Ngành vừa có mức lương cao vừa khát nhân lực
Cuối năm 2023, ManpowerGroup Việt Nam đã chính thức công bố Hướng dẫn Lương 2024. Cuốn cẩm nang này đã giới thiệu chi tiết thông tin tổng quan về thị trường lao động với 10 nhóm ngành chính bao gồm mức lương của hàng trăm vị trí thuộc mọi cấp bậc dựa trên những số liệu thực tế và phân tích dự đoán của chuyên gia ManpowerGroup Việt Nam.
Trong đó, ở năm 2024, Tài chính - Ngân hàng tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong những ngành nghề có mức lương cao nhất. Theo sau đó là nhóm ngành số hóa, truyền thông & công nghệ thông tin với những công việc có thu nhập tốt nhất thuộc mảng phần mềm và công nghệ thương mại điện tử.
Theo Báo cáo thị trường Tuyển dụng 2023 và Nhu cầu tuyển dụng 2024 của TopCV, đối với nhân viên dưới 1 năm kinh nghiệm của ngành ngân hàng/tài chính, mức lương trung vị thấp - cao dao động 7-10 triệu đồng/tháng. Lương sẽ gia tăng lên 10-17 triệu đồng/tháng đối với nhân viên từ 1-4 năm kinh nghiệm. Đối với vị trí trưởng phòng (4-6 năm kinh nghiệm), mức lương có thể đạt 23 triệu đồng/tháng. Mức lương có thể lên đến 32 triệu đồng/tháng đối với vị trí quản lý/trưởng phòng (6-13 năm).
Theo Báo cáo tài chính riêng lẻ của của 27 ngân hàng niêm yết ở nước ra, trong quý I/2024, các ngân hàng đã bỏ ra hơn 25.000 tỷ đồng để chi trả chi phí cho nhân viên. Ước tính, thu nhập bình quân mỗi tháng của nhân viên ngân hàng đạt khoảng 35,8 triệu đồng. Một số ngân hàng còn chi trả nhân viên với số tiền cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Như Ngân hàng Techcombank dẫn đầu khi trung bình mỗi nhân viên tại đây được trả hơn 49 triệu đồng/tháng. Xếp ngay sau là mức thu nhập của nhân viên đang làm việc tại các ngân hàng như MB, TPBank, Vietcombank, Vietinbank… tất cả đều trên 40 triệu đồng/tháng.
Không chỉ có mức lương hấp dẫn, theo các chuyên gia dự báo đến năm 2025, nhu cầu nhân lực cấp cao ngành tài chính ngân hàng sẽ tăng khoảng 20%/năm. Trong đó, trình độ đại học trở lên, cao đẳng chiếm tỷ lệ 80,4% nhu cầu. Riêng tại TP.HCM, nhu cầu nhân lực nhóm ngành này đến năm 2025 chiếm tỉ trọng 5% (khoảng 15.000 lao động) tổng số việc làm cần tuyển hàng năm.
Học ngành Tài chính - Ngân hàng ở đâu?
Với cơ hội việc làm rộng mở, tài chính ngân hàng đang là ngành học được nhiều sĩ tử và các bậc phụ huynh quan tâm. Đây là ngành kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ thông qua các công cụ tài chính, ngân hàng. Mục đích nhằm bảo lãnh, thanh toán, chi trả ở cả nội địa và quốc tế. Có thể chia ngành Tài chính ngân hàng thành nhiều lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau như: Ngân hàng, Tài chính thuế, Tài chính bảo hiểm, Kinh tế học tài chính, Phân tích tài chính…
Sinh viên theo học ngành này được cung cấp đầy đủ kiến thức trong lĩnh vực phân tích tài chính, đầu tư trên thị trường vốn, thị trường tiền tệ trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đồng thời, sinh viên cần nắm chắc kiến thức, thực hành các nghiệp vụ trong ngân hàng thương mại, có khả năng phân tích, dự báo các vấn đề liên quan đến tài chính, tiền tệ. Từ đó có thể đưa ra các quyết định trong quản trị tài chính.
Cử nhân sau khi tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng có thể làm việc tại ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính – ngân hàng, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, công ty kiểm toán, quỹ đầu tư, các công ty kinh doanh bất động sản, chứng khoán, cục thuế, cục hải quan, công ty tài chính, bảo hiểm, quỹ tín dụng…
Hiện nay, ở nước ta, một số trường đang đào tạo ngành tài chính ngân hàng, bao gồm: Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Thương mại, ĐH Ngoại thương, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Tài chính – Marketing, ĐH Kinh tế TP.HCM…
Trong kỷ tuyển sinh năm 2023, mức điểm chuẩn của ngành này tại các trường đại học dao động từ 24,2-27,1 điểm. Trong đó, ngành Tài chính - Ngân hàng tại ĐH Kinh tế quốc dân có mức điểm chuẩn cao nhất cả nước, 27,1 điểm. Trung bình, mỗi thí sinh cần đạt được ít nhất hơn 9 điểm/môn mới có cơ hội theo học.