Không muốn lãng phí thực phẩm, 2 chàng trai lập startup giải cứu 18 tấn rau quả xấu xí, giảm giá 1/3 thu hút 200.000 người đăng ký và 47 triệu USD tiền đầu tư - Ảnh 1.

Ben Simon suy nghĩ về thực phẩm lãng phí rất nhiều. Năm 2011, khi là sinh viên năm nhất tại Đại học Maryland, anh đã bị choáng ngợp bởi lượng thức ăn bị vứt đi trong canteen của trường.

Anh chia sẻ: "Tôi đã rất sốc khi thấy người ta mua một chiếc bánh sandwich đầy đủ, ăn một nửa rồi vứt nửa còn lại vào thùng rác. Đó không phải là giá trị mà tôi được dạy từ khi còn nhỏ". Đối với Simon, đồ ăn thừa là một "mỏ vàng tự nhiên" mà anh có thể khai thác để làm điều tốt đẹp cho xã hội.

4 năm sau, Simon đồng sáng lập Imperfect Produce, một startup cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà cho người dùng đăng ký. Sản phẩm của họ rất độc đáo: Trái cây và rau củ quả có vẻ ngoài xấu xí nhưng vẫn còn tốt ở bên trong. Đây là những loại thực phẩm sử dụng được nhưng lại bị các chuỗi cung ứng từ chối chỉ vì vỏ ngoài kém thu hút.

Không muốn lãng phí thực phẩm, 2 chàng trai lập startup giải cứu 18 tấn rau quả xấu xí, giảm giá 1/3 thu hút 200.000 người đăng ký và 47 triệu USD tiền đầu tư - Ảnh 2.

Rau củ quả có vẻ ngoài xấu xí được Imperfect Produce bán với giá rẻ hơn 30%.

Simon cho biết hàng năm, có tới 31 tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí ở Mỹ. Phần lớn đến từ các hộ gia đình, quán ăn tự phục vụ, trang trại, nhà hàng, cửa hàng tạp hóa và sân vận động. Điều quan trọng là hầu như tất cả đều có chất lượng tốt. Chính vì vậy, anh đã thành lập Imperfect Produce để chống lãng phí thực phẩm và tạo ra hệ thống bền vững hơn.

Anh đã hợp tác với Ben Chesler, một người bạn có cùng niềm đam mê vì lợi ích xã hội để khởi nghiệp. Họ tìm đến các trang trại như điểm khởi đầu của dịch vụ giao hàng. Theo Simon, khoảng 20% trái cây và rau quả trồng tại trang trại ở Mỹ bị loại bỏ vì không đáp ứng tiêu chuẩn thẩm mỹ của các cửa hàng như có vết trầy hay kích thước nhỏ hơn thông thường.

Simon, 29 tuổi và Chesler, 27 tuổi đã quyết định lấy nguồn sản phẩm "xấu xí" này trực tiếp từ các trang trại và giao cho khách hàng với giá thấp hơn khoảng 30% so với giá của cửa hàng tạp hóa.

Simon nói: "Lý do chúng tôi tạo ra Imperfect Produce như một doanh nghiệp bán trực tiếp đến khách hàng là vì các cửa hàng tạp hóa không muốn hợp tác với chúng tôi".

Dịch vụ của Imperfect Produce ra mắt tại San Francisco vào tháng 8/2015. Đến nay, họ đã có hơn 200.000 người đăng ký tại 22 thành phố của Mỹ. Công ty lấy nguồn sản phẩm từ 250 đơn vị trồng nông sản trên toàn quốc và hơn một nửa trong số đó là sản phẩm hữu cơ.

Simon cho biết dịch vụ này đã giúp giải cứu 18 tấn thực phẩm khỏi việc bị lãng phí. Chỉ riêng trong năm nay, Imperfect Produce sẽ cứu khoảng 22 tấn rau củ quả đồng thời quyên góp 1 tấn cho các ngân hàng thực phẩm.

Không muốn lãng phí thực phẩm, 2 chàng trai lập startup giải cứu 18 tấn rau quả xấu xí, giảm giá 1/3 thu hút 200.000 người đăng ký và 47 triệu USD tiền đầu tư - Ảnh 3.

Đội ngũ vận chuyển thực phẩm của Imperfect Produce.

Hai nhà đồng sáng lập khởi nghiệp với 20.000 USD tiền cá nhân và 38.000 USD huy động từ nền tảng gây quỹ cộng đồng Indiegogo. Kể từ đó, họ đã nhận được tổng cộng 47 triệu USD tiền tài trợ từ các nhà đầu tư bao gồm Maveron và Norwest Venture Partners.

Trong 4 năm, công ty đã tăng số lượng nhân viên lên 1.000 người và vận hành 400 xe tải giao hàng của riêng mình. Tuy không tiết lộ doanh thu cụ thể nhưng Simon nói rằng doanh thu năm nay dự kiến sẽ tăng gấp đôi năm ngoái và công việc kinh doanh của họ vẫn chưa có lãi. Chàng trai trẻ hy vọng sẽ mở rộng dịch vụ tới 40 thành phố vào cuối năm nay và có thể sẽ IPO vào một thời điểm thích hợp nào đó.

Khách hàng của Imperfect Produce cần trả từ 12 USD đến 40 USD cho mỗi hộp gồm nhiều loại rau củ khác nhau. Tanya Achmetov đã đăng ký dịch vụ từ cách đây ba năm sau khi ghé thăm gian hàng của Imperfect Produce tại một hội chợ ở trường của con cô tại San Jose, California.

Cô chia sẻ: "Họ bán táo, cà chua, ớt chuông và nhiều loại nông sản khác với giá phải chăng. Tôi đã đăng ký ngay lập tức vì quá ấn tượng bởi sự tiết kiệm chi phí và tiện lợi mà họ mang lại".

Người dùng có thể lựa chọn giao hàng hàng tuần hoặc 2 ngày/lần (công ty tính phí 4,99 USD cho mỗi lần như vậy). Nếu đang đi vắng, khách hàng có thể thông báo để dừng nhận hàng trong thời gian đó.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Simon hành động để chống lãng phí thực phẩm.

Khi còn là sinh viên, anh từng thành lập Food Recovery Network tại Đại học Maryland để thu thập thực phẩm còn sót lại từ các quán ăn tự phục vụ của trường rồi trao chúng cho những người có nhu cầu. Tổ chức phi lợi nhuận này hiện có mặt tại 230 trường đại học trên khắp nước Mỹ. Simon đã điều hành Food Recovery Network trong 4 năm với sự trợ giúp của Chesler trước khi họ thành lập Imperfect Produce.

Simon giãi bày: "Chúng tôi hy vọng sẽ nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề lãng phí thực phẩm, biến đổi khí hậu và tạo ra một hệ thống phân phối thực phẩm hiệu quả hơn".

(Theo CNN)