Những chiến thắng và những ê chề
Cuối tuần vừa rồi, tổ chức Operation Smile đã chính thức đưa ra thông báo, khẳng định sẽ không tổ chức bất cứ hoạt động nào có sự tham gia của Thành Long trong đợt kỷ niệm 30 năm thành lập tại Việt Nam. Đây là kết quả của chưa đầy 24 giờ liên tục đưa ra các thông điệp phản đối Thành Long từ cư dân mạng.
Cộng đồng mạng đã không chấp nhận việc một nghệ sĩ từng công khai tích cực ủng hộ đường lưỡi bò, không tôn trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, lại được chào đón ở Việt Nam, dù với danh nghĩa thiện nguyện. Tiếng nói thẳng thắn, mạnh mẽ của họ đã gây sức ép lớn tới Operation Smile, buộc tổ chức này phải thay đổi các kế hoạch song song với việc gỡ bỏ hình ảnh Thành Long ra khỏi các kênh truyền thông tại Việt Nam, ngay cả khi ngôi sao gốc Hoa đang là Đại sứ toàn cầu, đóng góp nhiều tiền bạc vào các hoạt động của quỹ.
Sáng 6/11, Nguyễn Hữu Linh - kẻ tấn công một bé gái trong thang máy chung cư - bị Tòa phúc thẩm TP. HCM y án sơ thẩm 18 tháng tù vì tội danh dâm ô người dưới 16 tuổi. Đây là một thành công lớn của cộng đồng mạng trong năm qua. Làn sóng lên án dữ dội từ người dùng mạng xã hội đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nhanh chóng, quyết liệt.
Sức mạnh của cộng đồng mạng là có thật. Thứ quyền lực mềm ấy đã nhiều lần tạo nên những biến chuyển tích cực cho nhiều vụ việc, vấn đề nóng. Nhưng thật tiếc, không phải lúc nào cộng đồng mạng cũng sử dụng sức mạnh của mình một cách đúng đắn.
Câu chuyện đau lòng gần đây liên quan tới một cậu bé đang học lớp 8 trường THCS Ngô Quyền, TP. HCM, khiến người dùng mạng xã hội buộc phải nhìn nhận lại giới hạn của mình.
Nguyên nhân xuất phát từ việc cậu bé có tên N.H.M.Q tham gia vào nhóm anti một nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc tự chế nhiều bức ảnh thô tục, được cho là xúc phạm tới nhóm nhạc thần tượng kia. Cộng đồng fan đông đảo của nhóm nhạc kia tại Việt Nam đã thể hiện sự phẫn nộ đối với N.H.M.Q bằng nhiều cách, trong đó có việc nhắn tin liên tục cho nhà trường yêu cầu “xử lý”.
Lần đầu tiên, một cộng đồng người hâm mộ đã làm được việc không tưởng là ép được một nhà trường phải phạt học sinh của họ vì đã có hành động xúc phạm trên mạng xã hội. Tồi tệ hơn, lại chính nhà trường dùng mạng xã hội để lan truyền clip, xúc phạm học sinh của mình. Một cậu bé mới 14 tuổi, cái tuổi còn chưa hiểu được đúng sai kín kẽ, chưa lường được những hệ quả của hành vi xấu thay vì được nhắc nhở, phải đứng trước toàn trường đọc bản kiểm điểm xin lỗi cộng đồng fan của nhóm nhạc ấy, nghe thầy hiệu phó giáo huấn trước tất cả bạn bè, bị quay clip xin lỗi và bị tung lên mạng xã hội toàn bộ hình ảnh, diện mạo, lời nói, tên tuổi của mình như một bị cáo hình sự trước vành móng ngựa.
Clip được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, với rất nhiều hỉ hả từ các fan của nhóm nhạc thần tượng xứ sở Kim Chi. Không một dòng bình luận nào quan tâm tới việc nhân vật không được che mặt trong clip là một trẻ em - đối tượng được luật pháp bảo hộ ngoài đời lẫn trên mạng xã hội.
Tương tự, gần 1 tháng trước, một sự việc “nhân danh công lý” cũng đã xảy ra tại Mỹ Tho (Tiền Giang). Anh Đoàn Văn Tí (30 tuổi) bị gần 100 người gồm cả nam lẫn nữ lùng sục tìm kiếm, phá cửa nhà, xông vào tận phòng ngủ kéo ra ngoài đánh đập, đồng thời quay lại clip hành hung và tung lên mạng xã hội công khai. Nhóm người này tự xưng là “nhóm chuyên đòi lại sự bất công cho phụ nữ, trẻ em”, tấn công anh Tí vì xem được đoạn clip anh dạy dỗ con trai 2 tuổi bằng cách tát liên tiếp vào mặt đứa trẻ. Clip do vợ cũ của anh Tí tung lên mạng, sau đó được xác định đã quay từ 2 năm trước, trong bối cảnh anh Tí say rượu.
Mạng xã hội không phải thế giới ảo để mỗi người tự biến mình thành quan tòa
Đại diện “nhóm chuyên đòi lại sự bất công cho phụ nữ, trẻ em” cuối cùng cũng xin lỗi anh Tí. Nhưng danh dự, nhân phẩm lẫn thân thể của người bị tấn công đã tổn thất nặng nề rồi.
Bày tỏ ý kiến, quan điểm cá nhân là quyền của mỗi cư dân mạng. Họ cũng có quyền tập hợp những người có cùng quan điểm với mình để thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn trước các sự kiện, vấn đề xã hội. Khi khả năng tập hợp càng lớn, tiếng nói của họ càng có trọng lượng, có sức mạnh. Nhưng sử dụng sức mạnh đó trong phạm vi nào?
Mạng xã hội không phải một thế giới ảo, mà chỉ là một không gian tương tác khác. Trong không gian đó, tất cả đều là thật. Con người thật, dao kiếm là thật và tổn thương cũng là thật. Không ai có thể tự biến mình thành quan tòa, thành người thi hành án, thành cảnh sát điều tra, thành công tố viên và quy kết một ai đó là tội phạm. Không ai có quyền trừng phạt hay kêu gọi trừng phạt người khác bằng cách xúc phạm, đe dọa tấn công danh dự, nhân phẩm và thân thể. Bởi không gian nào cũng phải tôn trọng trật tự xã hội duy nhất.
Cộng đồng mạng đã và đang làm nên nhiều điều đẹp đẽ, từ bỏ tù những kẻ ấu dâm, đòi lại công lý cho người thiệt thòi, trao mái ấm cho một đứa trẻ bất hạnh, tìm lại cha mẹ cho những người con lưu lạc… Nhưng tất cả những điều ấy không được tạo ra bởi quyền lực tự phong, những phẫn nộ cảm tính hay niềm thương cảm hời hợt. Đó là kết quả của tập hợp những tiếng nói có hiểu biết pháp luật, kiên trì và tôn trọng.
Còn nếu mỗi cư dân mạng đều tự do sử dụng quyền năng bàn phím của mình bất chấp các giới hạn, xâm phạm vào quyền lợi của người khác, sẵn sàng xúc phạm đe dọa người khác khi họ xúc phạm mình, sẵn sàng đánh giá, hạ thấp người khác khi không có hiểu biết tường tận về sự việc, thì sẽ chẳng có những điều đẹp đẽ ấy xảy ra.
Mà khi ấy, một người phụ nữ sẽ bị đánh ghen oan uổng, một nhà khoa học tận tâm sẽ bị ném đá, một người đàn ông bình thường bị làm nhục, một đứa trẻ lớp 8 bị tấn công. Cùng vô vàn hệ lụy không thể liệt kê cho đủ.
Lời nói trên mạng xã hội vốn đã luôn cần cẩn trọng vì gió không thổi bay được. Biến lời nói ấy thành hành động bên ngoài không gian mạng thì càng phải suy xét trước sau. Nhưng sự suy xét ấy không phụ thuộc vào kinh nghiệm sử dụng mạng xã hội như vị hiệu phó trường THCS Ngô Quyền bao biện. Nó nằm ở tinh thần tôn trọng mọi người và tôn trọng chính mình. Nếu không, bất kỳ ai cũng có thể từ người hùng thành tội đồ, từ nạn nhân thành thủ phạm.