Nhằm khuyến khích người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, những năm qua tại tỉnh Thanh Hóa nhiều chính sách ưu đãi kích cầu đã được thực hiện như: hỗ trợ người nghèo 30% mức đóng; người cận nghèo 25%; đối tượng khác 10%. 

Cùng với đó, ngành bảo hiểm xã hội Thanh Hoá đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu hút ngày càng nhiều hơn nữa người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Không muốn là gánh nặng khi về già, nhiều người tìm đến BHXH tự nguyện - Ảnh 1.

Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện (ảnh minh họa)

Do không muốn dựa vào con cái khi về già, vợ chồng ông Tô Vũ Lâm, ở thị trấn Cẩm Thuỷ, huyện Cẩm Thuỷ đã quyết định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ông Lâm cho biết: Năm nay ông đã 56 tuổi, vợ 54 tuổi, sau khi được tư vấn, ông thấy chỉ cần tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng năm đến khi đủ điều kiện ít nhất 10 năm, ông sẽ  được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định.

“BHXH của huyện trao đổi, nhân viên trao đổi với mình sau này về già mình sẽ có một khoản lương nên mình tham gia thôi. Với mức đóng là một triệu, hai ông bà đóng mỗi tháng 204 nghìn một người” – ông Lâm trải lòng.

Là một huyện miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tuy nhiên,  huyện Cẩm Thuỷ được đánh giá là một trong những huyện làm tốt công tác phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã có hơn 1 nghìn người tham gia, bằng 121% kế hoạch Bảo hiểm xã hội tỉnh giao.

Ông Đàm Phi Hùng, Phó Giám đốc bảo hiểm xã hội huyện Cẩm Thuỷ cho biết: “Người dân hiểu rõ bảo hiểm xã hội tự nguyện, những năm gần đây số người tham gia đã vượt lên rất nhiều. Đến nay trên địa bàn đã có 5 đại lý, căn cứ vào chỉ tiêu hàng năm giao chỉ tiêu thu về cho các đại lý để đảm bảo chỉ tiêu đạt kế hoạch cao nhất”.

Hơn 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, ngành bảo hiểm xã hội Thanh Hoá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được hơn 26.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng hơn 10.000 người so với năm 2018. Với kết quả này, Thanh Hoá là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. 

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khai thác mạnh nhóm đối tượng trong độ tuổi lao động, còn có sự vào cuộc, đồng hành của cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở.

Ông Nguyễn Hồng Vân, Chủ tịch Hội nông dân huyện Thạch Thành cho biết: “Người nông dân thì suy nghĩ cái chưa cần thì chưa thực hiện. Nhưng mình làm tốt công tác tuyên truyền, phân tích rõ chính sách ưu việt của Nhà nước, nếu tham gia sau này có lương hưu sẽ góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho nhà nước sau này”.

Để hướng tới  đối tượng tiềm năng, đặc biệt là những lao động tự do, nông dân ở khu vực nông thôn, miền núi, trong thời gian tới, ngành bảo hiểm xã hội Thanh Hoá sẽ tăng cường hơn nữa công tác phối hợp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Ông Vũ Nguyên Hiệp, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Để người dân được tiếp cận BHXH thì công tác tuyên truyền là rất quan trọng. Song song với đấy thì các cấp chính quyền địa phương các cấp cũng phải vào cuộc. Hy vọng thời gian tới chính sách điều chỉnh phù hợp, đa dạng hoá các gói để người dân lựa chọn, nhà nước có thể có chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo”.

Với việc thay đổi chính sách, tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, người dân đã hiểu rõ về lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tỉnh Thanh Hóa đang cho thấy hướng đi đúng trong việc đưa bảo hiểm xã hội tự nguyện đến với người dân.