Không ít nghiên cứu cho thấy rất nhiều người tốt về cảm xúc, tốt về nhân cách, nghĩa là có EQ cao nhưng… họ không thành công về công việc và vẫn trải qua không ít bất hạnh trong cuộc đời. Tại sao vậy? Tác giả của chỉ số AQ Paul G.Stoltz nói: "Người tốt vẫn có thể là người không bền lòng theo đuổi mục đích. Dù biết đó là mục đích cao đẹp nhưng họ không đủ can trường để đi tới. Bởi vì, bao giờ cũng vậy, mục đích cao đẹp luôn đi kèm với những thử thách cực kỳ khó mà chỉ ai dám vượt khó mới có thể tới đích".

Adversity Quotient (AQ) là khả năng phục hồi sau một trải nghiệm tiêu cực và biến nó thành một trải nghiệm học tập tích cực. Nói cách khác, đó là nghị lực, khả năng vượt qua những tình huống khó khăn và biến nghịch cảnh thành động lực để tiến lên.  

Cũng giống như Chỉ số thông minh (IQ) và Chỉ số cảm xúc (EQ), Chỉ số vượt khó (AQ) ngày càng được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất có thể dự đoán thành công của một người trong cuộc sống, bao gồm cả học vấn. 

Chị Võ Phượng My, tác giả sách "Bỉm sữa cũng có quyền mơ, làm mẹ chưa phải là hết" và là cây viết tự do về làm cha mẹ và phát triển bản thân cho mẹ bỉm sữa cho rằng, khi quan sát và so sánh giữa những người xuất chúng, thành công, với những người dễ nản lòng trước khó khăn dù họ có thừa thông minh, có thể nhận thấy điểm khác nhau chính là sự chênh lệch về AQ – khả năng đối mặt và đương đầu những khó khăn và biến nghịch cảnh thành cơ hội.

Không phải IQ hay EQ, bà mẹ ở TP.HCM chỉ ra đây mới chính là CHỈ SỐ quyết định thành công của trẻ: Hai cách đơn giản để vun bồi cho con - Ảnh 1.

Chị Võ Phượng My, tác giả sách "Bỉm sữa cũng có quyền mơ, làm mẹ chưa phải là hết".

Trong khi IQ - chỉ số thông minh - không thể quyết định do yếu tố di truyền thì AQ có thể nâng cao nhờ rèn luyện. Một đứa trẻ được vun đắp chỉ số AQ từ nhỏ được dự đoán là có khả năng thành công cao hơn khi lớn lên so với trẻ không được rèn luyện. Chị cũng cho biết thêm, chỉ số vượt khó nên được vun bồi cho trẻ từng chút một từ sớm chứ không chờ trẻ lớn lên mới bắt đầu rèn giũa.

"Những trải nghiệm trong thời thơ ấu nơi đứa trẻ có thể vượt qua những hoàn cảnh bất lợi với sự hỗ trợ của bố mẹ sẽ truyền cho con niềm tin rằng những tình huống tồi tệ không xấu, thậm chí là cơ hội để con rút ra những bài học và giúp con kiên cường hơn. Tình yêu thương của bố mẹ chính là nền tảng vun đắp chỉ số vượt khó cho trẻ. Khi trẻ biết rằng luôn có người thấu hiểu, yêu thương và ủng hộ mình trong cuộc sống, trẻ sẽ học cách đương đầu và vượt qua".

Bố mẹ cần làm gì để nuôi dưỡng chỉ số vượt khó cho trẻ?

Chị My gợi ý các cách để bố mẹ vun đắp chỉ số AQ cho trẻ:

1. Khuyến khích trẻ chơi thể thao

Một trong những cách tốt nhất và đơn giản nhất để phát triển AQ là khuyến khích con chơi thể thao. Những hoạt động này mang tính cạnh tranh cao và thể thao có thể dạy cho con rất nhiều bài học cuộc sống.

Thể thao cho phép con trải nghiệm các tình huống chiến thắng, thất bại và đứng lên từ thất bại. Những tình huống này giúp tăng động lực để con làm tốt hơn. Con càng có cơ hội trải qua những khoảnh khắc thất bại, thì càng được trang bị tốt hơn để xử lý những thách thức sau này trong cuộc sống.

2. Cho con cơ hội tự đứng lên sau vấp ngã

Khi trẻ ở tuổi mẫu giáo, để con tự đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã ở sân chơi là điều bố mẹ có thể xây dựng chỉ số AQ cho trẻ. Khi trẻ vấp ngã, bố mẹ khoan chạy đến ngay bên trẻ và đỡ trẻ dậy. Hãy giữ khoảng cách đủ để thấy trẻ an toàn, dùng lời nói động viên trẻ tự đứng lên hoặc bố mẹ có thể đến gần để quan sát trẻ đứng lên và động viên: "Không sao đâu con ạ, con tự mình đứng lên nhé!".

Vừa giúp trẻ có thể tự đứng lên sau vấp ngã nhưng cũng không bỏ mặc trẻ quá lâu hoặc cho trẻ tham gia những hoạt động vượt quá sức và lứa tuổi của trẻ. Nếu con chưa sẵn sàng cho việc tự đứng lên, hãy từng bước giúp con và nới lỏng hoặc giảm dần sự hỗ trợ khi trẻ đã sẵn sàng.

Không phải IQ hay EQ, bà mẹ ở TP.HCM chỉ ra đây mới chính là CHỈ SỐ quyết định thành công của trẻ: 5 cách đơn giản để vun bồi cho con - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Bố mẹ cần cho trẻ trải qua một số tình huống khó khăn. Ví dụ, con đã quên làm bài tập ở trường và ngày nộp bài đã hết. Nếu trẻ đủ lớn để tự mình trao đổi với thầy cô, trẻ nên trực tiếp nói lời xin lỗi với thầy cô. Nếu phản ứng của giáo viên là tiêu cực và không hợp lý, thì bố mẹ có thể can thiệp. Khi trẻ lớn lên, bố mẹ nên lùi lại và để đứa trẻ điều hướng trải nghiệm của mình. Tuy nhiên, bố mẹ cần phải can thiệp nếu đứa trẻ bị đối xử bất hợp lý hoặc bị thao túng theo một cách nào đó.

3. Để con làm việc nhà

Cũng giống như quản lý các tình huống khó khăn, trẻ em cần học cách quản lý các tình huống mà chúng không thích nhưng bắt buộc phải làm. Một cách rất hiệu quả để rèn luyện tính kỷ luật này cho chúng là cho trẻ tham gia vào việc nhà như gấp quần áo, tưới cây, cắt rau, rửa xe hoặc đổ thùng rác. Không nên phân biệt trẻ trai thì làm việc nặng, trẻ gái thì làm việc nhẹ. Phân công làm việc nhà nên được tiến hành theo độ tuổi, sức khỏe và khả năng nhận biết của trẻ. Không nên dùng định kiến về giới để giao việc nhà như trẻ trai thì không làm các công việc bếp núc.

4. Rèn cho con thói quen nhìn vào khía cạnh tươi sáng của vấn đề

Một tình huống không hoàn toàn xấu hoặc tốt. Góc nhìn khác khiến cho nhận thức của trẻ sẽ khác và hành động cũng khác. Khi trẻ gặp một tình huống bất như ý, thay vì tập trung vào điều mất mát, hãy khuyến khích con nhìn vào khía cạnh tươi sáng, những điều tốt đẹp đằng sau, những bài học thông qua thất bại. Đồng thời hướng trẻ tập trung vào giải pháp thay vì tập trung vào vấn đề, chỉ khiến mọi thứ ngày càng xấu đi. Cùng con thực hành lòng biết ơn, ghi ra 3 đến 5 điều nhỏ mà con biết ơn mỗi ngày là cách khuyến khích trẻ sống trong trạng thái "đủ đầy".

5. Đưa ra đề xuất, không phải giải pháp

Không ai có thể mong đợi người khác giải quyết vấn đề của họ suốt cuộc đời. Khả năng giải quyết vấn đề của một người thường là thước đo mức độ anh ta có thể biến những tình huống bất lợi thành có lợi cho mình. Khi con bạn nói với bạn rằng có điều gì đó khó khăn, hoặc con có vấn đề, tất cả các bậc cha mẹ đều có xu hướng đưa ra giải pháp ngay lập tức. 

Chị Võ Phượng My

Không có hạt giống nào trở thành cây đại thụ chỉ sau một đêm, cũng không có đứa trẻ nào trở nên kiên cường sau một vài năm rèn giũa. Hành trình này là nhiều năm, cũng có thể là cả đời. Nhiệm vụ của bố mẹ là vun đắp cho trẻ đến tuổi thành niên, thời gian còn lại trẻ sẽ biết cách để tự rèn luyện cho mình.

Điều quan trọng là bố mẹ phải chống lại sự cám dỗ đó và thay vào đó hãy đưa ra những gợi ý thay vì đưa ra giải pháp ngay lập tức hoặc thay con giải quyết vấn đề của con. Đứa trẻ sẽ có thể suy nghĩ và chọn một trong những gợi ý của bạn, và hành động theo nó. Khi lớn hơn, trẻ sẽ có thể nghĩ ra nhiều giải pháp cho một vấn đề nhất định và chọn cách tốt nhất cho mình.

Mọi cái cây đều lớn lên khi được tưới tẩm và vun đắp đúng cách. Nghị lực ví như bộ rễ của một cái cây, rễ càng cắm sâu, cây càng dễ dàng vượt qua giông tố. Để nuôi dưỡng bộ rễ khỏe mạnh và cắm sâu vào lòng đất này, bố mẹ cần phải rèn luyện sự kiên cường trước, làm gương cho trẻ. Đồng thời kiên nhẫn rèn nghị lực cho trẻ. Nội lực là sự mài giũa được tính bằng năm, không tính bằng tháng, bằng ngày. Do vậy, nếu thấy con chưa đủ vững chãi, hãy dùng tình yêu thương cũng sự nhẫn nại nuôi dưỡng chỉ số vượt khó cho con.

https://afamily.vn/khong-phai-iq-hay-eq-ba-me-o-tphcm-chi-ra-day-moi-chinh-la-chi-so-quyet-dinh-thanh-cong-cua-tre-5-cach-don-gian-de-vun-dap-cho-con-20220411173718021.chn