Theo báo cáo tổng hợp tình hình lao động, tiền lương năm nay của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, các doanh nghiệp tại địa phương này đã có kế hoạch thưởng trong dịp Tết Dương lịch năm 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 cho người lao động.
Cụ thể, có 1.232 doanh nghiệp thuộc 4 loại hình, sử dụng hơn 220.000 lao động, được khảo sát và có báo cáo tình hình tiền lương năm nay và thưởng Tết năm 2025 cho người lao động.
Mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 tại 83 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với hơn 160.000 lao động, bình quân 4,9 triệu đồng/người, cao nhất 410 triệu đồng và thấp nhất 70.000 đồng.
Mức thưởng Tết Dương lịch 2025 dự kiến tại 75 doanh nghiệp FDI với hơn 140.000 lao động, bình quân 140.000 đồng, cao nhất 146,6 triệu đồng và thấp nhất 50.000 đồng.
Số liệu báo cáo cũng cho thấy, tiền lương bình quân thực trả năm nay tại các Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 7,9 triệu đồng/tháng, cao nhất 65 triệu đồng/tháng, thấp nhất 3,9 triệu đồng/tháng. Tiền lương bình quân thực trả tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 7,5 triệu đồng/tháng, cao nhất 410 triệu đồng/tháng, thấp nhất là 3,45 triệu đồng/tháng ...
Ngoài ra, mức thưởng Tết Nguyên đán Ất tỵ và Tết Dương lịch cũng được phân tích cụ thể như, mức thưởng Tết Dương lịch 2025 dự kiến tại 8 doanh nghiệp thuộc Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp cho 4.610 lao động, bình quân 1,9 triệu đồng/người, cao nhất 12 triệu đồng; thấp nhất đạt 200.000 đồng.
Thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 tại khối doanh nghiệp này dự kiến bình quân 10,1 triệu đồng/người, cao nhất 47 triệu đồng và thấp nhất 250.000 đồng. Mức thưởng Tết Dương lịch 2025 dự kiến tại 746 doanh nghiệp dân doanh với hơn 36.000 lao động, bình quân 500.000 đồng/người, cao nhất hơn 137 triệu đồng, thấp nhất 50.000 đồng...
Theo ngành chức năng Thanh Hóa , những tháng cuối năm nay, thị trường lao động trên địa bàn tiếp tục ghi nhận những dấu hiệu phục hồi tích cực , khởi sắc đang tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động; nhiều doanh nghiệp tăng các phúc lợi và có chế độ thưởng đối với lao động mới để thu hút nhân lực.
Cơ cấu lao động dần chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong khi lao động ở 2 nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp và nhóm ngành dịch vụ có sự giảm nhẹ, thì tỉ lệ lao động làm việc trong nhóm ngành công nghiệp - xây dựng có sự tăng trưởng khá ước đạt 43,1%, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước... Điều này, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế bền vững ở Thanh Hóa.