Người bị trừ ít thì 2.000 - 3.000 đồng/ngày, người bị trừ nhiều thì 8.000 đồng - 15.000 đồng/ngày, nhưng đa số nạn nhân đều không biết nhà mạng trừ tiền cho đến khi phát hiện tiền cước quá cao.
Bỗng dưng bị tính phí
Ông Trần Liêm Cảnh (Hóc Môn, TP.HCM) cho biết ông bị nhà mạng Viettel trừ tiền 3.000 đồng/ngày trong khi ông không đăng ký dịch vụ gì cả. Ông Cảnh gọi đến tổng đài khiếu nại thì được trả lời “có thể có người nào khác lấy máy rồi tự đăng ký”.
Thế nhưng đến khi ông Cảnh nhắn tin đăng ký hủy dịch vụ lại nhận được trả lời “chưa đăng ký dịch vụ”. Ông Cảnh cho rằng Viettel đã có chủ đích trừ tiền của khách hàng bởi chính tổng đài của họ đã công nhận thuê bao của ông chưa đăng ký dịch vụ!
Phản ảnh của ông Cảnh được Viettel lý giải do... sự chậm chạp của hệ thống trả lời tin nhắn. Cụ thể, Viettel xác nhận ông Cảnh có gửi tin nhắn hủy dịch vụ thành công nhưng hệ thống chậm phản hồi tin nhắn báo hủy thành công, dẫn đến việc khách hàng tiếp tục gửi thêm ba tin nhắn để hủy dịch vụ nên nhận được tin nhắn có nội dung “Bạn chưa sử dụng dịch vụ Bộ ba may mắn”. Viettel sau đó đã xin lỗi và trả lại số tiền 129.000 đồng phí dịch vụ cho ông Cảnh.
Nhà mạng MobiFone cũng bị rất nhiều khách hàng tố cáo đã kích hoạt dịch vụ và thu tiền trong khi chủ thuê bao không hề hay biết. Anh M., chủ thuê bao 090513xxxx, cho biết ba tháng gần đây anh phát hiện tiền cước tăng bất thường.
Anh hỏi tổng đài thì mới phát hiện nhà mạng tự động cài đăng ký cho anh ba dịch vụ với cước phí mỗi ngày lần lượt là 3.000 đồng, 3.000 đồng, 2.000 đồng. Anh M. rất bức xúc vì anh không hề đăng ký, cũng không biết mình đang bị trừ tiền cho những dịch vụ cụ thể nào. Thậm chí anh M. nhắn tin hủy cũng không được nên ngày nào cũng bị trừ tiền!
Nhiều thuê bao Vinaphone cũng phản ảnh dù không đăng ký bất cứ dịch vụ nào nhưng hằng ngày, hằng tháng vẫn bị trừ tiền. Khi thắc mắc lên tổng đài thì được trả lời “đã đăng ký sử dụng 3 - 4 dịch vụ”.
Nhà mạng lắm “chiêu”
Khi nhà mạng Viettel thông báo chương trình khuyến mãi gọi nội mạng 60 phút/ngày với cước phí chỉ 5.000 đồng/ngày, anh Nguyễn Thành Thông (Q.Thủ Đức, TP.HCM) nhắn tin đăng ký. Tuy nhiên đến khi ngưng đăng ký chương trình, anh Thông nhắn tin cú pháp hủy nhưng không được.
Anh gọi điện đến tổng đài Viettel thì được trả lời là: “Có thể tin nhắn hủy gửi đi nhưng chưa đến được tổng đài”. Anh báo nhiều lần thì tổng đài trả lời: “Có thể do SIM anh bị hỏng” trong khi SIM của anh Thông vẫn hoạt động bình thường. Anh Thông và nhiều người bạn của anh sau đó đã bị trừ tiền oan.
Về phản ảnh này, đại diện Viettel cho biết: “Hệ thống cũng không có dữ liệu về việc khách hàng soạn tin hủy, do đó đã tự động gia hạn và trừ tiền (!?)”.
Nhà mạng Vinaphone lại tạo ra cách kích hoạt sử dụng dịch vụ tải game hành động khiến khách hàng dở khóc dở cười. Theo đại diện nhà mạng, đây là gói dịch vụ được Công ty cổ phần đầu tư ACOM cung cấp. Khi khách hàng cung cấp số điện thoại để đăng ký sử dụng dịch vụ lên các trang quảng cáo của ACOM, thông tin sẽ được gửi sang Vinaphone.
Tiếp theo nhà mạng sẽ gửi đến thuê bao tin nhắn: “Mã xác nhận đăng ký dịch vụ Acom_TaiGameHanhDong là: abcd. Giá cước 5.000 đồng/ngày”. Sau đó, nếu khách hàng nhập mã xác nhận này lên trang web của ACOM, Vinaphone sẽ kích hoạt sử dụng dịch vụ cho khách hàng và bắt đầu tính phí 5.000 đồng/ngày.
Theo cách thức này, người dùng muốn sử dụng dịch vụ của Vinaphone phải đăng ký trên web, nhận tin nhắn có mã xác thực, nhập mã xác thực... Những bước đi rất cụ thể, có bằng chứng rõ ràng (tin nhắn có mã xác nhận, thời điểm nhập mã) và có vẻ đích thân người dùng phải kích hoạt thì mới có hiệu lực.
Thế nhưng, thực tế hoàn toàn có thể xảy ra giả thuyết Vinaphone và ACOM tự động thực hiện tất cả thao tác trên, người dùng chỉ nhận được tin nhắn và bị trừ tiền mà không biết tại sao!
Với mỗi khách hàng, số tiền thất thoát trung bình 5.000 đồng/ngày, nhưng nếu làm phép tính nhân lên hàng chục triệu thuê bao đang sử dụng dịch vụ của ba nhà mạng lớn nhất Việt Nam nêu trên, con số sẽ thật khủng khiếp.
Giả dụ chỉ cần 10 triệu thuê bao trong tổng số hơn 123 triệu thuê bao di động hiện nay bỗng dưng bị sử dụng những dịch vụ thu phí 5.000 đồng/ngày, tính ra mỗi ngày các nhà mạng sẽ kiếm được đến 50 tỉ đồng (5.000 đồng x 10 triệu thuê bao).
Hộp Khai thác sơ hở của người dùng Hầu hết các trường hợp thuê bao di động khiếu nại về việc bị thu phí sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng, người dùng thường phải chịu thiệt do nhà mạng luôn có đầy đủ số liệu về thời điểm kích hoạt, thời gian sử dụng dịch vụ. Trong khi đó, người dùng chỉ có một lý do duy nhất là không biết gì về việc này. Người dùng phần lớn không thể kiểm soát tuyệt đối điện thoại của mình, đặc biệt là điện thoại thông minh (có nhiều ứng dụng và mã độc có thể tự động kích hoạt dịch vụ) nên chuyện vô tình kích hoạt sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng và bị nhà mạng thu phí là có thể xảy ra. Đồng thời qua đó nhà mạng cũng dễ dàng đưa ra các lý do đẩy trách nhiệm kích hoạt dịch vụ về phía khách hàng như tự tay kích hoạt mà không để ý, cho người khác mượn điện thoại, ứng dụng trong điện thoại tự kích hoạt dịch vụ... để thu tiền của khách hàng. |
* Ông Ngô Bách Phong (chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM): Cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc Tình trạng người tiêu dùng sử dụng mạng di động bị “móc túi”, quấy nhiễu, làm phiền gây bức xúc rất lớn. Tuy nhiên, để làm rõ việc “móc túi” này không đơn giản khi rất khó xác định lỗi do người tiêu dùng hay nhà mạng. Việc nhà mạng phủi trách nhiệm bằng cách nêu rõ thời gian người tiêu dùng có đăng ký sử dụng dịch vụ là không công bằng vì những dữ liệu này chỉ có nhà mạng nắm rõ. Hiện nay, nhà mạng còn liên kết với nhiều đơn vị khác tung ra hàng loạt dịch vụ như cước 3G, dịch vụ cung cấp tin tức, xổ số... bằng cách gửi tin nhắn trực tiếp đến từng thuê bao để quảng bá, mời gọi. Thực tế đây là hành vi gây phiền toái cho người sử dụng. Không ít người dùng mất tiền oan khi vô tình nhấn “đồng ý”. Thậm chí để tránh nhận tin nhắn rác hoặc hủy những dịch vụ đã đăng ký, chủ thuê bao cũng phải mất phí! Để tránh bị móc túi oan, người tiêu dùng phải luôn cẩn trọng với những thao tác trên điện thoại, đặc biệt khi sử dụng điện thoại thông minh (smartphone). Tuy nhiên, nếu nhà mạng “âm thầm” trừ tiền khách hàng thì việc xác định phải trái không phải là điều dễ dàng và người tiêu dùng luôn chịu thiệt. Do đó, cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, khi ấy mới đủ chức năng, công cụ xác định đúng sai và công khai xử lý cho người tiêu dùng rõ. Lê Sơn ghi * Ông Đỗ Hữu Trí (phó chánh thanh tra Bộ Thông tin - truyền thông): Nhà mạng tự động đăng ký dịch vụ, trừ tiền là sai hoàn toàn Nếu nhà mạng tự động đăng ký dịch vụ và trừ tiền của khách hàng như nhiều người phản ảnh là có thật thì nhà mạng sai hoàn toàn. Nhà mạng phải có trách nhiệm kiểm tra và trả lời rõ ràng về việc này khi có khiếu nại của khách hàng. Về trách nhiệm của thanh tra bộ, khi nhận được thông tin, chúng tôi cũng sẽ yêu cầu nhà mạng báo cáo, giải quyết. Khi nhà mạng trả lời không rõ ràng, thanh tra sẽ vào cuộc làm rõ. Tuy nhiên, thanh tra phải nắm được cụ thể dịch vụ nào, của nhà mạng nào, vi phạm nội dung nào, ví dụ như dịch vụ Anybook của Viettel trước đây thì mới có cơ sở tiến hành thanh tra, kiểm tra được. Khách hàng cần biết mỗi người đều có quyền khiếu nại đến cơ quan thanh tra để được làm rõ nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. M.Quang ghi * Luật sư Nguyễn Văn Hậu (phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM): Hội bảo vệ người tiêu dùng có thể đứng ra khởi kiện Theo quy định tại Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng thì người tiêu dùng, tổ chức xã hội có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện - nơi thực hiện giao dịch - để giải quyết. Cụ thể, hội bảo vệ người tiêu dùng có thể đứng ra khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể phối hợp với hội bảo vệ người tiêu dùng để cung cấp thông tin, bằng chứng có liên quan đến hành vi vi phạm của nhà mạng. ĐỨC THIỆN ghi |