BTV Khánh Ly, phụ trách bản tin Dòng chảy của tiền, Đài truyền hình Quốc hội Việt Nam từng được biết đến là hot mom với những bài chia sẻ dạy con cực hay. Với tình yêu, sự ân cần, nhẹ nhàng, cho con thử sức và tạo mọi điều kiện cho con được giao tiếp, chị Khánh Ly đã giúp cho con gái là bé Mina Phạm (được gọi với tên là Mina), sinh năm 2013, biết đọc, biết viết tiếng Việt, tiếng Anh thành thạo từ khi lên 4 tuổi. 

Theo lời kể của chị Khánh Ly, kể cả những cuốn truyện dày hàng trăm trang toàn chữ như Harry Potter, Việt Nam sử lược, tiểu sử các danh nhân, sách khoa học hay Cẩm nang sơ cứu trẻ em và người lớn... Bất cứ chủ đề gì Mina cũng ham đọc để khám phá, có thêm hiểu biết. 

67363573_10205929582275585_4974344303758278656_n

BTV Khánh Ly và con gái Mina.

Mới đây, được mẹ cho vào trường quay, đọc CUE (máy đánh chữ) trong bản tin mẹ dẫn về chủ đề "Những căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc", Mina cũng dẫn vanh vách và hứng thú.

Mina hứng thú được mẹ cho tập thử dẫn chương trình.

Chia sẻ về con gái, chị Khánh Ly cho biết: "Có những lúc mẹ bận rộn, cháu cũng tự đọc và viết, tự tìm tòi, thậm chí, cháu còn dùng vốn tiếng Việt, tiếng Anh của mình để tự học tiếng Trung".

Mặc dù Mina tự tin, chín chắn, hiểu biết nhưng chị Khánh Ly vẫn luôn tự hào vì con gái giữ được sự trong sáng, tươi vui đúng với lứa tuổi của mình. 

Vậy làm sao giúp con vừa học hỏi, nhưng lại vẫn hồn nhiên đúng tuổi của con? Sau đây là chia sẻ của mẹ Mina đáng để chúng ta học hỏi:

Chuyện muốn trẻ con biết đọc sớm hay không tuỳ vào quan điểm của mỗi người, nhưng sớm muộn gì con cũng sẽ phải biết đọc và viết. Hơn nữa, khi con có đam mê đọc sách sớm thì sẽ càng giúp con sớm bước vào kho tàng tri thức của nhân loại, sẽ giúp con trưởng thành tốt hơn về sau này.

Mình sẽ chia sẻ cách thức giúp Mina tìm được niềm vui này như thế nào từ khi con còn bé! Cái này ứng dụng cả với việc học tiếng Việt và tiếng Anh, hay các ngôn ngữ khác đều được (tất nhiên đối với từng ngôn ngữ sẽ có sự khác biệt, cái đó em sẽ chia sẻ thêm sau). Hy vọng sẽ giúp ích được cho các bố mẹ đang có con nhỏ! 

50474523_10205339699208877_3100718237386539008_n

Khánh Ly thường xuyên đọc sách, truyện cho con mỗi ngày, đặc biệt là trước khi đi ngủ.

Đặt niềm tin vào con, luôn động viên con mọi lúc mọi nơi

Đây là yếu tố đầu tiên giúp con thực hiện mọi điều trong cuộc sống, chứ không chỉ viết, đọc. Hãy luôn tin tưởng vào con, động viên con, nhất là khi con còn bé. Trẻ nhỏ đã hiểu được rất nhiều điều bố mẹ dạy, nói và hành xử mỗi ngày, chỉ có điều trẻ chưa biết cách để thể hiện nó ra. 

Có thể hôm nay trẻ chưa biết ngay, nhưng ngày mai, ngày kia, nếu cứ duy trì trẻ sẽ tích luỹ và sẽ trở thành hiểu biết. Thế nên bố mẹ hãy luôn tin tưởng và nói những lời động viên con. Tốt nhất là không bao giờ nói những lời tiêu cực như: Con không biết đâu, con không hiểu đâu, con không làm được đâu... mà thay vào đó hãy nhìn vào mắt con và giải thích cho con hiểu từng điều, từng việc, bày tỏ rằng bố mẹ tin tưởng là con sẽ làm được.

Nuôi dưỡng thói quen đọc sách, truyện càng sớm càng tốt

Bố mẹ không hay đọc sách, truyện... thì không thể đòi hỏi con phải đọc nhiều hơn bố mẹ. Chính vì vậy, bố mẹ cũng cần thay đổi thói quen đọc sách, truyện cùng với con. Trước khi có Mina, mình cũng hay đọc, học nhiều, chắc cũng là vì mình làm nghề báo, nên việc tìm tòi, nghiên cứu kiến thức mới liên tục là điều tất yếu.

Khi sinh Mina, mình chịu khó đọc sách, truyện cho con mỗi ngày, đặc biệt là trước khi đi ngủ. Trẻ nhỏ nào cũng thích ở bên bố mẹ và làm việc cùng bố mẹ, thế nên các bố mẹ cứ yên tâm là chỉ cần bố mẹ đọc sách hay truyện, là con sẽ sà vào lòng nghe cùng. Cứ mỗi ngày như vậy, thì sở thích này sẽ được nuôi dưỡng, ngấm dần vào con.

50330818_10205339696928820_5874798727239041024_n

Mina luôn thích thú với các thể loại sách, truyện.

Lưu ý là bố mẹ nên đọc cùng con đa dạng các thể loại sách, truyện, có kèm hình hoặc không có hình ngay từ khi con còn bé luôn, để con không có sự phân biệt giữa sách toàn chữ và sách truyện có hình... Điều này sẽ giúp con về sau đọc sách nghiên cứu cũng vẫn có hứng thú. Đồng thời, cũng không nên giới hạn chủ đề. Ví dụ đừng vì nghĩ con còn bé mà chỉ giới hạn con ở những truyện cổ tích, truyện nói về thú cưng, hay những câu chuyện có kết cấu đơn giản...

Thực tế, trẻ rất ham khám phá, chỉ cần nội dung có yếu tố mới lạ, gây tò mò là trẻ sẽ thích. Các chủ đề về khoa học vũ trụ, lịch sử loài người, khám phá cơ thể, thám tử, điệp viên, về các nghề nghiệp... trẻ đều thích cả. 

Về giờ đọc, nên đọc bất cứ khi nào con muốn. Giống như bố mẹ, trong một ngày có thể lúc bố mẹ thích làm cái này và không thích làm cái kia, thì trẻ cũng vậy, không được ép trẻ. Hãy bắt đầu khi con có hứng thú nhất, hoặc tạo ra hứng thú cho con bằng cách mình sẽ đọc trước, đọc to lên với giọng kể hào hứng, thu hút, gây tò mò.

Chỉ cách thức đánh vần từng từ cho con khi đọc, sử dụng đồ chơi chữ cái và vở viết biến hình

Trong quá trình đọc sách, truyện, các bố mẹ mỗi ngày hãy chỉ cách thức đánh vần từng từ cho con, giải thích cho con nghe là tại sao bố mẹ lại đọc được như vậy. Chỉ cần mỗi ngày vài từ thôi nhé, không được vội vàng. Cứ mỗi ngày như vậy con sẽ ngấm dần. Sử dụng các miếng chữ cái (nên được làm bằng gỗ để an toàn với trẻ), cùng con chơi trò chơi ghép hình, ghép các chữ cái thành từ với nhau, cách này giúp trẻ vừa vui mà vừa nhớ được cách đánh vần từ một cách dễ dàng.

Sử dụng các vở viết biến hình (có thể mua ở bất cứ hiệu sách nào, hỏi mua vở viết kỳ diệu), sách này giống như các bảng thu nhỏ lại, có in hình nét đứt các chữ cái, cho con viết theo rồi xoá đi một cách kỳ diệu. Trẻ rất thích điều này, bởi viết mà như chơi, chơi mà như viết.

Mua một cái bảng to có dòng kẻ mờ, bất cứ lúc nào rảnh rỗi thì bố mẹ và con cùng chơi trò viết lách, cùng nhau viết song song, viết xong lại xóa đi viết lại để luyện viết đẹp hơn.

Cho con vẽ thật nhiều hoặc có thể thuê người dạy vẽ cho con từ sớm

Thực tế, bất kỳ trẻ nào cũng thích vẽ từ bé, bé gái thì vẽ công chúa, bé trai thì vẽ siêu nhân... Mục tiêu cho con học vẽ sớm không phải để con trở thành hoạ sĩ, hay là phải vẽ được tranh cảnh. Mục đích là rèn luyện cho tay con cứng cáp, khéo léo và giàu trí sáng tạo.

67179561_10205914171010313_4712376853757689856_n

Không chỉ đam mê với con chữ, Mina còn rất thích vẽ.

66996667_10205914177170467_4514131123403489280_n

Hiểu biết nhưng Mina vẫn hồn nhiên, đáng yêu.

Con đã vẽ được rồi thì việc viết chữ là chuyện rất nhỏ. Thay vì ép con ngồi vào bàn luyện viết mỗi ngày khiến con ngáp dài, ngán ngẩm, thì cách luyện tay bằng vẽ lại tạo được niềm yêu thích, cảm hứng hơn cho con rất nhiều. Như Mina giờ viết chữ rất gọn gàng, sạch sẽ.

Rèn luyện tính tập trung cho con bằng cách nhìn vào mắt con và nói

Bất cứ khi nào nói điều gì, kể cả lời yêu thương hay mắng mỏ thì nhất định hãy để con nhìn vào mắt mình rồi hãy nói. Không lải nhải, mắng mỏ liên tục khi con không để ý hoặc khóc lóc... Tốt nhất là hãy bình tĩnh giải thích cho con hiểu, thay vì mắng con. Những lời lẽ mắng mỏ dồn dập liên tục sẽ chỉ khiến con sợ hãi, khóc lóc, không nghe được gì, hoặc con sẽ chai lỳ ra, nghe tai này lọt tai kia. 

Lúc đó, bố mẹ nên hít thở những hơi thật sâu và đều đặn, cơn tức giận sẽ nhanh chóng qua đi, rồi nhìn vào mắt con và giải thích. Nhờ những lần như vậy, con sẽ rèn luyện được tính tập trung hơn, khi lắng nghe hoặc làm bất cứ việc gì.

Nhờ con dạy lại cho chính bố mẹ

Thực tế, trẻ rất thích được tôn trọng, được có trách nhiệm như bố mẹ. Chính vì thế thay vì lúc nào cũng ở vị trí dạy dỗ con, hãy để con có cơ hội được làm gương, làm mẫu cho bố mẹ. Bố mẹ sẽ thấy điều kỳ diệu ở con. Trẻ sẽ rất có trách nhiệm tự đọc, học, nghiên cứu để còn có kiến thức chỉ lại cho bố mẹ. 

Như bản thân mình, nhiều điều đã biết rồi, nhưng thỉnh thoảng mình vẫn nói là chưa biết, và nhờ cháu Mina giải thích và làm mẫu cho, khi đó con rất hứng thú và tự hào.

Thường xuyên cho con đi giao tiếp và làm việc cùng bố mẹ

Có điều kiện hãy đưa con đi giao tiếp cùng, thậm chí nhờ con ghi chép lại các công việc bố mẹ làm, giúp con cảm thấy mình có ích và làm mọi việc hứng thú (đây cùng chính là quá trình rèn luyện viết chữ nhưng lại khiến trẻ thích thú). Trẻ nhỏ rất thích mình trưởng thành và trách nhiệm như bố mẹ.

67075922_10205893031041827_5078366629255970816_n

Để những nguyên tắc này đạt được kết quả tốt, cha mẹ cần lưu ý:

- Luôn tin tưởng và nói lời yêu thương động viên con

- Bất cứ thời điểm nào cũng có thể chơi và học cùng con

- Không kỳ vọng, ép con phải đạt được cái này cái kia. Hãy để mọi thứ diễn ra thật tự nhiên, chơi mà có học trong đó.

- Hết sức kiên trì, không nản lòng vì có thể hôm nay con chưa biết nhưng ngày mai, ngày kia con sẽ khác. Con tích lũy dần đến một thời điểm sẽ làm được những điều bất ngờ dành tặng cho bố mẹ.

- Những điều trên có thể áp dụng để dạy con các việc khác, không chỉ là việc đọc, học viết chữ. 

56904914_10205595719929235_8604349425663344640_n

Từ năm 4 tuổi, Mina đã đọc, viết thành thạo một cách thích thú với con chữ.

lop1