Người phụ nữ góa chồng quyết định dứt áo ra đi theo tiếng gọi của tình yêu
Trác Văn Quân xuất thân trong một gia đình giàu có, bà nổi tiếng với nhan sắc chim sa cá lặn lại có tài thơ ca, tính cách vô cùng dịu dàng, đoan trang nên được nhiều chàng trai chú ý. Năm 16 tuổi, bà sớm được gả cho một vị tú tài và có cuộc sống yên ấm. Tuy nhiên hạnh phúc chưa được bao lâu, Văn Quân đã phải mang danh góa phụ khi chồng không may mắc bệnh nặng đột ngột qua đời.
Trong một lần Trác Viên mở yến tiệc có mời vị khách quý tên Tư Mã Tương Như, một văn sĩ nổi tiếng thời bấy giờ với tài phú thơ tuyệt đỉnh cùng ngón đàn điêu luyện.
Khi được mời đàn một khúc góp vui, ông đã thể hiện khúc "Phụng cầu hoàng" (Chim phượng trống tìm chim phượng mái), không biết do vô tình hay hữu ý bởi Tương Như biết chủ nhà có cô con gái còn trẻ nhưng đã góa chồng. Vốn ngưỡng mộ Tương Như từ lâu, lại thêm tiếng đàn như đánh thẳng vào trái tim nàng giai nhân còn đang e ấp sau tấm rèm, bà đem lòng say mê Tương Như nhưng lại sợ mình không xứng với ông.
Sau khi hẹn tì nữ ngầm chuyển tình ý của mình, Tương Như cũng đã nảy sinh tình cảm thật sự với Trác Văn Quân, hai người cùng nhau dứt áo ra đi, chuyển đến Thành Đô làm lại từ đầu. Từ một tiểu thư lá ngọc cành vàng, Văn Quân đã phải vật lộn kiếm sống trong một quán rượu nhỏ, mang khổ cực để đổi lấy cuộc sống bình yên.
Một lần nữa gặp sóng gió trong hôn nhân
Khi tác phẩm "Tử Hư phú" của Mã Tương Như nổi lên và được vua Hán Vũ đánh giá cao, Tương Như được gọi vào cung và trở thành phụ tá thân cận của vua. Sau khi một bước thành quan, ông ra đi và để lại người vợ ở Thành Đô, quyết tâm đi theo đam mê.
Khoảng cách chính là thứ vô hình giết chết cuộc hôn nhân, Tương Như ở chốn kinh thành đã trở thành người trong mộng của biết bao tiểu thư đài các, ông đã nảy sinh ý định lấy vợ lẽ chốn kinh kỳ mà dần quên lãng người vợ vẫn đang mòn mỏi đợi chờ mình. Những thứ đẹp đẽ, hào nhoáng đã làm Tương Như quên đi hình bóng của Trác Văn Quân, người vợ đã cùng ông đồng cam cộng khổ suốt bao năm tháng khó khăn.
Qua những lá thư hời hợt, bằng sự nhạy cảm của người phụ nữ, Trác Văn Quân hiểu rõ tâm tư của chồng nhưng không hề bỏ cuộc khi ông có ý định thay lòng.
Kéo chồng về bên mình qua những lời lẽ gan ruột
Một hôm, Mã Tương Như gửi cho Trác Văn Quân một bức thư, trên dải lụa trắng tinh ấy chỉ đề vỏn vẹn vài chữ: "Nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, thất, bát, cửu, thập... trăm ngàn vạn". Hàm ý của những câu chữ ấy chẳng khác nào gáo nước lạnh dội thẳng vào lòng Văn Quân, nó gợi nhắc đến khoảng cách địa lý xa xôi của đôi vợ chồng, gợi nhắc cả đến vị thế của Tương Như bây giờ và ngầm thăm dò ý kiến Văn Quân như thế nào.
Nàng chẳng nghĩ ngợi mà đau lòng đề luôn một mạch (tạm dịch):
Trắng như tuyết trên núi,
Sáng như trăng ở trong mây.
Nghe lòng chàng có hai ý,
Nên thiếp quyết cắt đứt.
Ngày hôm nay nâng chén sum vầy,
Sớm mai đã đưa tiễn nhau ở bên sông.
Đi lững thững trên dòng nước,
Nước cứ chảy xuôi mãi từ đông về tây không quay về.
Buồn rầu lại cứ buồn rầu,
Lấy nhau rồi những tưởng không nên than vãn.
Mong có được người một lòng không thay đổi,
Đến khi đầu bạc chẳng xa nhau.
Cần câu trúc dáng thon thon khẽ động,
Đuôi cá vẻ cong cong.
Nam nhi coi trọng ý chí,
Sao lại vì tiền bạc mà thay lòng!
Bức thư thể hiện đầy đủ cung bậc cảm xúc của người phụ nữ phải xa chồng, chất chứa trong đó một chút tủi hờn, trách móc đã đánh thẳng vào tâm can của Mã Tương Như.
Sau khi nhận được hồi đáp, ông bàng hoàng nhớ về những năm tháng đã qua, nghĩ về tình nghĩa phu thê với Văn Quân, nghĩ về sự hy sinh của vợ dành cho mình thuở cơ hàn. Lòng ngập tràn hối hận đan xen sự xấu hổ, chiều hôm ấy Tương Như lập tức từ quan, một lòng trở về Thành Đô với vợ.
Trong hôn nhân, thật khó tránh khỏi những những thử thách kéo dãn khoảng cách giữa hai người. Bằng cái đầu lạnh và sự thông minh sắc sảo, Trác Văn Quân đã xử lý khủng hoảng hôn nhân một cách đầy tinh tế và nhẹ nhàng. Bởi vậy mới nói, để giữ được lòng dạ của người đàn ông, chị em cần sự tỉnh táo và hành xử thật khéo léo để họ biết quý trọng, nâng niu người phụ nữ bên cạnh mình hơn nữa!