Abigail Libers lần đầu tiên bị đau nửa đầu vào năm 12 tuổi. Sử dụng thuốc giúp giảm đau đáng kể nhưng theo thời gian, tần suất cơn đau bắt đầu tăng lên và hiện không còn loại thuốc nào có thể dập tắt những cơn đau nhói từ trán lan đến cổ và vai của cô.
Mẹ của Abigail từng đưa con gái đi gặp nhiều bác sĩ khác nhau, từ bác sĩ chuyên khoa thần kinh, bác sĩ dị ứng cho tới chuyên gia về vật lý trị liệu, châm cứu. Sau nhiều năm thăm khám, kết quả vẫn chỉ dừng lại ở đau đầu do căng thẳng. Cô cũng đã thử mọi thứ từ dùng thuốc cho tới tránh thực phẩm và tác nhân có thể gây lo âu nhưng không đem lại hiệu quả.
Vật lộn với cơn đau
Vào những năm học đại học, Abigail đã chấp nhận số phận của mình và sống chung với tình trạng đau nửa đầu mãn tính. Cô gái trẻ cố gắng đánh lạc hướng bản thân để vượt qua cơn đau không bao giờ dứt. Mọi thứ tiếp diễn cho tới năm Abigail 30 tuổi, khi cơn đau kéo dài tới một tuần và buộc cô phải đến gặp bác sĩ.
Cô nhận được chẩn đoán mắc đau nửa đầu mãn tính và thông tin này thực sự không giúp ích gì nhiều. Abigail đến gặp một bác sĩ chuyên khoa thần kinh rồi dùng một số loại thuốc kê đơn và thậm chí tiêm cả Botox. Tuy nhiên, phương pháp này cũng không đem lại hiệu quả lâu dài.
Mọi thứ còn trở nên tồi tệ hơn khi đại dịch bùng phát. Cô chỉ có thể ở nhà, không còn gặp gỡ bạn bè hay tham gia các lớp học yoga để đánh lạc hướng bản thân. Abigail chia sẻ: “Tôi chán ngấy việc phải vật lộn với những cơn đau đầu và dùng quá nhiều loại thuốc không đem lại hiệu quả”.
Tìm kiếm giải pháp
Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Thần kinh học đã chỉ ra, khoảng 75% những người mắc chứng đau nửa đầu mãn tính không được chẩn đoán chính xác. Một trong các nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là việc thiếu hiểu biết khi phân biệt chứng đau nửa đầu với đau đầu thông thường.
Đau nửa đầu thực chất là một tình trạng gây vô hiệu hóa thần kinh. Jessica Ailani, phó giáo sư thần kinh học kiêm giám đốc Trung tâm điều trị Đau đầu trực thuộc Bệnh viện Đại học Medstar Georgetown giải thích: “Đau nửa đầu không chỉ là một cơn đau đầu. Chúng đi kèm với các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn và nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh”.
Rối loạn chức năng nhận thức như khó nói, khó tập trung cũng là hiện tượng phổ biến xảy ra khi cơn đau xuất hiện. Theo Abigail: “Não của tôi có cảm giác mù mịt đến mức làm một việc đơn giản như gửi tin nhắn cũng trở thành một nhiệm vụ bất khả thi”. Nguyên nhân chính xác gây ra chứng đau nửa đầu vẫn chưa được làm rõ.
Các chuyên gia cho rằng đây là một tình trạng di truyền và bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân bao gồm căng thẳng, thay đổi hormone, tác động từ ánh sáng và mùi hương như nước hoa, khói thuốc lá.
Abigail đã tự tìm hiểu và nhận thấy chế độ ăn Keto có liên quan tới việc ngăn ngừa chứng đau nửa đầu. Cô cho biết: “Tôi đã nghe nói về điều này nhưng sau đó chỉ cho rằng đây là một mốt ăn kiêng. Liệu chúng có thực sự giúp ích?”. Buộc phải nấu ăn tại nhà trong thời kỳ dịch bệnh đã phần nào thôi thúc Abigail thử áp dụng chế độ ăn này.
Lợi ích của chế độ ăn Keto
Denise Potter, chuyên gia dinh dưỡng tại Toledo giải thích, chế độ ăn Keto là chế độ ăn ít carb, nhiều chất béo và cung cấp cho cơ thể một lượng protein vừa phải. Ăn ít carb sẽ khiến bạn đốt cháy chất béo nhiều hơn để tạo năng lượng. Khi điều này xảy ra, gan sẽ tăng cường sản xuất xeton từ chất béo, hợp chất đóng vai trò như một nguồn nhiên liệu cho cơ thể. Trong đó có cả não bộ.
Nhiều chuyên gia cho rằng chế độ ăn Keto giúp cải thiện khả năng sử dụng năng lượng của não. Một bữa ăn kém lành mạnh chứa nhiều tinh bột và đường sẽ gây ra sự thay đổi đường huyết, nguyên nhân phổ biến dẫn tới chứng đau nửa đầu. Theo chuyên gia Denise, khi áp dụng chế độ ăn Keto, cơ thể bạn sẽ chuyển từ đốt cháy glucose sang đốt cháy chất béo để lấy năng lượng. Duy trì sự ổn định về lượng đường huyết trong máu và hormone căng thẳng là lý do quan trọng khiến chế độ ăn Keto đem lại hiệu quả.
Thay đổi rõ rệt
Abigail quyết định thử áp dụng chế độ ăn Keto vào tháng 11/2020 sau khi đọc một cuốn sách. Cô biết được tầm quan trọng của việc loại bỏ carb, đường, tránh thực phẩm đã qua chế biến và tăng cường tiêu thụ chất béo, rau củ, trái cây ít đường như quả mọng.
Ban đầu, cách ăn uống này gây ra không ít khó khăn với cô. Abigail đã viết ra một danh sách tất cả các loại thực phẩm có thể ăn trên một tấm áp phích lớn treo tại nhà bếp. Tiến độ thực sự chậm trong tháng đầu tiên.
Cô chia sẻ: “Tôi không nhận thấy sự cải thiện nhiều về chứng đau nửa đầu. Tuy nhiên, đến tháng thứ hai, tôi bắt đầu bớt đau hơn và khi cơn đau bùng phát, chúng cũng không dữ dội như trước”. Tới tháng thứ ba, Abigail đã đạt được bước đột phá khi vài ngày liên tiếp không bị đau nửa đầu hành hạ.
Cô thừa nhận: “Thật khó để tuân thủ chế độ ăn Keto. Sau khi tiêm vaccine phòng bệnh, tôi bắt đầu tụ tập với bạn bè, gia đình thường xuyên hơn và trở lại ăn uống tại nhà hàng. Tôi cố gắng tránh tinh bột và đường nhiều nhất có thể. Trong khi đi nghỉ vào tháng 7, tôi đã từ bỏ chế độ ăn kiêng gần như hoàn toàn. Đến tháng 8, cơn đau nửa đầu xảy ra gần như hàng ngày, hậu quả dễ hiểu của việc không tuân thủ chế độ ăn”.
Nhìn chung, việc thay đổi kế hoạch ăn uống đã giúp Abigail ngăn ngừa chứng đau nửa đầu. Đối với người phụ nữ này, duy trì bền vững chế độ ăn Keto là thử thách không nhỏ.
Cô chia sẻ: “Với sự trở lại của chứng đau nửa đầu, tôi nhận ra tận hưởng những ngày không bị cơn đau hành hạ lớn hơn nhiều so với niềm vui nhất thời khi ăn một lát bánh mì hoặc một miếng bánh ngọt”.
(Nguồn: Pre)