Ngày nay, nhiều phụ huynh chú trọng việc trau dồi kiến thức tài chính cho con. Tuy nhiên, xung quanh chủ đề này vẫn có nhiều tranh cãi. Chẳng hạn, liệu cha mẹ có nên trả tiền để trẻ làm việc nhà? Có nên nói chuyện tiền khi con còn nhỏ hay đợi đến khi con lớn lên thì... tự biết. Và nên dạy về tài chính ra sao mới là phù hợp? Mỗi người có một lý giải và lựa chọn riêng.
Với anh Lê Trần Thiện Long (hiện sinh sống ở Nha Trang, Khánh Hòa), chủ kênh Youtube Đi là Đến Official, một ông bố nổi tiếng trong giới "xê dịch" khi cùng vợ là chị Trần Thị Thu Hằng đưa hai con (Lê Nguyên Tâm và Lê Khả Như) đi phượt khắp mọi nơi trên xe máy, thì dạy con về tiền là một điều không nên chờ đợi.
"Theo tôi, không bao giờ là quá sớm để dạy con về tiền bạc, và cũng không hẳn cha mẹ là chuyên gia tài chính mới dạy được con. Tiền bạc là vấn đề quan trọng, quyết định cuộc sống sau này của trẻ. Tuy nhiên, vấn đề này thực sự là chủ đề ít được thảo luận nhất giữa cha mẹ và con cái. Những đứa trẻ này không biết tiền đến từ đâu và ý nghĩa của nó, chúng yên tâm tiêu tiền của cha mẹ chúng kiếm được mà không hề hay biết", anh Long nói.
Dạy con về tiền từ lúc 4 - 6 tuổi
Nhiều người cho rằng, dạy con về tiền quá sớm là làm "hư" con, khiến con nghĩ quá nhiều về vật chất. Tuy nhiên, theo anh Long, dạy con hiểu biết về tiền và kỹ năng sử dụng tiền là cần thiết kể từ khi con trẻ bắt đầu có nhận thức về vạn vật trong cuộc sống. Còn việc lo sợ con trẻ sẽ hư khi hiểu sai về tiền thì cần nhìn nhận và đánh giá lại liệu cha mẹ đã định hướng cho con đúng cách chưa.
"Nếu cha mẹ để ý thì trẻ em khi bước sang giai đoạn từ 4 tuổi - 6 tuổi sẽ bắt đầu đặt những câu hỏi khám phá, tìm hiểu về sự vật, sự việc đang xảy ra xung quanh cuộc sống như: Tại sao lại như thế này? Sao lại gọi cái này như vậy? Và chắc chắn các cha mẹ đều đã được nghe con hỏi đến tiền là gì? Tại sao phải có tiền mới mua được đồ ăn (kem, kẹo, bánh, đồ chơi...).
Rồi cả những câu hỏi rất ngây thơ và hồn nhiên như: Ba mẹ đi kiếm tiền để làm gì? Sao không ở nhà chơi với con? Lớn lên con sẽ kiếm thật nhiều tiền cho ba mẹ để khỏi phải cực khổ đi làm nữa... Đó chính là thời điểm thích hợp nhất để cha mẹ giải thích và giáo dục con trẻ một cách nghiêm túc để các con hiểu đúng và sử dụng đồng tiền đạt hiệu quả tốt. Tuy nhiên việc dạy về tiền không nên cứng nhắc mà nên áp dụng vào những tình huống trong đời sống hàng ngày", anh Long nói.
Chẳng hạn, ngay từ tuổi lên 3 với những đứa trẻ ở nông thôn thời của anh đã từng trải nghiệm những trò chơi mô phỏng có tên gọi là "bán đồ hàng". Mỗi đứa trẻ sẽ tổ chức một gian hàng bán đồ ăn, thức uống có nguyên liệu được làm bằng cỏ cây hoa lá, sau đó sẽ dùng những chiếc lá dâm bụt làm thành tiền để sang gian hàng của nhau diễn vai mua và ăn hàng. Đó cũng chính là những bài học đầu tiên để trẻ hiểu phải có một thứ được quy ước là tiền để trao đổi vật phẩm.
Hiện tại cũng vậy, cha mẹ có thể cùng con chơi các trò chơi để nhận biết mệnh giá tiền bạc, tiền từ đâu đến. Anh cho con đi chợ, siêu thị cùng để lấy giúp bạn một món hàng và giao tiền mặt cho người nông dân, thu ngân,... con sẽ thấy nền kinh tế thị trường đang hoạt động. Bên cạnh đó anh cũng có thể giải thích cho con hiểu rằng với số tiền mà người nông dân kiếm được, họ có thể mua thêm vật tư để trồng thêm đồ nông sản khác.
Nếu thanh toán bằng thẻ, cha mẹ hãy giải thích rõ với trẻ nhỏ về cách hoạt động của thẻ và thảo luận về những món đồ nên mua. Hãy hỏi trẻ nhỏ xem liệu chúng có thể phân biệt được sự khác biệt khi cùng một món hàng nhưng lại có những mức giá khác nhau hay không và sự chênh lệch đó có hợp lý hay không. Khuyến khích trẻ tính toán chi phí mua sắm và so sánh các ưu đãi khi đi mua hàng. Hiểu giá trị của hàng hóa là một kỹ năng sống cần thiết.
Trẻ em thường sẽ phung phí tiền vào những thứ mình thích nhưng lại rất nhanh chán. Để giải quyết tình trạng này, anh Long chú trọng dạy con về Cần và Muốn. Anh dành thời gian ngồi và lập danh sách những món đồ mà con muốn mua, sau đó nói chuyện và phân tích với trẻ để cùng hiểu rõ tại sao các con lại muốn mua hoặc có nên mua chúng hay không.
Làm như vậy sẽ giúp trẻ nhận biết tốt hơn về mục đích cá nhân, đồng thời tránh được việc tiêu tiền một cách sai lầm gây nên sự lãng phí không cần thiết. Hãy giải thích rằng tiền là một thứ có giới hạn, những thứ như thức ăn và học hành nên được ưu tiên hơn.
Không cho con tiền khi làm việc nhà, thay vào đó tặng cho con điểm thưởng
Nhiều người cho rằng, trả tiền cho con làm việc nhà là "một mũi tên trúng hai đích", con vừa học về tiền vừa có hứng thú làm việc. Nhưng cũng có phụ huynh cho rằng việc trả công, trả tiền cho con mỗi khi con bạn làm việc nhà đang dần khiến con ỷ lại, lười nhác hơn. Và sau này, nếu như không cho tiền thì rất khó để nhờ con làm một việc gì đó.
Theo quan điểm của cá nhân, anh Long cho rằng, việc phụ giúp công việc trong gia đình là thể hiện tình yêu thương của các thành viên dành cho nhau, và cũng là một phần trách nhiệm mà các con cần nhận thức được để san sẻ với cha mẹ. Điều này sẽ giúp các con có thêm ý thức và kỹ năng sinh hoạt trong môi trường tập thể.
Chẳng hạn, khi đến chơi nhà của một ai đó và được mời ăn một bữa cơm, thì từ trong tâm thức của trẻ cũng sẽ hình thành tinh thần tự giác để chung tay với chủ nhà phụ dọn mâm cơm, hoặc ăn xong sẽ phụ dọn dẹp bàn ăn và rửa chén bát,... Đây là 1 trong số những trường hợp nhỏ thường diễn ra trong cuộc sống để thể hiện trẻ có kỹ năng ứng xử và giao tiếp tốt cũng như có tinh thần tự giác và trách nhiệm cao.
Từ 4 - 5 tuổi, các con của anh Long đã phụ giúp việc nhà. Lúc đầu thì hỗ trợ bố mẹ, sau này quen việc, vợ chồng anh phân công cho con tự biết việc hằng ngày mình làm gì để tự làm. Để tránh trường hợp so bì, anh sẽ hoán đổi cho hai con vào mỗi ngày, những việc hôm nay anh làm thì hôm sau sẽ đổi lại cho em.
Anh Long cho rằng: "Đối với vấn đề chi trả 1 khoản tiền thưởng để khích lệ tinh thần cho con trẻ khi phụ giúp việc nhà với cha mẹ không hoàn toàn sai nhưng cũng không hẳn là đúng. Quan trọng là ở cách giáo dục của cha mẹ có giúp con hiểu được rằng đây là phần thưởng nhỏ dành cho con để khích lệ tinh thần khi con có ý thức hoàn thành được những việc tốt. Con trẻ có thể dùng những khoản thưởng nho nhỏ này để tích lũy phục vụ cho nhu cầu chính đáng của bản thân.
Vấn đề chỉ trở nên tiêu cực khi cha mẹ quá áp đặt việc con phải phụ việc này, việc kia thì mới đổi lấy một khoản tiền mà cha mẹ đề ra, chẳng hạn như là: Quét nhà 5 ngàn đồng, lau nhà 10 ngàn đồng, hay rửa chén 15 ngàn đồng,...
Điều đó có thể sẽ dẫn đến nhận thức quá mức sòng phẳng hình thành trong tâm trí trẻ, vì lúc này con trẻ sẽ nghĩ rằng bất kể những việc gì mình làm cũng phải được trả công xứng đáng thì mới chịu làm mà quên mất rằng đó là tình yêu thương, sự chia sẻ, biết nghĩ và lo lắng cho những cơ cực của cha mẹ khi nuôi nấng và chăm lo cho mình".
Ông bố hai con cho rằng, nếu cha mẹ mong muốn khích lệ tinh thần trong việc hình thành ý thức tự giác cho con trẻ thì thay cho việc thưởng tiền, chúng ta có thể quy đổi sang điểm thưởng, con trẻ sẽ tích lũy những điểm thưởng này vào mỗi tuần, tháng.
Khi điểm thưởng đạt được đến giới hạn mục tiêu để đổi lấy những món quà mà cha mẹ muốn dành tặng khích lệ tinh thần cho các con như: Thưởng thức 1 món ăn ngon mà con thích, một chuyến dã ngoại cắm trại vào dịp cuối tuần hay nghỉ lễ; đến 1 khu vui chơi giải trí, hoặc một món quà mà cha mẹ biết là con rất yêu thích nhưng vẫn chưa có được,...
Bên cạnh việc kiếm tiền và tiêu tiền, anh cũng hướng dẫn con một lối sống tiết kiệm. Từ những sinh hoạt nhỏ trong gia đình như: Ra khỏi phòng thì tắt điện tắt quạt, đồ ăn uống chỉ lấy đủ dùng và dùng hết không để thừa; Áo quần không cần phải mua sắm mới quá nhiều, vừa tiết kiệm vừa đỡ ảnh hưởng môi trường; Phân chia thực đơn gia đình những ngày ăn thịt, ngày ăn rau hay trái cây để đảm bảo sức khỏe...
Anh cũng khuyến khích con cách dành dụm một số tiền tiêu vặt nhất định để chia sẻ với mọi người xung quanh – đặc biệt là các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Nhờ đó con sẽ sớm biết ơn những gì cuộc đời đã mang lại và sẽ trở thành một người khoan dung khi trưởng thành.