7h ngày 23/2, theo ứng dụng chất lượng không khí PAMAir, chỉ số AQI đo được tại nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội vượt ngưỡng tím lên nâu. Đây là ngưỡng nguy hại, ngưỡng cao nhất về ô nhiễm không khí, cảnh báo khẩn cấp sức khỏe tất cả mọi người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Điển hình là các khu vực: Cầu Diễn (AI là 386), Trần Quang Khải (390), Thượng Đình (357), Nhân Chính (318), Lê Quang Đạo (308) và Trung Hòa (305)…
Bảng đo chất lượng không khí của Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội.
Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội cũng thống kê AQI tại nhiều nơi ở thủ đô đạt ngưỡng tím, gồm: Minh khai – Bắc Từ Liêm (AQI là 275), Hàng Đậu (266), Phạm Văn Đồng (253), Thành Công (231), Trần Hưng Đạo (214).
Trang Airvisual xếp hạng Hà Nội vị trí thứ 1 trong tổng số 10.000 thành phố trên thế giới tính đến 7h31p sáng nay với AQI là 247, nồng độ bụi mịn là 179.5 µg/m³. Đơn vị đo tính theo Mỹ.
Theo các chuyên gia, thời tiết ngày nắng, đêm lạnh, hanh khô nên dễ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Đây là nguyên nhân khiến khói bụi bị giữ lại ở bầu khí quyển, không thể phát tán và bay đi.
Đáng lưu ý, chất lượng không khí Hà Nội những ngày qua đang có dấu hiệu xấu đi, đặc biệt là vào buổi sáng và chiều tối. Nồng độ bụi mịn PM2.5 cũng tăng dần. Dự kiến những ngày tới nếu thời tiết thay đổi theo hướng thuận lợi, khói bụi đang bị mắc kẹt có cơ hội phát tán bay đi, tình trạng ô nhiễm mới được cải thiện.
Airvisual xếp Hà Nội đứng số 1 trong 10.000 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Từ cuối năm 2019, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc liên tiếp trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Nhiều thời điểm Hà Nội đứng đầu về ô nhiễm không khí trên toàn thế giới với mức AQI lên tới hơn 300, gần 400.
Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, người dân, nhất là những nhóm người già, trẻ em, người đang mắc bệnh hô hấp mãn tính nên hạn chế ra ngoài vào thời điểm này. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, mọi người cần trang bị mũ, áo, khẩu trang và kính để hạn chế tác hại của ô nhiễm không khí.