thay vì dằn vặt với cảm giác “sống không được là mình, ôi điều đó đau đớn sao”, thay vì để hai nửa con người mình muốn và bố mẹ muốn tranh đấu mỗi ngày, tất cả chúng ta cần là tìm cách chung sống hòa hợp giữa hai thế hệ. Hơn hết, thay vì đòi hỏi một khoảng trời riêng, hãy tự tạo cho mình khoảng trời riêng, vạch ranh giới rõ ràng để cha mẹ hiểu mình là cá thể độc lập, có yêu, có ghét, có đam mê và có cuộc đời riêng.

Khoảng riêng - khoảng giãn kéo gần các thế hệ trong gia đình - Ảnh 5.

(Ảnh minh họa)

Hiểu nôm na là chúng ta phải tự tách mình khỏi hình ảnh “cây tầm gửi” của bố mẹ - ít nhất là đủ khả năng tự lập về kinh tế, chăm sóc bản thân ổn thỏa mà không cần sự trợ giúp của đấng sinh thành. Có thế, ta mới có thể độc lập quyết định về sở thích, sự nghiệp, muốn kết hôn hay không, muốn kết hôn với ai. 

Còn nếu bất đồng ý kiến, bị bố mẹ can thiệp đến nỗi muốn ra ở riêng nhưng không thể lo cho mình chỗ ở, tự lập cuộc sống, đến bữa cơm đơn giản tự nấu để bản thân được no bụng còn lúng túng, thì đừng hỏi tại sao cứ phải sống trong kìm kẹp của mẹ cha. 

Khoảng riêng - khoảng giãn kéo gần các thế hệ trong gia đình - Ảnh 6.

Đương nhiên, hãy tự quyết một cách khôn khéo, mềm mỏng và có trách nhiệm, đúng hay sai tự chịu. Vì sau tất cả, chúng ta cần làm một cuộc cách mạng tư tưởng cho cha mẹ để họ hiểu mình, chứ không phải “chiến thắng” họ bằng mọi giá. Bởi trong các cuộc chiến đấu với người thân yêu, không có thắng hay thua mà chỉ có những tổn thương cả hai bên đều gánh chịu.

Cha mẹ luôn thương yêu con cái nhiều hơn yêu bản thân họ rất nhiều. Người con nào cũng nên học cách tha thứ cho sự không hoàn hảo của bố mẹ; cũng như cha mẹ nào cũng phải học cách yêu thương con như chính nó, chứ không phải là phiên bản mini bù khuyết cho những điều mình hối tiếc. 

Với những người con, giới hạn cao nhất của việc có hiếu, ấy là ta sống thật hạnh phúc, là yêu thương, kính trọng, biết ơn, có trách nhiệm giúp đỡ bố mẹ. Với những bậc cha mẹ, giới hạn cao nhất của việc thật sự yêu con là để con tự quyết định cuộc đời mình, từ những thứ nhỏ nhặt như chúng muốn ăn uống gì, mua đồ dùng cá nhân màu sắc ra sao, chọn ngành học nào, chọn người yêu, bạn đời… Hãy cho chúng cơ hội được thử lựa chọn và (có thể) sai, để chúng học được cách giải quyết sai lầm, chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình hoặc tận hưởng niềm hạnh phúc tự chủ. 

Đương nhiên, khó có phụ huynh nào đủ gan “thả rông” con trước những bước ngoặt quan trọng của cuộc đời chúng. Nhưng việc của phụ huynh, tốt hơn là phân tích, gợi ý cho con lựa chọn, nhưng vẫn cần dành quyền tự quyết cho chúng. Miễn lựa chọn của con không ảnh hưởng đến tính mạng, không ảnh hưởng đến đạo đức, không ảnh hưởng đến những người xung quanh, dù trái ngược với ta, ta cũng nên tôn trọng. Dù sao thì, chúng ta cũng có thể sai mà, phải không? 

Khoảng riêng - khoảng giãn kéo gần các thế hệ trong gia đình - Ảnh 7.

Sự áp đặt và phương án an toàn ta chọn (sau khi trải qua nhiều giông gió cuộc đời) có thể ổn nhất cho tương lai, nhưng lại có thể dập tắt ngọn lửa đam mê và cắt đi đôi cánh ước mơ của con trẻ. Cũng có thể, ta sẽ đẩy chúng vào sự chênh vênh, mơ hồ và mãi nuối tiếc về một con đường mà chúng không có cơ hội chọn. 

Đó chính là “khoảng trời riêng” mà ta cần tôn trọng, bởi sau tất cả, sự tự chủ của con cái không phải nghĩa là chúng đã đủ lông đủ cánh bay xa mà không cần ta; mà chỉ đơn giản nghĩa là chúng là những cá thể độc lập. Ai đó đã nói rằng, nếu thực sự yêu thương ai, hãy tặng họ tự do. Sự kìm kẹp của chúng ta với con cái mình, nhốt chúng vào một chiếc lồng, một vòng kim cô ta tạo ra, đó không phải là yêu, là nghĩ cho con, mà là minh chứng cho sự yếu ớt của năng lực làm cha mẹ. 

Khoảng trời riêng là giãn cách cần thiết để khi bay thật xa, con cái sẽ lại sà vào lòng cha mẹ. Vì chúng ta đâu thể bay cùng con, che nắng che mưa cả đời cho chúng? Việc của ta là tưới tắm cho tâm hồn chúng rộng mở và cứng cáp, là dạy chúng cách bay trên vòm trời của riêng mình, tạo nên tương lai của chính mình, vậy thôi!