Tự đánh giá mình là người có giọng hát rất tệ nên chị Huyền sớm xác định sẽ trau dồi khả năng ca hát để ru con. Trong thời gian mang bầu, chị sưu tập và thuộc được khá nhiều bài hát ru. Tuy nhiên, chị chỉ tự tin được 50% cho phần thuộc lời bài hát ru nhưng cũng mất tự tin 50% vì dù có đi học thanh nhạc, giọng ca của chị cũng không được cải thiện.
Nghe chị hát “cái cò, cái vạc, cái nông” mà người xung quanh chị cứ rúc rích cười. Mẹ đẻ chị còn trêu rằng "mày đang hát ru hay đang ngồi đếm 3 loại con để chuẩn bị… cắt tiết, làm thịt thế!". Càng cố gắng nghe nhạc để khớp lời cho “thấm” mà cuối cùng vẫn không thể hát đúng nhạc chứ đừng nói gì đến đạt chất lượng du dương, đi vào lòng người.
Biết không thể nên cơm cháo gì với thể loại hát ru, chị quay sang tập ruợt thể loại nhạc sến. Gọi là hát được vì chị hát ít nhiều nó cũng ra giai điệu (dù không hoàn toàn đúng nhạc). Thế là chị quyết định hát nhạc sến để ru con. Mà nhạc sến thì ai cũng biết nội dung của nó, không chia tay mùi mẫn thì cũng chia lìa hai cõi nhân gian.
Anh Quyết - chồng chị, mỗi khi nghe vợ hát ru con thì phì cười vì vần điệu chị khớp không giống với ai. Anh cho biết: “Có ai ru con lại hát thế này không cơ chứ? Nếu mai anh chết…. con hãy ngủ đi”.
Ban đầu, anh chỉ nghe loáng thoáng, nhưng sau khi kiên nhẫn ngồi nghe hết “live show” của vợ, anh mới hoảng hồn vì vợ ru con toàn bằng những ca từ “Tình yêu đến em không mong đợi gì” hay “Ôi La Lan, ôi La Lan, Lan chết trên sườn đồi”.
Anh Đức cũng khóc dở mếu dở khi kể chuyện vợ hát ru. Chị Lan, vợ anh có giọng hát không đến nỗi tệ. Vấn đề của chị ở đây là cách chọn bài. Bài hay ho chị không hát, chị toàn hát nhạc chế. Bài hát trong phim Thủy hử hay là thế, hào hùng là thế mà chị chuyên "rót" vào tai con “Tào phớ, cho thêm đường”.
“Đầu độc” gu âm nhạc của con
Sau khi chứng kiến “live show” của vợ, anh Quyết giật mình và đưa ra lệnh cấm vợ hát ru: “Em hát ru thế này thì đầu độc gu âm nhạc của con. Chưa nói đến việc con đủ lớn để đủ ngấm độc ca từ”.
Và sự lo ngại của anh không phải không có lý. Cu Nam, con trai chị dù đã 3 tuổi nhưng suốt ngày đòi mẹ hát ru. Kết quả là câu cửa miệng của bé thường là “nếu mai anh chết”, “đám tang buồn” hay “tình ta tan vỡ từ đây”.
Ảnh minh họa.
Từ khi cấm vợ hát, anh cải thiện đời sống tinh thần của con bằng cách mua hàng loạt đĩa Xuân Mai, đĩa ca nhạc thiếu nhi về cho bé xem. Nhưng bé chẳng buồn nhìn. Bé bám áo mẹ nằng nặc đòi: “Nếu mai anh chết cơ mẹ ơi”.
Thương con nhưng biết nếu chiều con không biết tư tưởng của bé bị ảnh hưởng thế nào nên anh Quyết quyết định đưa con về quê cai nghiện “nhạc sến”. Bà nội được anh giao nhiệm vụ hát “cái cò, cái vạc, cái nông” để cho con có đời sống tinh thần trong sáng như bao đứa trẻ khác.
Rất may, chỉ sau 2 tháng được bà huấn luyện, thay vì đòi “Nếu mai chết”, bé đã đòi “cái cò, cái vạc”. Lúc này, anh Quyết mới thở phào nhẹ nhõm.
Anh Đức thì gian nan hơn vì cu Tí dù bằng tuổi cu Nam nhưng lại nhanh nhẹn, sáng dạ và biết nhiều điều hơn. Cu Tí thuộc lòng tất cả những bài nhạc chế do mẹ đào tạo. Nhạc chế ở mức độ nhẹ có, mức độ nặng cũng có, thậm chí không ít bài có cả lời lẽ tục tĩu. Cu Tí chẳng phân biệt được gì, càng tục, cu Tí càng hăng máu. Ở nhà hát đã đành, đến lớp, ra đường, cu cậu cũng biểu diễn khiến hàng xóm mắt tròn, mặt dẹt vì “nể phục”.
Còn anh Đức thay vì tự hào con thông minh, biết nói sớm, nói nhiều, anh quay ra xấu hổ vì ngôn từ phát ra từ cái miệng xinh xắn của cu cậu. Anh đang lên kế hoạch “tẩy não” con, để bé quên hết lời nhạc chế kia đi nhưng dường như anh đang bế tắc.
Đọc thư của "bố gà trống" gửi các mẹ không biết ru con.