Câu chuyện cảm động và đáng khâm phục này được đăng trên Dailyboo, và mặc dù đã xảy ra cách đây hơn 3 tháng nhưng nó vẫn nhận được rất nhiều lời khen ngợi của cộng đồng mạng.
Cậu bé Lôi Cảnh Tường, 3 tuổi ở Huệ Châu, Quảng Châu, Trung Quốc đã vô tình bị thương ở bắp chân. Không giống với đa số các bé cùng lứa, bé Lôi Cảnh Tường đã không khóc lóc, không sợ hãi mà rất bình tĩnh tự lau vết thương của mình, rồi tự bôi thuốc mà không cần mẹ trợ giúp. Thậm chí khi mẹ hỏi bé có đau không, dù đau nhói nhưng cậu vẫn rất dũng cảm trả lời: "Không đau đâu mẹ ạ. Con chịu được".
Rồi khi mẹ bảo để mẹ làm sạch vết thương và bôi thuốc cho thì Lôi Cảnh Tường thẳng thắn từ chối: "Không, con có thể tự làm được. Không có gì đâu mẹ, chỉ cần lau bằng thuốc khử trùng là được thôi". Để mẹ yên lòng, cậu bé còn không quên hứa: "Lần sau con sẽ chú ý hơn mẹ ạ".
Thật sự, nếu đây không phải là một video, chỉ là một câu chuyện kể lại, có lẽ nhiều người sẽ không tin. Bởi không ai nghĩ một cậu bé mới 3 tuổi, cái tuổi còn nhõng nhẽo, vòi vĩnh, vẫn phải để bố mẹ phục vụ đủ thứ lại có thể có hành động và suy nghĩ độc lập, mạnh mẽ như một người trưởng thành.
Vậy để con có thể chững chạc và độc lập như cậu bé 3 tuổi ở Quảng Châu này, bố mẹ nên dạy con như thế nào?
Hãy coi trẻ là "người lớn" và nuôi dưỡng sự độc lập của trẻ
Trong trường hợp mẹ bé Lôi Cảnh Tường nói trên, khi con khẳng khái không cần sự giúp đỡ của mẹ, mẹ bé đã đưa bông cho con tự lau vết thương, bôi thuốc đồng thời không một câu lo lắng sốt ruột sợ con không làm tốt.
Hành động của người mẹ cho con sự tự tin rằng mình sẽ làm tốt được việc đó, đồng thời dạy cho trẻ sự chủ động và tự chịu trách nhiệm với mỗi hành động của mình.
Nếu cha mẹ chỉ chăm chăm làm hộ từ việc xúc ăn, lấy nước uống, quét nhà… vì nghĩ con còn nhỏ chưa làm được thì lâu dần sẽ tạo cho con thói quen ỷ lại, lười lao động.
Thay vào đó, cha mẹ nên để con tự làm mọi việc phù hợp với độ tuổi sau khi đã hướng dẫn con chi tiết.
Hoặc có những cha mẹ khi con bị ngã, sẽ xót xa chạy ngay đến đỡ con rồi "đánh chừa" những thứ đã làm con ngã, con đau. Cách hành xử này sẽ khiến trẻ yếu đuối, không biết tự nhận ra lỗi của mình là bất cẩn. Lần sau nếu có ngã, con sẽ nằm yên, ăn vạ, khóc lóc để được sự trợ giúp của bố mẹ mà không hề biết tự đứng lên.
Hãy để con tự làm những gì trong phạm vi khả năng của con, có thể lúc đó con làm chưa đúng, nhưng sau mỗi sai lầm, bố mẹ sẽ giúp con rút kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn. Chỉ có tự làm thì bé mới tự hoàn thiện được tất cả những nhiệm vụ, qua đó biết cách học hỏi, trưởng thành và độc lập hơn.
Khi trẻ mắc lỗi, đừng vội mắng mỏ, hãy đồng cảm với con
Có nhiều bà mẹ khi nhìn thấy con bị thương, bị đau sau khi chơi với bạn hay một hoạt động nào đó, vì xót con mà vội trách mắng con: "Sao con bất cẩn thế?", "Lần sau không được chơi với bạn đó nữa…!".
Mặc dù xuất phát từ lòng thương con, nhưng cái cách bố mẹ trách mắng con như vậy lại giống như cứa dao vào trái tim non nớt của trẻ.
Trong trường hợp này, bố mẹ hãy học cách của mẹ Cảnh Tường đã làm. Sau khi con bị thương, cô ấy chỉ tập trung hỏi nguyên nhân tại sao con bị thương để có cách điều trị tốt nhất, tuyệt nhiên không la mắng con. Đồng thời người mẹ nhẹ nhàng gợi ý giúp con lau vết thương và bôi thuốc.
Bài học đưa ra là, khi con gặp khó khăn, bố mẹ nên có những phản hồi tích cực và đứng về phía con để vượt qua khó khăn trước mắt, chứ không nên tỏ ý phản đối hay chỉ trích gì trẻ lúc đó.
Sự đồng cảm của bố mẹ sẽ khiến con cởi mở hơn, bình tĩnh hơn trong cách xử lý tình huống và cảm thấy mình được tôn trọng hơn thì kết quả bé sẽ tự tin hơn.
Theo Sohu