Tôi và Khanh quen nhau khi cùng tham gia hoạt động tình nguyện ở trường. Bấy giờ, anh gây ấn tượng với tôi bởi vẻ ngoài hiền lành, chín chắn và rất quan tâm mọi người. Thoạt đầu, tôi còn ngỡ anh học khóa trên nên đem lòng ái mộ, mãi sau này yêu nhau rồi mới tá hỏa 2 đứa bằng tuổi.
Sau khi ra trường, hai đứa bảo nhau tìm được việc ổn định 1 chút thì sẽ xin bố mẹ cho cưới. Cùng năm ấy, tôi lên xe hoa, bắt đầu 1 cuộc sống mới với nhiều sóng gió, lo toan hơn nhiều.
Khanh ở ngoại thành Hà Nội, gọi là ngoại thành nhưng cũng cách trung tâm thành phố 20 – 30km, quanh khu đó mọi người vẫn làm ruộng rất nhiều. Chỉ có điều, thay vì cấy lúa nhiều như ở quê tôi thì mọi người ở đây trồng hoa màu, rau cỏ nhiều hơn.
Để thuận tiện công việc, hai chúng tôi thuê nhà khu trung tâm, mỗi cuối tuần đều phải về nhà chồng. Và đương nhiên, thấy bố mẹ chồng đi làm ruộng tôi không thể ngồi chơi không. Tôi cũng phải xắn tay áo lên phụ giúp. Quả thật, tôi rất sợ mỗi ngày cuối tuần, đi làm suốt rồi người ta mong ngày chủ nhật để nghỉ ngơi, đây tôi lại phải làm vất vả hơn.
(Ảnh minh họa)
Nhưng đó chưa phải vấn đề lớn nhất. Sợ về quê chồng 1 tôi còn sợ về quê tôi 2. Mẹ đẻ tôi vẫn nói với hàng xóm xung quanh rằng tôi lấy chồng Hà Nội, mẹ chồng cũng chiều lắm. Bà rất thích được mọi người khen ngợi, ghen tị hoặc xuýt xoa… Tôi cũng hiểu, bởi dẫu sao nuôi con hơn 2 chục năm trời, ai chẳng mong con có tấm chồng tốt giúp bố mẹ nở mặt nở mày.
Chính vì thế, mỗi lần về quê dù không có tiền nhưng tôi vẫn cố gắng mua quà để chia cho họ hàng, láng xóm. Mọi người thấy tôi về cũng rất thích qua chơi, mỗi người mỗi câu khen ngợi hết lời:
- Số cái Thư sướng quá! Lấy được anh chồng vừa đẹp trai vừa giàu có thế này.
- Hai đứa đúng trai tài gái sắc, thế đã có gì chưa?
- Hai đứa hiền lành lại biết nghĩ quá, lần nào về cũng quà cáp, biếu xén. Như con nhà bà Ba ở trong làng mang tiếng con gái lấy chồng giàu nhưng chả bao giờ mua cho họ hàng cái gì, Tết về còn lì xì vài đồng bạc không khác gì ở quê.
Đáp lại lời khen đó, mẹ tôi thì cười tươi roi rói, còn tôi chỉ biết cười gượng mà trong lòng nghẹn đắng. Nhưng chồng tôi thì không nhịn được. Sau 5 lần, 7 lượt về quê tôi quá tốn kém, anh đã ý kiến:
- Em xem, đừng để mọi người ảo tưởng về cái danh Hà Nội nữa được không? 2 vợ chồng cũng đi thuê nhà, lương chả đáng là bao mà mỗi lần về quê em quà cáp người này người kia như thể mình giàu có lắm vậy. Em sợ mọi người nói gì? Sợ mọi người chê trách lấy anh nghèo, bất tài hay gì? Em đứng hám danh nữa, cứ chạy theo cái danh đó để rồi lần nào về ngoại xong cũng vay tiền mà tiêu đấy.
- Một chút quà cáp cho mọi người vui thôi mà anh.
(Ảnh minh họa)
- Đôi lần thì quà cáp, anh không ý kiến. Hoặc mua cho ông bà, các chú, các em họ hàng gần nhà em thôi. Đây em là vung tay quá trán rồi đấy, hàng xóm em cũng túi lớn túi bé… Về quê ngoại 1 lần là hết sạch tháng lương của em, hai vợ chồng mình còn phải sống nữa.
Hiện giờ tôi thật sự rất khó xử, 1 bên là mẹ đẻ, 1 bên là chồng. Không lẽ, tôi lại đi nói với mẹ rằng vợ chồng con nghèo lắm, không mua quà cáp cho mọi người nữa đâu? Chẳng biết xử lý thế nào cho thuận cả đôi đường nên tôi đang viện cớ ốm và trốn ở Hà Nội mặc cho mẹ đẻ gọi về quê có cỗ.