Câu chuyện của cô Lý, một người mẹ ở Trung Quốc, đã thu hút sự chú ý lớn trong cộng đồng khi cô chia sẻ cách tiếp cận mới trong việc nuôi dạy con cái. Sau khi sinh đứa con thứ hai, cô quyết định thay đổi hoàn toàn phương pháp giáo dục của mình.

Cô kể: "Đứa con đầu là một bé trai, học kém và tính tình rụt rè. Tôi nhận ra nguyên nhân chính là do bố thằng bé quá nghiêm khắc, trong khi tôi lại quá nuông chiều. Thế nên, khi có đứa con thứ hai, tôi quyết định sẽ nghiêm khắc hơn, còn bố sẽ đóng vai trò người hiền lành. Tôi muốn thử xem cách tiếp cận mới này sẽ tạo ra kết quả ra sao."

Quyết định của cô Lý đã làm dấy lên nhiều tranh luận. Liệu mô hình "mẹ nghiêm khắc, cha nhân từ" có thật sự hiệu quả? Hay ngược lại, việc gán ghép vai trò cứng nhắc có thể khiến sự phát triển của trẻ bị hạn chế?

Quan điểm của chuyên gia tâm lý

Theo giáo sư Lý Mai Cẩn, một chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý tại Trung Quốc, trong xã hội hiện đại, vai trò nghiêm khắc nên thuộc về người mẹ, còn sự hiền hòa, nhân từ nên thuộc về người cha.  

Giáo sư Lý Mai Cẩn chỉ ra nhiều ưu điểm cho quan điểm giáo dục "mẹ nghiêm, cha hiền".

Bà lý giải rằng, nếu người mẹ quá gần gũi và nuông chiều, trẻ sẽ dễ trở nên tự cao tự đại và ích kỷ. Ngược lại, một người cha nhân từ sẽ mang đến cho con cảm giác an toàn và tin tưởng, giúp trẻ tự tin phát triển các mối quan hệ và nhận thức bản thân một cách lành mạnh.

Giáo sư Lý cũng nhấn mạnh rằng sự kết hợp giữa kỷ luật từ người mẹ và sự bao dung từ người cha có thể tạo ra một môi trường giáo dục toàn diện, giúp trẻ học cách chịu trách nhiệm và cảm nhận được tình yêu thương.

Dù yêu con đến mấy, mẹ cũng cần nghiêm khắc khi cần

Theo truyền thống, người mẹ luôn được xem là biểu tượng của tình yêu vô điều kiện. Từ việc mang thai trong 9 tháng 10 ngày đến việc chăm sóc con từng bữa ăn, giấc ngủ, tình mẫu tử luôn được gắn liền với sự dịu dàng và ân cần. Tuy nhiên, nếu tình yêu thương trở nên thái quá, hậu quả có thể rất nghiêm trọng. Trẻ dễ dựa dẫm, thiếu kỹ năng tự lập, thậm chí trở nên ích kỷ và khó hòa nhập xã hội.

Một người mẹ biết nghiêm khắc đúng lúc có thể định hình cho trẻ những nguyên tắc quan trọng trong cuộc sống. Chẳng hạn, khi trẻ học hành, mẹ cần nhấn mạnh việc hoàn thành bài vở đúng thời hạn, thay vì dễ dàng chấp nhận sự trì hoãn. Trong các mối quan hệ xã hội, mẹ cũng cần nghiêm khắc dạy con phải trung thực, khoan dung và biết tôn trọng người khác. 

Chỉ bằng cách nghiêm khắc, trẻ mới hiểu được giới hạn và trách nhiệm của mình, từ đó phát triển kỷ luật, tính tự giác và khả năng trưởng thành sớm hơn. Ảnh minh họa: Internet

Dù nghiêm khắc đến mấy, cha cũng cần thể hiện sự yêu thương

Trái ngược với hình ảnh người mẹ dịu dàng, người cha thường được gắn với những biểu tượng như "uy nghiêm", "lạnh lùng", hay "quyền lực". Tuy nhiên, một người cha biết cách thể hiện sự yêu thương và dịu dàng sẽ tạo ra một môi trường tâm lý an toàn cho trẻ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với cả con trai và con gái.

Với con trai, người cha nhân từ có thể trở thành hình mẫu lý tưởng, giúp trẻ hiểu cách quản lý cảm xúc và giá trị của sự hạnh phúc. Với con gái, một người cha yêu thương sẽ khuyến khích con tự tin, phá vỡ các rào cản định kiến giới và sống đúng với mong muốn của bản thân.

Một người cha nhân từ không có nghĩa là mất đi sự nghiêm túc. Ngược lại, khi sự bao dung được kết hợp với trách nhiệm, nó sẽ giúp trẻ xây dựng lòng tin và phát triển mối quan hệ tốt với người khác.

Phương pháp nuôi dạy phù hợp

Không có một công thức chung nào cho vai trò của cha và mẹ trong giáo dục con trẻ. Quan trọng nhất là sự phù hợp với bản chất của cha mẹ và đặc điểm tính cách của từng đứa trẻ.

1. Phân vai theo thế mạnh của cha mẹ

Nuôi dạy con cái là một nhiệm vụ không dễ dàng, và việc cố gắng làm điều trái với bản chất của mình có thể khiến cha mẹ cảm thấy lúng túng. Thay vào đó, hãy phân chia vai trò dựa trên thế mạnh cá nhân. Ví dụ, một người cha hiền lành có thể không cần cố gắng trở nên nghiêm khắc, mà thay vào đó tập trung vào việc tạo dựng sự ấm áp và gắn kết gia đình. Một người mẹ mạnh mẽ có thể đảm nhận vai trò thiết lập các quy tắc và duy trì kỷ luật.

photo-1733903642920

Không có một công thức chung nào cho vai trò của cha và mẹ trong giáo dục con trẻ. Ảnh minh họa: Internet

2. Linh hoạt theo tính cách của trẻ

Tâm lý học chỉ ra rằng, trong giai đoạn đầu đời (0-3 tuổi), trẻ cần được bao bọc bởi tình yêu thương và sự chăm sóc toàn diện từ cả cha lẫn mẹ. Đây là nền tảng để trẻ cảm nhận được sự an toàn và tin tưởng vào thế giới xung quanh.

Từ 3 tuổi trở đi, trẻ bắt đầu hiểu và phản ứng với các nguyên tắc xã hội. Đây là thời điểm cha mẹ cần thống nhất trong việc đặt ra quy tắc và hướng dẫn trẻ cách ứng xử. Chẳng hạn, trẻ cần học cách không kén ăn, biết tuân thủ đèn giao thông, lễ phép khi giao tiếp với người khác và biết cách tự bảo vệ bản thân.

Đằng sau sự nghiêm khắc hay bao dung đều là tình yêu thương vô bờ của cha mẹ. Quan trọng là biết cách kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố này, tạo ra môi trường giáo dục linh hoạt và hiệu quả. Khi trẻ hiểu được giá trị của kỷ luật và tình yêu, chúng sẽ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, từ đó tự tin bước vào cuộc sống.

 (Tổng hợp)