Những ngày qua, câu chuyện đi ăn của một TikToker đã được đẩy lên đỉnh điểm, với sự tranh cãi về việc buôn bán của một số hàng quán tại Hà Nội. Kiểu bán hàng này thường được gọi nôm na là “cộng sinh”, nghĩa là các hàng quán bán thức ăn, nước uống ở cùng một khu vực sẽ kết hợp với nhau để buôn bán và phát triển.
Kiểu bán hàng này cũng có thể hiểu là hình thức “tổ hợp” nhưng theo kiểu dân dã, quy mô cũng nhỏ hơn. Thực khách sẽ đến ăn và uống nước trong cùng một chỗ, hoặc có thể gọi thêm món ăn khác ở hàng kế bên để làm phong phú thêm bữa ăn, thay vì chỉ đến một nơi rồi ăn một món. Hay cũng giống như nhiều quán ăn lớn phục vụ nước uống đi kèm, thì ở hàng quán kiểu “cộng sinh” này cũng thế.
Thực khách có thể ăn rồi gọi nước uống ở hàng kế bên, vừa có người phục vụ nước tận bàn, vừa có chỗ ngồi thoải mái trong những khu “tổ hợp thu nhỏ” này.
Hàng quán "cộng sinh" - hình thức buôn bán quen thuộc khu vực trường học
Tưởng rằng hình thức này chỉ nổi tiếng ở Hà Nội qua câu chuyện của TikToker đang viral, nhưng ngẫm lại, TP.HCM cũng có vô số nơi có kiểu buôn bán này. Điển hình nhất là khu vực cổng trường cấp 3 hay Đại học, nơi đồ ăn ngon thì vô số nhưng chỗ ngồi lại là thiểu số. Nghe xong câu chuyện hàng quán “cộng sinh”, nhiều bạn trẻ tại TP.HCM lại nghĩ ngay đến khu vực cổng trường Marie Curie.
Địa điểm này nổi tiếng với món thịt xiên nướng và phá lấu ngon - bổ - rẻ. Tuy nhiên, hai hàng ăn này lại có chỗ ngồi hạn chế, đôi khi không đủ ghế cho khách hàng ngồi. Nên ai muốn ăn tại chỗ thì phải ngồi nhờ ghế ở quán trà đối diện, và tất nhiên phải gọi một phần nước mới có thể ngồi ghế của quán.
Hình thức “cộng sinh” này cũng khá yên bình, vì món thịt nướng và phá lấu cũng dễ gây khát nước, mà quán nước cung cấp chỗ ngồi cũng có giá cả phải chăng. Nên thực khách sẽ khá vui lòng để gọi nước khi đến ăn, còn đã lỡ mua nước hoặc không muốn uống thì họ sẽ mua mang về để tránh làm phiền đôi bên.
Thực khách khi đến ăn tại đây cũng không có vấn đề với việc gọi nước mới được ngồi ăn tại chỗ.
Cũng nhớ ngay đến khu vực bên hông trường HUFLIT, nơi có món trứng gà nướng và bánh tráng trộn thường được các sinh viên của trường lẫn trường khác tìm đến. Nhưng đặc điểm chung của các hàng này chỉ là bán mang về, nếu muốn ăn thì các sinh viên phải ngồi nhờ quán nước cách đó vài bước chân. Kiểu buôn bán này có thể giải quyết được vấn đề chỗ ngồi của hàng trứng, hàng bánh tráng, cũng vừa tăng thêm doanh thu cho quán nước bên cạnh.
Các quán nước cũng kết hợp với những hàng bán đồ ăn hạn chế chỗ ngồi để phục vụ thực khách.
Muôn kiểu buôn bán "cộng sinh" ở các khu vực ăn uống nổi tiếng
Hay nổi tiếng nhất là khu vực cà phê bệt và Hồ Con Rùa, nhưng hai bên lại có kiểu “cộng sinh” tương đối khác nhau. Các hàng cá viên, bánh tráng, xoài lắc khu cà phê bệt thường sẽ phụ thuộc vào thực khách uống cà phê. Vì khách đến đây chỉ sẽ uống cà phê bệt vì không khí, phong cách bán hàng đặc biệt. Nếu buồn miệng hoặc đói bụng thì mới nghĩ đến đồ ăn bán xung quanh rồi gọi một phần vừa ăn vừa uống. Thế nên, những hàng bán đồ ăn vặt thường kết hợp với quán cà phê để bán cho thực khách.
Cà phê bệt - nơi nổi tiếng với giới trẻ cùng tồn tại kiểu buôn bán "cộng sinh" này.
Còn ở Hồ Con Rùa thì các hàng quán xung quanh đúng kiểu "đoàn kết cùng phát triển". Những hàng quán gần nhau sẽ mời gọi thực khách bằng những tấm thực đơn. Khách hàng phải gọi đồ ăn, thức uống có trên đó mới có chỗ đẹp ngồi ăn. Chỉ cần gọi đủ thức ăn những người bán này cần thì sẽ có ngay chỗ lý tưởng để nhâm nhi.
Khu vực Hồ Con Rùa sẽ có những hàng quán kết hợp với nhau để cùng phục vụ thực khách.
Chợ đêm Hồ Thị Kỷ cũng là một nơi phải “buôn có bạn, bán có phường” như thế. Vì diện tích của mỗi quầy hàng có giới hạn, nên ngoài xe bán thì chỗ ngồi của khách cũng có hạn chế. Những nơi có chỗ ngồi rộng thường là nhà dân trong chợ cũng buôn bán, nên mới có nhiều ghế cho thực khách. Nên khi đến đây, thực khách thường mua đồ ăn mang đi rồi tìm cho mình một quán nước hay món ăn chính để yên vị, sau đó mới thưởng thức món ngon. Chủ của những hàng quán trong chợ đêm cũng vui lòng khi thực khách mang thức ăn ở những nơi khác đến, miễn là khách có gọi món bên họ.
Các hàng quán tại chợ đêm sẽ cung cấp cho khách hàng chỗ ngồi, miễn là thực khách sử dụng dịch vụ của quán đó.
Nhưng hình thức này có luôn làm hài lòng thực khách?
Tuy thú vị là thế, nhưng kiểu buôn bán này vừa làm hài lòng thực khách nhưng cũng vừa làm mất lòng nhiều thực khách khác. Như trường hợp của hàng thịt xiên, phá lấu trường Marie Curie, thực khách đã có nước uống hoặc không muốn uống nước tại quán đối diện thì đành mua mang về, đôi khi là ngồi cả trên xe để ăn.
Hay trong khu vực chợ đêm, vì hàng quán san sát nhau, bàn ghế cũng để ngay giữa hai quầy hàng nên thực khách thường không để ý ngồi nhầm. Vừa mới ngồi xuống tưởng yên vị, ai ngờ bị chủ quán mà mình ngồi nhầm nhắc nhở đứng lên vì không mua gì ở quán họ. Nhiều thực khách cảm thấy khó chịu, xấu hổ chỉ vì vấn đề chỗ ngồi này.
Chỉ vì đổi lấy một chỗ ngồi mà phải chịu đựng như thế khiến các hàng quán “cộng sinh” thế này có ấn tượng xấu trong mắt nhiều thực khách.
Cô nàng TikToker có thể sai khi đánh đồng người Hà Nội bạc bẽo chỉ vì một chỗ ngồi. Thế nhưng, việc thực khách có cảm giác không hài lòng thì vẫn là điều có thể xảy ra. Sự khó chịu sẽ đeo bám thực khách nếu người đó không sẵn sàng ủng hộ đồ ăn, thức uống của nơi bên cạnh.
Kiểu buôn bán này có thể xem như nét văn hoá thú vị tại cả hai miền, nhưng nó vẫn dấy lên nhiều tranh cãi. 9 người 10 ý, ai cũng luôn muốn thực khách của mình có những phút giây ăn uống thật thoải mái. Và để làm được điều đó thì chủ quán lẫn các vị khách cũng nên thông cảm cho nhau.
Thế nên, khi đã chấp nhận đến ăn uống ở những nơi “cộng sinh” như thế thì chủ quán bớt thêm chút thời gian để giải quyết cho khách, người đến ăn hiểu cho quán một chút thì trải nghiệm ẩm thực sẽ trở nên thú vị và vui vẻ hơn bao giờ hết.