Cậu bé tên là Loke, 7 tuổi, người Israel, có một cô em gái được sinh ra chưa lâu.
Gần vào hè rồi, một hôm, vì bận chút việc nhà, nên mẹ muốn nhờ Loke trông em. Loke vui vẻ đồng ý, cậu cầm một chiếc quạt đến trước giường nhỏ của em, nhẹ nhàng đuổi ruồi muỗi xung quanh. Không lâu sau, nhờ sự trông nom tận tình của Loke, em bé đã ngủ.
Nhìn dáng điệu ngủ say của em gái, cậu thực sự bị thu hút, cậu vội vẽ bằng ngón tay lên chiếc quạt như muốn khắc họa khuôn mặt xinh đẹp của em gái. Những cử chỉ của cậu đã lọt vào mắt mẹ, mẹ đến bên Loke, mỉm cười hỏi: "Có phải con muốn vẽ em không?".
Loke lắc đầu nói: "Tiếc là con không biết vẽ, con không vẽ được đâu ạ".
"Nhưng con không thử làm thì sao biết là mình không vẽ được, con hãy thử xem thế nào!". Nói xong, mẹ đưa cho Loke hai lọ mực, một đỏ, một xanh sau đó lại đi ra.
Loke cầm tờ giấy, mở nắp lọ mực ra, bắt đầu chăm chú vẽ. Một tiếng trôi qua, cuối cùng cậu cũng vẽ xong, nhưng mặt mũi, tay, quần áo cậu đều dính đầy mực, trên bàn cũng có vài vết mực. Loke nhìn thấy cảnh đó thì rất sợ bị mẹ mắng, không ngờ sau khi mẹ nhìn thấy, không những không giận, mà còn dịu dàng nói với Loke: "Loke, con vẽ đẹp lắm, giống như ảnh của em gái con vậy!". Lời khen của mẹ khiến cậu vui vẻ cười to.
Giống như câu chuyện của cậu bé Loke, sự trưởng thành của mỗi đứa trẻ là một quá trình nhận thức. Mặc dù kinh nghiệm của người lớn rất quan trọng, nhưng cha mẹ tuyệt đối không được tước đi quyền tự trải nghiệm của trẻ, bởi vì kết quả và cảm nhận trẻ gặt hái được thông qua quá trình tự trải nghiệm sâu sắc hơn là việc trẻ hình dung kết quả quá trình qua lời nói của người lớn rất nhiều.
Ngoài ra, cho dù trẻ có phạm lỗi khi trải nghiệm, cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ, vì sau những sai lầm như vậy, trẻ sẽ trưởng thành hơn. Ở một mức độ nào đó, việc phạm lỗi và sửa sai cùng quan trọng như nhau, hơn nữa sau khi phạm lỗi, trẻ thường có được những bài học vô cùng đáng quý.
Cha mẹ Do Thái ngoài việc để trẻ đọc nhiều sách, còn cổ vũ trẻ tự thử sức, tự trải nghiệm. Trong gia đình Do Thái, khi đọc sách trẻ có nghi vấn, cha mẹ sẽ không vội vàng nói cho trẻ câu trả lời, mà thường gợi ý, hướng dẫn để trẻ tự trải nghiệm và tìm ra đáp án. Cách làm này không chỉ kích thích tinh thần ham học hỏi và tìm tòi của trẻ, mà còn giúp trẻ nâng cao tư duy phân tích và giải quyết vấn đề.
Mỗi bậc cha mẹ đều nên học cách giáo dục con của người Do Thái, cổ vũ trẻ tự trải nghiệm, để trẻ không ngừng phát huy năng lực và trí tuệ của bản thân. Dưới đây, chúng ta hãy xem cha mẹ Do Thái cổ vũ con cái họ dũng cảm trải nghiệm như thế nào nhé!
Tặng cho trẻ hộp bút màu
Một nhà giáo dục người Do Thái đã nói: "Nếu so bé trai với bé gái thì xúc giác của bé trai nhanh nhạy hơn, nhưng về thị giác lại kém hơn. Vì thế, nếu bé trai không được bồi dưỡng thị giác từ nhỏ, cảm giác về màu sắc của trẻ sẽ chậm hơn các bạn khác". Do vậy, để bồi dưỡng thị giác cho trẻ, trong gia đình người Do Thái, mỗi đứa trẻ đều có một hộp bút màu, và hộp bút này trở thành công cụ tốt nhất để trẻ phân biệt màu sắc. Cha mẹ Do Thái cũng thường xuyên dùng những chiếc bút nhiều màu để cùng trẻ tổ chức cuộc thi "làm họa sĩ".
Cuộc thi tiến hành như sau: Có một tờ giấy trắng khổ to: trước tiên, bố mẹ vẽ một vòng tròn nhỏ ở giữa tờ giấy; sau đó, trẻ sẽ dùng bút màu sắc tương tự vẽ bên ngoài vòng tròn một vòng tròn to hơn; tiếp đó, bố mẹ sẽ tùy ý dùng bất cứ chiếc bút nào vẽ một vòng tròn khác ở bên ngoài vòng tròn đó; lúc này, trẻ lại lấy bút tương tự vẽ, nếu trẻ dùng sai màu, trò chơi sẽ kết thúc. Như vậy, nếu trong cuộc thi trẻ có thể dùng chiếc bút cùng màu với bố mẹ vẽ vòng tròn, chứng tỏ trẻ đã biết phân biệt màu sắc rồi.
Đồ chơi không chỉ có thể chơi mà còn có thể tháo lắp
Chơi đồ chơi không những giúp trẻ cảm thấy vui vẻ, mà còn nâng cao khả năng sáng tạo, giúp trẻ phát triển trí tuệ và trưởng thành lành mạnh hơn. Do đó, cha mẹ Do Thái không chỉ mua cho con cái nhiều đồ chơi, mà còn cho phép con tháo đồ chơi đó ra để tìm hiểu.
Cha mẹ Do Thái thường hướng dẫn và cùng chơi trò chơi với trẻ. Chẳng hạn, khi trẻ tháo chiếc xe tải đồ chơi, bố cũng ngồi xuống cùng con nghiên cứu cấu tạo bên trong của chiếc xe tải. Thông thường, cha mẹ không cấm trẻ tháo đồ chơi, thậm chí có một số bậc cha mẹ còn chuẩn bị một số đồ chơi cũ, hay vật dụng cũ hỏng để trẻ được thỏa sức "nghiên cứu".
Ngoài những cách trên, cha mẹ Do Thái còn dẫn trẻ đi du lịch để trẻ được gần gũi với thiên nhiên, đồng thời có cơ hội tự trải nghiệm và học hỏi kiến thức. Ví dụ, khi trẻ có những thắc mắc như "Sờ vào hươu cao cổ sẽ có cảm giác gì?", "Cây non bị rụng lá có chết không?"… người lớn sẽ tổ chức những buổi vui chơi, tham quan du lịch để trẻ tự tìm đáp án.
Không thể phủ nhận việc đọc sách làm tăng kiến thức cho trẻ, nhưng muốn hiểu thêm về kiến thức và các kĩ năng khác, trẻ cần không ngừng trải nghiệm và học hỏi. Vì thế, các bậc cha mẹ cần chú trọng bồi dưỡng thói quen đọc sách cho con, đồng thời để con tự trải nghiệm và thử sức với những kiến thức mới. Như vậy càng có lợi cho sự phát triển toàn diện cả thể chất và trí tuệ của trẻ.