Nhiều cha mẹ hiểu rõ tác dụng của việc đọc sách đối với tương lai của một đứa trẻ. Vì thế, ngay từ khi con còn nhỏ, họ cố gắng tìm cách giúp con mình yêu thích việc đọc sách. Tuy nhiên, trái ngược với sự kỳ vọng của cha mẹ, trẻ thường không có hứng thú với thói quen này.
Nguyên nhân khiến trẻ không thích đọc sách là gì?
Khi tìm hiểu nguyên nhân, các chuyên gia giáo dục nhận ra các bậc phụ huynh đã mắc phải một số sai lầm trong việc trau dồi cho trẻ thói quen đọc sách như sau:
- Mua nhiều sách nhưng không giám sát
Một số phụ huynh cho rằng, mua nhiều sách cho con có thể giúp chúng làm quen với sách vở và dần yêu thích việc đọc hơn. Tuy nhiên trên thực tế, trẻ em vốn dĩ rất ham chơi, khả năng tập trung còn hạn chế, rất khó để phát triển thói quen đọc sách một cách độc lập.
- Không chọn sách theo sở thích của trẻ
Trong những ngày đầu rèn cho trẻ thói quen đọc sách, cha mẹ thiếu kinh nghiệm rất dễ bỏ qua tuổi tác, tính cách, sở thích của con cái mà chỉ dựa trên những gì mình cho là bổ ích.
Chẳng hạn như trẻ thích sách về khủng long nhưng cha mẹ lại cho rằng sách dạy làm người sẽ tốt hơn. Việc mua sách theo sở thích của cha mẹ sẽ làm thui chột lòng say mê với sách của trẻ, làm giảm hiệu quả của việc đọc sách mang lại.
- Kỳ vọng trẻ hiểu hết những gì có trong sách
Sau khi đọc xong một quyển sách, một số cha mẹ sẽ đặt câu hỏi nhưng nếu trẻ không trả lời được hoặc trả lời sai, họ sẽ nói những câu nhận xét rất tiêu cực. Việc quá chú trọng tới tác dụng nhanh chóng của việc đọc sách khiến trẻ nhanh chán nản, từ đó chống lại mong muốn của cha mẹ.
Tại sao nên phát triển thói quen đọc sách sớm cho trẻ?
Theo thống kê của UNESCO, mỗi năm Israel là quốc gia có số lượng người đọc sách nhiều nhất trên thế giới. Điều này là do người Do Thái biết cách chú trọng và trau dồi việc đọc sách cho con cái ngay từ sớm.
Lần đầu tiên cho con cái tiếp xúc với sách, người Do Thái sẽ nhỏ 1 giọt mật ong lên sách để cho con liếm và nói rằng "sách ngọt như mật ong vậy".
Ngoài ra, não bộ của trẻ phát triển nhanh từ 0 – 3 tuổi. Việc kích thích não bộ bằng cách đọc sách cho trẻ nghe trong giai đoạn này sẽ giúp hình thành thói quen yêu thích việc đọc ngay từ sớm.
Có 4 cách giúp phát triển thói quen đọc sách cho trẻ như sau:
1. Cha mẹ thường xuyên đọc sách cho con nghe.
2. Cha mẹ đọc nhiều sách hơn và làm gương cho con cái.
3. Trau dồi thói quen đọc sách cho con cái bằng cách vào 1 khoảng thời gian cố định trong ngày sẽ đọc hoặc kể cho con nghe 1 câu chuyện. Ví dụ, đọc cho con nghe 1 câu chuyện khoảng 10 phút trước khi đi ngủ mỗi ngày.
4. Ở nhà nên có một góc đọc sách, tạo điều kiện cho con cái dễ lấy nhất.
Muốn con thích đọc sách, cha mẹ nên làm gì?
1. Chọn sách theo sở thích và độ tuổi phù hợp với trẻ
Ví dụ, trẻ ở giai đoạn mầm non thích hợp đọc những cuốn sách có hình ảnh nhiều hơn chữ. Khi trẻ biết đọc thì chọn những cuốn sách dễ hiểu, ít hình ảnh hơn 1 chút và quan trọng nhất là chọn mua sách theo sở thích của trẻ.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ đọc những cuốn sách thuộc dạng kinh điển của thế giới, đó có thể là sách văn học của các tác giả nổi tiếng.
2. Tạo môi trường đọc sách thoải mái
Môi trường đọc sách tại nhà cần phải thoải mái và dễ chịu, nó không chỉ có thể cải thiện sở thích đọc sách của trẻ mà còn giúp gắn kết nối quan hệ cha mẹ - con cái chặt chẽ hơn.
Ví dụ, khi cha mẹ kể chuyện cho trẻ nghe, hãy bắt chước âm thanh của động vật, hoặc mô phỏng tiếng máy móc chạy, tiếng gió...
Khi đọc sách cho trẻ nghe, cha mẹ hãy tạo sự kết nối giữa sách và cuộc sống hàng ngày. Điều này sẽ khiến trẻ thích đọc hơn, đồng thời cũng giúp trẻ hiểu và dễ dàng kể lại những gì đã đọc.
Ngoài ra, sau khi đọc hoặc kể chuyện xong, cha mẹ và con cái nên trao đổi với nhau về những gì có trong cuốn sách. Cần lưu ý rằng, nếu trẻ chủ động tham gia thảo luận, cha mẹ cần khẳng định và khen ngợi hành động của trẻ.
3. Đọc cho trẻ nghe những câu chuyện chúng thích
Nếu trẻ nói về một thứ gì đó nhiều lần hoặc tỏ ra say mê với một câu chuyện nào đó, cha mẹ đừng ngại ngần kể đi kể lại câu chuyện đó cho trẻ nghe. Đây là cơ hội để cha mẹ khai sáng cho trẻ về con đường yêu thích việc đọc sách sau này.