Theo đó, Bệnh viện Phong - Da liễu TW Quy Hòa cho biết, các bác sĩ vừa điều trị thành công và cho xuất viện ca bệnh nhiễm vi khuẩn Vibrio Vulnificus hiếm gặp gây bệnh cảnh nặng nề.

Bệnh nhân L.C. trong lúc đánh cá trên biển thì va phải cạnh sắt của chiếc thuyền thúng bị chảy máu chân trái. Về nhà 2 ngày sau, bệnh nhân xuất hiện vùng hoại tử màu đen ở vùng vết thương, kèm theo nhiều bọng nước màu nâu đen phân bố quanh vùng vết thương. Người nhà đưa bệnh nhân C. nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, sốt cao kèm thương tổn ở chân lan rộng, hoại tử nhiều.

Qua các xét nghiệm, bác sĩ xác định ông C. bị sốc nhiễm trùng da nặng do nhiễm vi khuẩn Vibrio Vulnificus. Ngay lập tức, bệnh nhân được cho điều trị bằng cách dùng kháng sinh mạnh, cắt lọc mảng mô bị hoại tử... Sau 6 ngày điều trị, thương tổn bầm máu lặn dần, thương tổn hoại tử khô, không xuất hiện bọng nước mới hay thương tổn thứ phát.

Từ ca bệnh trên, có không ít người muốn biết rõ về vi khuẩn Vibrio Vulnificus (còn gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”) rất nguy hiểm này.

Không phải Whitmore, vi khuẩn này cũng được mệnh danh là "vi khuẩn ăn thịt người" - Ảnh 1.

Vi khuẩn Vibrio Vulnificus lây qua vết thương hở.

Vi khuẩn Vibrio Vulnificus nguy hiểm thế nào?

Trên thực tế không có một loại vi khuẩn nào có thể ăn thịt người theo đúng nghĩa đen, mà cụm từ “vi khuẩn ăn thịt người” được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông về bản chất là các vi khuẩn gây hiện tượng viêm cân mạc hoại tử (necrotizing fasciitis - NF). Viêm cân mạc hoại tử là một nhiễm khuẩn sâu dưới da không thường gặp, tốc độ tiến triển rất nhanh, có nguyên nhân do độc tố của vi khuẩn gây viêm dẫn tới phá hủy các mô liên kết, mô mỡ và mô cơ.

Vi khuẩn hay gây viêm cân mạc hoại tử nhất là liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A (group A beta hemolytic streptococcal - GABHS). Ngoài ra còn nhiều loại vi khuẩn khác gây viêm cân mạc hoại tử như: Vibrio vulnificus, tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), Klebsiella, Clostridium (Clostridium perfringens, Clostridium septicum,...), E. coli, Aeromonas hydrophila,...

Viêm cân mạc hoại tử thường được phân làm 2 loại. Viêm cân mạc hoại tử loại I là do nhiễm khuẩn hỗn hợp (nhiễm nhiều loại vi khuẩn). Viêm cân mạc hoại tử loại II là do nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A. Trên thực tế, viêm cân mạc hoại tử loại II chiếm đa số trường hợp. Tuy nhiên do hiện tượng thay đổi khí hậu, nước biển ấm lên phù hợp với sự sinh trưởng của Vibrio Vulnificus nên người ta thấy sự gia tăng của các ca bệnh viêm cân mạc hoại tử có nguyên nhân do Vibrio Vulnificus.

Đường lây nhiễm của vi khuẩn Vibrio vulnificus

Vibrio Vulnificus là phẩy khuẩn gram âm có khả năng di động. Vibrio Vulnificus thường thấy ở các vùng biển nước ấm và sinh trưởng tốt khi nhiệt độ nước từ 20 độ C trở lên. Vibrio Vulnificus không có mối liên quan với sự ô nhiễm. Vi khuẩn Vibrio Vulnificus thường ký sinh trong các loại hải sản như tôm, ốc, cá biển... Vi khuẩn Vibrio Vulnificus sẽ đi vào cơ thể qua các vết thương hở. Vi khuẩn này có khả năng gây bệnh từ nhẹ đến nặng, từ viêm dạ dày ruột đến sốc nhiễm trùng... Ngoài viêm cân mạc hoại tử, Vibrio Vulnificus còn có thể gây nhiễm khuẩn hệ thống tối cấp rất nghiêm trọng khi ăn các loại hải sản bị nhiễm khuẩn không được chế biến kỹ (bao gồm tôm, cá, nghêu,... và đặc biệt là hàu sống), với tỷ lệ tử vong trung bình có thể lên tới 50%.

Ai dễ nhiễm vi khuẩn Vibrio Vulnificus?

Những người có thói quen ăn sống các loại hải sản và những người có vết thương hở tiếp xúc với vùng nước biển ấm mà Vibrio Vulnificus hiện diện là những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất và những người có bệnh lý nền, đặc biệt là những người có bệnh gan mạn và suy giảm miễn dịch thậm chí còn đối mặt với nguy cơ cao hơn.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thì những người có bệnh gan mạn tính hoặc có các vấn đề bệnh lý gây suy giảm miễn dịch cũng như đang sử dụng các thuốc điều trị gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch cần hết sức cẩn thận trước Vibrio Vulnificus, bởi có thể xảy ra nhiễm khuẩn nghiêm trọng dẫn đến tử vong.

Triệu chứng và diễn tiến của bệnh:

Một vết thương hở bị vi khuẩn Vibrio Vulnificus xâm nhập có thể tiến triển thành vết loét màu đỏ, chảy mủ, kèm theo những vằn đỏ, kích thước phát triển tăng dần, sau đó là hoại tử. Những người có hệ miễn dịch yếu có thể có các triệu chứng như: sốt, rét run, tụt huyết áp nghiêm trọng đi kèm với sốc và các tổn thương phỏng nước chứa mủ trên da.

Những người ăn hải sản sống bị nhiễm Vibrio Vulnificus có thể xuất hiện đột ngột các dấu hiệu và triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng.

Do đó nếu đang có vết thương hở hoặc tổn thương da thì không nên xuống nước, đồng thời không nên ăn sống các loại hải sản, đặc biệt là món hàu sống.

Nếu gặp phải những dấu hiệu như trên, hãy đi cấp cứu ngay lập tức.