Trong khi nhiều bố mẹ đều muốn con tránh xa khỏi những món đồ công nghệ như tivi, ipad, smartphone… thì chị Nguyễn Kim Ngân (28 tuổi), sống tại Hà Nội lại trái ngược hoàn toàn. Chị đã đã khéo ứng dụng những món đồ tưởng chừng như có hại với con trẻ này trở thành công cụ đắc lực trong việc dạy cậu con trai 3 tuổi Phùng Phúc Hưng (tên thường gọi ở nhà là Nghé) học.
Quan điểm cá nhân của chị Ngân về việc sử dụng các món đồ công nghệ cho trẻ em đã nhận được sự gật gù tâm đắc, xen lẫn thán phục của hầu hết các mẹ. Cũng từ đây, chị Ngân đã nhen lên một ngọn lửa nhỏ, thực sự truyền cảm hứng để các bậc phụ huynh khác cũng có thể mạnh dạn áp dụng công nghệ trong việc hướng dẫn con tiếp xúc với thế giới kiến thức phong phú.
Chị Ngân và con trai trong chuyến đi du lịch vào miền Tây mới đây.
Tại sao lại cho con tiếp xúc với công nghệ?
Mình phản đối kịch liệt việc bố mẹ
bỏ mặc con với cái điện thoại, rồi việc mình mình làm, con cái cứ nhìn vào điện thoại/ ipad/ tivi một cách đờ đẫn như những “zombie vô hồn”.
Nhưng tránh xa hoàn toàn ipad thì rất lãng phí. Mình muốn con mình có thể tiếp xúc tiếng Anh và sử dụng tiếng Anh một cách thật tự nhiên. Tuy nhiên, mẹ lại không thể nói tiếng Anh chuẩn và tốt như người bản xứ, nên công nghệ chính là cứu cánh cho các mẹ. Mình không sử dụng công nghệ làm công cụ chính nhưng coi đó như công cụ bổ trợ để hỗ trợ thêm.
Cách biến Ipad/TV thành công cụ dạy con học
Chọn lọc ứng dụng/chương trình phù hợp
Quan điểm của mình là đừng bao giờ giới thiệu cái gì quá lôi cuốn với con, và đừng bao giờ hi vọng con sẽ học một phần mềm nhàm chán sau khi đã được tiếp xúc với các bộ phim hoạt hình hấp dẫn. Vì thế, mình chỉ giới thiệu cho con xem cái gì mình muốn hướng đến và có ích cho con.
Nghé nhà mình hay học đọc truyện trên raz-kid, học đọc tiếng anh qua các phần mềm, học các bài hát tiếng anh qua Nursery songs, học phát âm trên kizphonics. Do Nghé chưa bao giờ biết đến hoạt hình hay phim siêu nhân… nên những phần mềm/chương trình giáo dục trở nên vô cùng hấp dẫn.
Bố mẹ cùng tham gia và tương tác với con
Mỗi lần mình mở chương trình trên ipad cho con xem, mình luôn ngồi cạnh để kiểm soát, đảm bảo Nghé chỉ xem đúng chương trình mẹ muốn và có sự tương tác với nhau.
Dù bận rộn, chị Ngân cũng luôn cố gắng dành nhiều thời gian nhất ở bên con.
Chẳng hạn khi xem raz-kid: Mỗi lần máy đọc một câu, mình sẽ yêu cầu con dừng, đọc lại theo đúng câu máy nói. Đến cuối bài, hai mẹ con sẽ cùng trả lời câu hỏi. Nếu câu nào khó quá thì mẹ sẽ đưa ra gợi ý để bạn ấy trả lời tốt hơn. Nếu truyện nào chưa có câu hỏi thì mẹ sẽ tự đặt câu hỏi cho con: “Tại sao lại thế này? Tại sao lại thế kia? Con thích bài nào…”
Ngoài ra mình cùng con học tiếng Anh qua các phần mềm, nếu cần giải đáp, mình giải đáp luôn và đặt cho con các câu hỏi liên quan. Khi học về những từ liên quan đến con vật, mẹ sẽ hỏi luôn các con vật đó kêu như thế nào, đặc tính ra sao, sinh sống ở đâu... Hoặc khi học về các từ chỉ hành động, mẹ sẽ yêu cầu con làm hành động của từ vừa học: “Can you hop/jump?”…
Sau khi xem các chương trình dạy tiếng anh khác trên youtube như Go go, Peppa Pig, mình sẽ in sách ra và học thuộc/ trao đổi hội thoại với con kèm theo mở file mp3 để con nhớ.
Quy tắc quản lý thời lượng sử dụng công nghệ
Việc cho con sử dụng đồ công nghệ sớm thực sự rất hại mắt, và nếu cho con xem trong thời gian kéo dài thì não con sẽ tiếp nhận rất thụ động. Chính vì thế mình luôn lập ra các nguyên tắc cho con xem TV/ Ipad:
Quy tắc 1: Thỏa thuận trước khi xem
Trước khi cho Nghé xem cái gì, mình cần phải đưa ra thỏa thuận để con liệu trước được tình hình: Xem mỗi lần 1 bài/ 10 phút, không hơn không kém. Và khi kết thúc, nhắc lại thỏa thuận để con hiểu. Tuyệt đối không bao giờ giật đồ của con trong lúc đang xem.
Mỗi lần xem, mình cho con xem đúng một bài. Mình trao quyền cho Nghé tự mở và tự cất. Hồi đầu, mình làm một cái chuông to, đặt chuông, đúng 10 phút là cất. Nghé có thể đòi xem tiếp nhưng mẹ kiên quyết cất kể cả bạn ấy có khóc hay ăn vạ. Và nếu lỡ bạn làm sai, thì con sẽ bị phạt, ví dụ: nếu xem sang bài thứ 2, thì ngày hôm sau không được xem nữa, và ipad sẽ được cất ở chỗ cao cho con nhìn thấy nhưng không được xem. Khi đã vào nếp rồi, con sẽ tự động xem và cất mà không cần nhắc nhở.
Quy tắc 2: Luôn khuyến khích con giữ lời hứa và nguyên tắc đề ra
Trước khi cho Nghé xem, mình luôn đặt niềm tin vào con và thủ thỉ: “Mẹ tin là con sẽ nghe lời mẹ và sẽ cất ipad sau khi con xem xong một bài này!”. Còn sau khi xem xong, mẹ sẽ khen: “Con trai của mẹ rất ngoan vì đã biết giữ lời hứa, mai mẹ lại thưởng cho con 1 bài nữa nhé!”.
Vợ chồng chị Ngân cũng luôn hướng đến việc cho con được trải nghiệm nhiều nhất có thể.
Quy tắc 3: Nhất quán và kiên quyết
Nếu bố mẹ hôm vui tính thì cho xem 3 bài, hôm khó tính thì cho xem 1 bài, trẻ sẽ rất khó chịu và cáu kỉnh. Nên nhất thiết luôn phải giữ tính nhất quán và kiên quyết thực hiện nguyên tắc đề ra.
Quy tắc 4: Chia nhỏ thời lượng xem
Để tránh hại mắt thì mình chia nhỏ thời lượng xem phân bổ đều trong ngày: Nghé 3 tuổi, tối đa là 1 tiếng, nhưng mình chỉ cho phép con xem 10 phút/lần vào sáng lúc ngủ dậy và tối trước khi ngủ, thỉnh thoảng ngoại lệ được thưởng thì được xem thêm 10 phút nữa lúc đi học về.
Chị Kim Ngân cũng chia sẻ rằng, chị không cổ súy cho việc sử dụng đồ công nghệ. Chị chỉ hi vọng các ông bố bà mẹ luôn nhận thức được rõ tác hại của việc sử dụng đồ công nghệ quá nhiều, không biến nó thành người giữ trẻ, mà biến nó thành công cụ phục vụ cho mục đích học tập của mình.