Một nghịch lý diễn ra trên thị trường vàng khi giá đang lên mức cao nhất, người dân ùn ùn kéo nhau đi mua vào bởi kỳ vọng giá còn lên nữa. Đến thời điểm này, khi giá vàng xuống, người người xếp hàng đi bán.

1 tuần mất toi tiền tỷ

Sau chuỗi ngày giá vàng trong nước tăng lên tiếp, có lúc gần chạm mốc 63 triệu đồng/lượng, mức cao nhất chưa từng có trong lịch sử, giá vàng liên tục hạ. Đỉnh điểm trong 2 ngày  11 và 12/8, giá vàng SJC xuống còn 52,48 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với đỉnh của giá vàng vào ngày 6/8 (mức 62,4 triệu đồng/lượng), giá vàng SJC trong nước mất gần 10 triệu đồng/lượng.

9 giờ sáng ngày 12/8, trong vai trò người đi bán vàng phóng viên có mặt tại một điểm mua bán vàng đông nhất trên phố vàng Trần Nhân Tông (Hà Nội). Nhân viên cửa hàng niềm nở hỏi: “Chị mua hay bán?”, khi nhận được câu trả lời bán, nhân viên chỉ hướng dẫn lối riêng cho người bán. Lúc này, tại cửa hàng đã có nhóm khoảng 10 người xếp hàng trước đó.

Bỗng nhiên, có tiếng hô to từ phía nhân viên: “Giá vàng SJC hôm nay còn 49,78 triệu đồng/lượng, anh bán chứ”. Sát gần quầy là một  người đàn ông dáng cao gầy khẽ thỏ thẻ: “bán”. Sau khi kiểm tra vàng, nhân viên mời anh sang quầy bên cạnh nhận tiền và hóa đơn.  Cầm tiền, mặt  người khách nhìn vô cùng buồn thảm. Lại gần hỏi chuyện được biết  anh  tên Minh Kha (Đống Đa, Hà Nội) vừa quyết định bán 20 cây vàng. Anh Kha chia sẻ: “Cách đây một tuần, tôi mua vàng vào là 61,2 triệu đồng/lượng và chưa phải là giá cao nhất của ngày hôm đó. Mỗi cây vàng, tôi mất gần 12 triệu đồng/lượng. Chỉ trong một tuần, tôi mất gần 300 triệu đồng”.

Khóc cười cùng 'vòng xoáy' giá vàng, một tuần mất toi tiền tỷ - Ảnh 2.

Nhiều người dân hồi hả mua bán chốt lời và cắt lỗ ngày 12/8.

Anh Kha cho biết, anh không phải là dân buôn vàng nhưng vừa bán mảnh đất ngoại thành đã mua từ lâu và không muốn giữ tiền mặt nên tranh thủ mua vàng. “Từ lúc mua, ngày nào tôi cũng vào xem giá vàng liên tục. Mỗi lần giá giảm, chân tay tôi bủn rủn. Ngày 11/8 tôi thấy giá giảm sâu quá nên sáng 12/8 tôi quyết định đi bán. Nếu càng để tôi sợ giá sẽ xuống nữa. Vì chuyện giá vàng, cả tuần nay 2 vợ chồng tôi cãi nhau suốt. Biết thế, cứ gửi tiết kiệm cho xong, buôn thế này đúng là buôn ngược”, anh Kha giãi bày.

Còn chị Mai Ngọc (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, vì giá vàng xuống không phanh, mẹ chồng chị có 3 chỉ vàng nhất quyết bắt chị đi bán. “Lúc đang bán, bà gọi điện thoại liên tục giục tôi phản bán nhanh và dặn tôi cầm hóa đơn về vì lo tôi tự bỏ tiền túi mình ra mua. Bà bảo bán lúc này rồi khi nào hạ tiếp bà lại mua vào. Già rồi nên lãi được mấy triệu bà vui lắm”, chị Ngọc kể.

Lúc vãn khách bán, lân la hỏi chuyện chị M.T nhân viên mua vàng tại cửa hàng cho biết: “Có những chuyện buồn cười lắm, có bác già mua lúc giá đỉnh cao nhất là 62,4 triệu đồng/lượng nhưng đến cuối buổi chiều thấy giá hạ lập tức quay lại trả vàng không mua nữa, thậm chí là bắt đền chúng tôi”.

Giá còn lao dốc?

Trên thị trường thế giới, mốc 2.000 USD/ounce đã mất trong phiên 11/8 sau khi Ông Vladimir Putin tuyên bố nước này đã có vaccine COVID-19. Bên cạnh đó, nhu cầu kim loại quý lao dốc sau bình luận của Ông Donald Trump về khả năng giảm thuế thặng dư vốn, Mỹ công bố số liệu kinh tế lạc quan và tỷ lệ nhập viện vì Covid-19 tại California và New York giảm.

Trước diễn biến thất thường này, đại diện của DOJI nhận định, khi tăng tới một giai đoạn nhất định, vàng miếng sẽ phải điều chỉnh để giảm về đúng giá tương đương với thế giới. Mặt khác, giá vàng giảm còn do sự điều tiết của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo sự cân bằng của thị trường, chênh lệch giá mua - bán sẽ có xu hướng thu hẹp lại.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, sở dĩ kim loại quý này quay đầu giảm giá mạnh chủ yếu do hoạt động chốt lời và thông tin Nga đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới chế tạo và đăng ký vaccine chống COVID-19. Hoạt động bán ra đã bất ngờ dẫn tới một làn sóng bán tháo do giới đầu tư cài đặt sẵn ở các mức để cắt lỗ.


Tuy nhiên, về dài hạn, ông Hùng cho rằng, vàng được dự báo vẫn ở trong xu hướng tăng. Về thị trường vàng trong nước, ông Hùng cho hay, vàng giảm theo xu thế của thế giới. Vì vậy, những người mua vàng ở mức giá thấp cũng nên cân nhắc chốt lời. Với trường hợp mua giá cao, nay chịu lỗ một ít cũng nên cân nhắc cắt lỗ để cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Nguồn cung không thiếu, sẵn sàng can thiệp

Trước diễn biến của thị trường vàng, NHNN vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần theo sát biến động giá vàng thế giới và trong nước. Qua đó, khuyến cáo người dân, ổn định tâm lý thị trường, không để ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, khẳng định: Nguồn cung vàng trên thị trường không thiếu nhưng giá vàng tăng quá nhanh khiến người mua có tâm lý nôn nóng và cửa hàng kinh doanh vàng trục lợi đua nhau mua, đẩy giá lên. Giá vàng trong nước biến động chủ yếu do giá vàng thế giới tăng.

“NHNN luôn theo dõi sát sao diễn biến thị trường vàng, có đủ nguồn lực và sẽ can thiệp thị trường vàng khi cần thiết” - ông Minh nhấn mạnh.