Đối với trẻ sơ sinh, khóc là phương tiện giao tiếp đầu tiên và chủ yếu, nó là dấu hiệu cho thấy bé của bạn có sức khỏe tốt khi được sinh ra. Khi ra khỏi bụng mẹ, tiếng khóc đầu tiên của bé sẽ kích thích phổi bé bắt đầu làm việc. Trẻ sơ sinh khóc khi chào đời có nghĩa là bé có thể tự thở được và điều này còn giúp làm sạch phần nước ối còn sót lại trong phổi và mũi của bé. Nếu trẻ không khóc luôn thì có thể trẻ đã mắc phải hội chứng hít phân xu. Nguyên nhân là do trẻ hít phải nước ối có chứa phân xu khiến phân xu xâm nhập vào đường hô hấp và phổi của trẻ làm tắc nghẽn hoặc gây trở ngại cho đường thở của bé. Tuy nhiên, với những điều trị kịp thời, hầu hết các bé sẽ trở lại bình thường.
Sau lần khóc đầu tiên, bé sẽ tiếp tục sử dụng tiếng khóc của mình trong những năm tháng tiếp theo của cuộc đời. Nhiều bố mẹ sẽ băn khoăn liệu trẻ sơ sinh khóc có ảnh hưởng gì tới sức khỏe và tinh thần hay không? Thế nhưng câu trả lời lại khiến nhiều cha mẹ bất ngờ vì khóc lại mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ hơn cả những tác hại mà nó gây ra.
Những lợi ích mà tiếng khóc mang lại cho trẻ
Tiếng khóc mang lại nhiều lợi ích hơn hẳn những tác hại mà nó gây ra cho trẻ (Ảnh minh họa).
Giúp bé giao tiếp
Khóc giúp bé giao tiếp với người xung quanh. Bằng cách khóc, bé sẽ nói với bố mẹ hoặc những người đang chăm sóc những nhu cầu của mình. Mỗi lần bé khóc, bố mẹ hãy cố gắng lắng nghe và quan sát hành vi, ngôn ngữ cơ thể và nét mặt của bé. Theo thời gian, bạn sẽ hiểu và có thể giải thích các loại tiếng khóc khác nhau để có hành động tương ứng. Ví dụ, khi bé đói, bé sẽ khóc to một lúc lâu kèm với hành động mút tay.
Giúp tâm lý khỏe mạnh, hạnh phúc
Bằng cách đáp ứng nhanh chóng và thích hợp mỗi lần bé khóc sẽ giúp bé tăng cường cảm giác an toàn. Hãy ôm bé thật chặt, hãy làm bé dịu đi bằng giọng nói, nhịp tim và mùi cơ thể của bạn. Việc để mặc bé khóc trong một thời gian dài có thể gây hại cho sự phát triển về tình cảm và tâm lý của trẻ. Trẻ sơ sinh khóc trong thời gian dài hơn cũng có nồng độ hoc môn căng thẳng cao bất thường trong khi hoc môn tăng trưởng lại thấp bất thường. Điều này ức chế sự phát triển của các mô thần kinh của não bộ, ngăn chặn sự phát triển và làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ. Và kết quả là trẻ có thể tìm thấy cảm giác thoải mái bằng việc mút ngón tay cái hoặc trở nên gắn bó với thú nhồi bông hay chăn để làm tê liệt cảm giác căng thẳng, buồn bã của mình.
Giúp kéo căng cơ bắp
Nếu trẻ không phải khóc vì căng thẳng hay đau ốm, việc khóc bình thường từ 5 đến 20 phút là một bài tập tốt cho phổi cũng như giúp kéo căng tay, chân và cơ bụng của trẻ.
Giúp giảm căng thẳng
Giống như người lớn, trẻ em cũng cần có chỗ để giải phóng cảm xúc. Việc ôm ấp em bé đầy thương yêu và cho phép trẻ khóc đến khi chúng có thể giải phóng cảm xúc căng thẳng của trẻ. Điều này sẽ giúp bé thư giãn, và do đó sẽ giúp bé ngủ yên và sâu giấc hơn.
Giải thích tiếng khóc của trẻ
Bố mẹ cần phải hiểu được ý nghĩa của tiếng khóc của trẻ để có phản ứng phù hợp nhất (Ảnh minh họa).
Tiếng khóc mang lại những lợi ích đáng kể nhưng nếu để trẻ khóc quá lâu lại có những tác hại khôn lường. Bố mẹ cần phải hiểu được tiếng khóc của trẻ để có hành động và phản ứng phù hợp nhất.
Trẻ khóc do mệt mỏi: Trẻ khóc thét lớn, khuôn mặt giống như đang ngáp ngủ và nếu bé mệt mỏi bé có thể sẽ dụi mắt. Tiếng khóc của bé bắt đầu từ từ và nhẹ nhàng sau đó tăng dần cường độ lên.
Trẻ khóc do buồn chán hoặc muốn được chú ý: Trẻ khóc những tiếng ngắn và nhẹ. Trẻ sẽ dừng khóc khi được bạn nói chuyện hoặc xoa bụng.
Trẻ khó chịu do trào ngược dạ dày hoặc thực quản: Nếu bị đau bụng, bé sẽ khóc rất to và kéo dài trong khi mặt đỏ lên, tay nắm chặt, chân co lên phía bụng. Nếu bé cong lưng lên khi đang bú, bé khóc và trớ nhiều thì đó là dấu hiệu của trào ngược dạ dày hoặc thực quản.
Trẻ bị đau hoặc khó chịu: Lúc này trẻ khóc để giải tỏa căng thẳng và thu hút sự chú ý. Giọng bé khóc nghe như than vãn, bé có thể dừng lại giữa chừng và đột nhiên khóc to hơn. Hãy kiểm tra xem tã bỉm của bé có bị ướt hay bẩn hoặc bé đang bị quá nóng hay quá lạnh không.
Trẻ cảm thấy không khỏe: Tiếng khóc của bé nghe yếu và nhẹ. Thông thường lúc này bé muốn được bế ẵm suốt.
Một số cách dỗ bé nín khóc
Nếu trẻ khóc quá lâu, lợi ích có thể biến thành tác hại (Ảnh minh họa).
Nếu trẻ khóc quá lâu, lợi ích có thể biến thành tác hại và vì thế bố mẹ có thể dỗ trẻ nín khóc bằng một số cách sau:
- Sử dụng tiếng ồn trắng. Âm thanh như tiếng thác nước chảy hay tiếng máy giặt sẽ giúp làm dịu cơn quấy khóc của trẻ vì nó giống như âm thanh trẻ nghe thấy trong bụng mẹ.
- Hãy kiểm tra xem nhãn quần áo có làm bé khó chịu không hoặc miếng dán của bỉm có dính vào da bé hay không.
- Cho bé một thứ gì đó để ngậm như núm ti giả, ngón tay hoặc ti mẹ.
- Ôm bé vào ngực và thể hiện tình yêu với bé bằng nụ hôn trong khi vẫn nhìn bé âu yếm.
- Đặt bé trong nôi rung. Vừa đu đưa bé trên tay vừa hát hoặc nhẹ nhàng vuốt ve lưng bé. Bạn cũng có thể đặt bé lên xe đẩy và đi xung quanh để bé dễ chịu hơn.
- Cho bé tắm nước ấm để giúp bé thư giãn và giúp tăng nồng độ melatonin giúp bé bình tĩnh và ngủ ngon hơn.
- Nhẹ nhàng xoa lưng và mát xa cơ thể để giúp bé dễ chịu.
Nguồn: Parents