Một trong những thị trấn lạnh nhất Trái Đất có thể sẽ phá kỷ lục về nhiệt độ và điều đó đang khiến các nhà khoa học vô cùng lo lắng. Cụ thể, ngày 20/6 vừa qua, nhiệt độ ghi nhận tại thị trấn Verkhoyansk ở Siberia đã đạt ngưỡng 40 độ C - mức nhiệt được cho là cao nhất trong lịch sử Bắc Cực. Theo Washington Post, đến ngày 21/6, nhiệt độ ở Verkhoyansk vào khoảng 35 độ C, cho thấy mức nhiệt cao không phải chỉ xảy ra ngày một ngày hai.
Verkhoyansk là nơi sinh sống của 1.300 cư dân, cách thủ đô Moscow (Nga) khoảng 4.800 km về phía đông. Đây được coi là nơi khắc nghiệt bậc nhất thế giới với mức nhiệt thấp nhất vào mùa đông trung bình là âm 69 độ C và mức cao nhất vào mùa hè là 37,2 độ C.
Một góc thị trấn Verkhoyansk.
Nhà khí tượng học và chuyên gia khí hậu của CBS News, Jeff Berardelli cho biết mức nhiệt 40 độ C tại hoặc ở khu vực gần Bắc Cực là chưa từng có trước đây. Hiện các nhà khoa học và nhà nghiên cứu khí tượng đang làm việc để xác nhận kỷ lục đáng báo động này.
Theo ông, nhiệt độ trung bình trên khắp nước Nga từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay hoàn toàn khớp với những gì các mô hình hiện tại dự đoán là sẽ trở thành điều bình thường của khu vực này vào năm 2100, nếu lượng khí thải carbon tiếp tục tăng như hiện tại.
Nhiệt độ tăng vọt đến hiếm thấy trong những tháng gần đây ở Vòng Bắc Cực là dấu hiệu của xu hướng biến đổi khí hậu do con người gây ra. Việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch đã góp phần khiến Bắc Cực nóng lên gấp 2 lần so với tốc độ trung bình toàn cầu. Thời gian gần đây, Bắc Cực đã phải chịu đợt sóng nhiệt lớn khiến nơi này nóng không khác gì các vùng xích đạo và cận xích đạo.
Trước ngày 20/6, Siberia đã trải qua một đợt nắng nóng phi thường. Nhiệt độ bề mặt ở đây cao hơn 10 độ C so với trung bình vào tháng 5. Vừa qua là tháng 5 nóng nhất trong khu vực kể từ khi kỷ lục nhiệt độ bắt đầu được ghi nhận từ năm 1979.
Khatanga, một ngôi làng ở Nga thuộc Vòng Bắc Cực đã ghi nhận nhiệt độ chưa từng thấy là 25 độ C vào tháng trước. Theo dự đoán, nhiệt độ trung bình vào tháng 1 ở Bắc Cực có thể tăng hơn 9 độ C đến năm 2080.
Freja Vamborg, một nhà khoa học chia sẻ: "Đây là dấu hiệu đáng báo động, tuy nhiên, không chỉ tháng 5 trở nên ấm áp lạ thường tại khu vực này mà rất nhiều nơi trên thế giới cũng trải qua một mùa đông với mức nhiệt cao hơn trung bình".
Nhà khoa học về khí hậu, Martin Stendel nói rằng mức nhiệt ghi nhận ở phía tây bắc Siberia là sự kiện "100.000 năm có 1" và tất cả là vì biến đổi khí hậu.
Nhiệt độ cao ở Bắc Cực mùa hè này đã ảnh hưởng lớn đến khu vực, đáng chú ý nhất là việc hàng loạt vụ cháy rừng đã thiêu rụi hơn 358.472 héc-ta rừng ở Cộng hòa Sakha (khu vực mà thị trấn Verkhoyansk nằm trong).
Thông thường, các vụ hỏa hoạn hay xảy ra vào những tháng mùa hè nhưng năm nay, nhiệt độ tăng và băng tan đã khiến chúng bắt đầu từ đầu năm. Tình trạng trên khiến các nhà khoa học lo ngại rằng nguy cơ của sự hủy diệt sinh thái với quy mô khổng lồ đang đến rất gần.
Theo Vox, CNN