Tuyên Thái hậu
Tuyên Thái hậu không rõ năm sinh, mất năm 265 TCN, là Thái Hậu nước Tần thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Bà là phi tần của Tần Huệ Văn vương Doanh Tứ, và là mẫu thân của Tần Chiêu Tương vương Doanh Tắc.
Tên thật, song thân và thời gian sinh cũng như thời niên thiếu của Tuyên Thái hậu không được ghi chép lại. Chỉ biết bà họ Mị, người nước Sở. Bà làm phi tần của Tần Huệ Văn vương, có hiệu là "Bát Tử", nên còn được gọi là Mị Bát Tử.
Nếu ai đã từng quan tâm và yêu thích bộ phim "Mị Nguyệt truyện" do Tôn Lệ thủ vai chính, thì có thể biết thêm rằng Mị Bát Tử chính là nguyên mẫu để người ta xây dựng nên bộ phim này.
Tạo hình của Tôn Lệ trong phim "Mị Nguyệt truyện" được cho là lấy hình tượng từ Tuyên thái hậu.
Năm 325 TCN, Mị Bát Tử sinh hạ công tử Tắc (tức Tần Chiêu Tương vương sau này). Sau đó, bà tiếp tục sinh hạ thêm cho Tần Huệ Văn vương 2 công tử nữa là công tử Thị và công tử Khôi.
Năm 311 TCN , Tần Huệ Văn vương qua đời, Công tử Đãng tức Tần Vũ vương lên kế thừa ngôi vị. Tuy nhiên, Tần Vũ vương chỉ ở ngôi được 4 năm thì chết vì tai nạn.
Tần Vũ vương không có con trai dẫn đến việc các em trai của Tần Vũ vương thi nhau tranh đoạt vương vị.
Lúc bấy giờ, thực lực mạnh nhất là công tử Tráng - người con trai lớn nhất còn sống của Huệ Văn vương.
Thế nhưng khi Triệu Vũ Linh vương (vị vua thứ sáu của nước Triệu - chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc) can thiệp vào chính trị của nước Tần, ông đã cho quân hộ tống con trai cả của Mị Bát Tử là công tử Tắc, vốn đang đang làm con tin ở nước Yên, quay về nước Tần.
Mị Bát Tử dựa vào thế lực của người em cùng cha khác mẹ với mình là Đại phu Ngụy Nhiễm, bấy giờ đang tạm cầm quyền chăm lo triều chính, để đưa công tử Tắc lên ngôi, lấy danh hiệu là Tần Chiêu Tương vương. Với thân phận mẫu sinh của Hoàng đế, Mị Bát Tử được tôn làm Tuyên Thái hậu.
Người phụ nữ đầu tiên nhiếp chính của Trung Hoa cổ đại
Sau khi Tần Chiêu Tương Vương lên ngôi, lấy cớ Hoàng đế tuổi còn nhỏ chưa thể chấp chính, vì thế Tuyên Thái Hậu thay mặt toàn quyền đứng ra xử lý triều chính.
Sau khi lên nắm quyền, Tuyên Thái hậu nhất mực trọng dụng và phong cho Ngụy Nhiễm làm Thừa tướng; Nhương hầu Mị Nhung, em ruột của bà, được phong làm Hoa Dương quân; còn hai người con khác của bà là Công tử Khôi và Công tử Phất cũng lần lượt được phong là Kinh Dương quân và Cao Lăng quân. Sử sách gọi đây là bộ "Tứ quý" cùng với Tuyên Thái Hậu nắm toàn bộ quyền lực, lấn át hoàn toàn Tần Chiêu Tương vương.
Tuyên Thái Hậu nắm toàn bộ quyền lực, lấn át hoàn toàn Tần Chiêu Tương vương (Ảnh minh họa)
Tuyên Thái Hậu chưa nhiếp chính được bao lâu thì năm 305 TCN, công tử Tráng liên hợp đại thần và các công tử khác nổi loạn nhằm lật đổ Tần Chiêu Vương.
Rất may, nhờ vào tài chí nhanh nhạy của mình, Tuyên Thái hậu đã cùng Thừa tướng Ngụy Nhiễm đánh bại tất cả, xử tử Huệ Văn hậu, công tử Ung, công tử Tráng.
Sau khi dẹp yên nội loạn, nước Tần dưới sự dẫn dắt của Tuyên Thái Hậu dần dần đi vào bình ổn, đồng thời trở nên nổi tiếng với đội quân hùng mạnh và thiện chiến của mình.
Đến năm 293 TCN, hai nước Hàn, Ngụy lo sợ trước sự lớn mạnh của quân Tần nên đã liên minh 24 vạn quân đánh Tần.
Mặc dù khi đó quân đội nước tần chỉ có 13 vạn quân nhưng đều thuộc hàng tinh binh, thiện chiến nên hai nước Hàn, Ngụy không giám liều mình tấn công mà chỉ dám kéo quân đến giáp biên nước Tần, đào hào, đắp thành tại các con sông gần đó.
Tướng quân nước Tần khi đó là Bạch Khởi biết được hai nước Hàn, Ngụy vẫn còn sự hiềm khích lẫn nhau nên đã dùng kế cho hai nước trở mặt, bỏ mặc lẫn nhau.
Quân Hàn cho rằng quân Ngụy không thực lòng liên minh nên đem quân về nước, nước Ngụy thân cô thế nên bị quân Tần đuổi giết, toàn bộ tan tác.
Nước Tần thừa thắng xông lên, tiến quân về phía nước Hàn tiêu diệt toàn bộ quân đội nước Hàn. Kết quả 24 vạn quân của Hàn, Ngụy bị quân Tần tiêu diệt, chủ tướng Công Tôn Hỉ của liên quân cũng bị bắt sống.
Hai nước Hàn, Ngụy phải đem lễ sang xin cầu hoà và cắt đất xin quy thuận nước Tần. Đây có thể nói là một trận chiến có ý nghĩa vô cùng to lớn, giúp nước Tần củng cố nền tảng cho sự thống nhất thiên hạ của mình sau này.
Đến năm 287 TCN, năm nước Tề, Triệu, Ngụy, Hàn và Sở cậy thế liên minh muốn chống lại nước Tần, nhưng lại một lần nữa, liên minh năm nước theo kế hợp tung của Công Tôn Diễn bị thất bại phải tan quân rút lui ở Thành Cao.
Có thể nói, dưới bàn tay cai trị của Tuyên Thái hậu, nước Tần đã phát triển và vươn hẳn lên một vị thế mới.
Thoái vị nhưng tên tuổi mãi lưu danh trong sử sách
Năm 271 TCN, một người nước Ngụy có tên là Phạm Thư đã đến nước Tần, và được Tần Chiêu Tương vương đem lòng trọng dụng.
Phạm Thư tâu với Tần Chiêu Tương vương rằng "Tứ quý" và Thái hậu quyền lực lớn, lấn át cả vua là điều không được và khuyên Hoàng đế nên tước lại quyền hành.
Tần Chiêu Tương vương đồng ý nghe theo, phế quyền lực của Tuyên Thái hậu, bắt lui về cung riêng; sau đó đuổi Ngụy Nhiễm về phong ấp, đuổi Hoa Dương quân, Cao Lăng quân và Kính Dương quân ra biên cương.
Hơn 40 năm nhiếp chính và đưa nước Tần phát triển hưng thịnh, Tuyên Thái Hậu thật sự xứng danh là nữ Hoàng Đế đầu tiên của Trung Quốc (Ảnh minh họa)
Thế nhưng khi Tuyên thái hậu bị "tước quyền", tính ra bà cũng đã nhiếp chính được hơn 40 năm. Suốt quãng thời gian ấy, Tần Chiêu Tương vương chỉ sống ở Lục Anh cung và Li cung, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Ông ở đó trên danh nghĩa chữa bệnh, chẳng một lần được nhúng tay vào triều chính. Nước Tần khi ấy hưng thịnh và trở thành tiền đề vững chắc cho sự xưng bá "Thất hùng" sau này thực chất đều do một tay Tuyên Thái Hậu gây dựng mà ra.
Có thể thấy, tuy Tuyên Thái Hậu chỉ buông rèm nhiếp chính chứ không tự mình xưng đế như Võ Tắc Thiên , nhưng nếu so với quãng thời gian cai trị thiên hạ 15 năm của Võ Mỵ Nương thì 40 năm của Tuyên Thái Hậu lại dài hơn rất nhiều.
Không những thế, trong những năm tháng trị vì ấy, Tuyên Thái Hậu còn là người có công nhiều lần dẹp yên nội loạn, đuổi tan giặc ngoài, bình ổn đất nước và mở mang bờ cõi. Chỉ với điều đó, bà thật sự xứng danh là nữ Hoàng Đế đầu tiên của Trung Quốc.