Thật khó có thể không bật cười khi bé yêu thốt ra những lời nói không hay nhưng với giọng ngọng nghịu hay gương mặt ngây thơ. Những lời này đôi khi không nhằm vào ai, cũng có lúc bé chủ ý nhằm vào một người, như bạn chẳng hạn. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn hãy cố gắng kiềm chế bản thân và dập tắt mọi sự khuyến khích bé ở xung quanh (nụ cười, lời đùa cợt). Phản ứng thích thú đối với những lời nói của bé chỉ càng khuyến khích con bạn thêm hư.
 

Có thể là bé yêu của bạn đang chỉ lặp lại những lời nói bậy này như một con vẹt. Nhưng nó sẽ mang vẻ xấc xược khi bé thốt ra những lời đó ở trường, đặc biệt đối với thầy cô giáo hay người lớn tuổi.

Vì vậy, bạn cần phải giúp bé hiểu được những gì đúng và không đúng, những gì nên nói và không nên nói.

Bạn nên xác định rõ những lúc bé nói hỗn. Đừng bỏ qua nó, cho dù những lời nói của bé có làm bạn lúng túng hay buồn cười đến mức nào. Chẳng hạn những như “Mẹ đúng là một người mẹ xấu!” hay “Bố đầu to, óc bằng quả nho!”... đều không được phép.

Bé cần bị phạt

Nên tìm ra một hình phạt mà bạn có thể thực hiện ngay lập tức (hoặc sớm nhất). Bé sẽ chẳng nhận ra lỗi của mình nếu nói hỗn vào thứ tư và bị mẹ phạt không cho bé đi công viên vào sáng thứ 7.

Ngay khi bé nói hỗn, bạn cần có thái độ thật nghiêm và có thể từ chối những yêu cầu của bé (không cho ăn kem, không chơi cùng, hay không bật hoạt hình cho bé xem). Những hành động này có tác dụng tốt với bé hơn.

Nhắc nhở bé không tái phạm

Bạn có thể quy định rõ ràng những hình phạt cụ thể áp dụng cho bé khi mắc lỗi. Luôn nhắc nhở bé bằng câu: “Nếu con còn mắc lỗi này một lần nữa…” và phải phạt bé thật dứt khoát nếu tái phạm.

Phớt lờ những sự phản kháng của bé

Bạn không cần chú ý đến việc bé sẽ vùng vằng như thế nào, làu bàu to như thế nào… để tránh bị lôi vào một cuộc tranh cãi, lý luận với con. Khi thấy bạn không phản ứng gì, dần dần những tiếng làu bàu sẽ ít đi và bé sẽ tự hiểu rằng phản kháng chẳng giúp bé giải quyết được vấn đề.
 
Theo Mẹ và Bé