Tình mẫu tử luôn là đề tài dễ gây xúc động, dễ đồng cảm cho các nhà sản xuất phim. Những năm gần đây, đề tài tình mẫu tử được đưa vào điện ảnh khá nhiều, không ít tác phẩm khi tấn công màn ảnh rộng đã được khán giả dành cho sự quan tâm đặc biệt.
Có bộ phim khiến khán giả day dứt ám ảnh mãi không thôi, có bộ phim làm khán giả mỉm cười hạnh phúc khi rời mắt khỏi màn hình. Nhân dịp Ngày của Mẹ năm nay, hãy cùng những người phụ nữ tuyệt vời nhất thế giới xem lại loạt phim xúc động về tình mẫu tử dưới đây.
Nắng 1 do Đồng Đăng Giao làm đạo diễn, có sự góp mặt của Thu Trang, Trấn Thành, Kiều Minh Tuấn, Tiến Luật và Hoài Linh. Phim ra rạp vào khoảng tháng 8/2016 và nhận được nhiều sự ủng hộ từ khán giả.
Nắng là câu chuyện về hai mẹ con bé Nắng (Kim Thư) và mẹ Mưa (Thu Trang). Mẹ Mưa bị thiểu năng, khó khăn lắm mới có thể nói tròn vành rõ chữ, nhưng lại phải cưu mang cô con gái bé bỏng. Hai mẹ con sống lay lắt trong căn nhà hoang bên sông, hàng ngày dắt nhau đi lượm ve chai, bán vé số.
Bé Nắng cứ thế lớn lên, hồn nhiên như cây cỏ, hết mực yêu thương, quấn quýt người mẹ kém may mắn. Cuộc sống cơ cực nhưng yên bình của hai mẹ con bỗng dưng có thêm sự góp mặt của một cậu thiếu gia bị nhiễm HIV (Trấn Thành) và một gã giang hồ "tép riu" đang bị truy đuổi (Kiều Minh Tuấn). Những số phận vá víu ấy cứ thế ở bên nhau trong căn nhà đổ nát hoang tàn.
Sau này, các nhân vật do Tiến Luật, Kim Xuân, Sam, Lan Ngọc đóng lần lượt xuất hiện rồi khiến cuộc sống của mẹ con Nắng - Mưa trở nên xáo trộn. Giữa những tiếng khóc than trách cho số phận "xử ép" người mẹ thiểu năng, khán giả vẫn thấy ẩn hiện tình người đậm đặc. Đó là hình ảnh Hoài Linh đứng bên tiệm ăn nhìn về chiếc xe ve chai của mẹ con Mưa - Nắng, đó còn là khoảnh khắc 2 kẻ "đáng ghét" Trấn Thành - Kiều Minh Tuấn liều mình vào chỗ nguy hiểm để giải cứu mẹ con Nắng - Mưa mà chẳng biết chuyện tồi tệ gì có thể xảy ra.
Nắng 1 là hành trình đầy cảm xúc, khiến người xem lắng đọng giữa bộn bề cuộc sống. Tuy còn nhiều hạt sạn nhưng đây vẫn là tác phẩm đáng xem ở mùa phim Ngày của Mẹ năm nay.
Tiếp nối thành công của Nắng 1, ekip sản xuất từ Nhất Trung đã làm tiếp Nắng 2 với dàn cast quen thuộc gồm Thu Trang, Trấn Thành, Kiều Minh Tuấn. Ở phần này, các vai diễn của Sam, Lan Ngọc, Hoài Linh, Tiến Luật không xuất hiện nữa. Thay vào đó Miu Lê, Hoàng Phi lần lượt thế chỗ.
Mẹ Mưa - Thu Trang tình cờ bị bắt cóc và tham gia vào cuộc chạy trốn sự truy đuổi của bọn giang hồ cùng với một cặp đôi bất đắc dĩ (Hoàng Phi và Miu Lê thể hiện). Trên đường đi, nhiều tình huống bi hài đã xảy ra khiến 3 kẻ không quen biết phải phối hợp chặt chẽ. Trong lúc này, bé Nắng bơ vơ tìm mẹ khắp nơi với sự giúp đỡ của hai người chú là Tuấn và Lâm (Trấn Thành và Kiều Minh Tuấn thể hiện).
Nắng 2 hướng đến thông điệp nhân văn về tình mẹ, tình người. Thay vì tập trung khai thác bối cảnh ở khu nhà tồi tàn mà mẹ con Nắng - Mưa ở, Nắng 2 đưa khán giả đến hành trình trốn chạy trên chiếc xe ô tô. Nỗi đau khi hai mẹ con bị chia cắt được thể hiện qua nhiều cảnh quay. Suốt ngày, Nắng lang thang ngoài đường, nức nở hỏi han nhiều người về mẹ. Đến đêm, mặc cho nguy hiểm, đói khát, cô bé vẫn rảo bước trên những con đường vắng.
Về phần mẹ Mưa, dù là người phụ nữ thần trí không tỉnh táo nhưng sự yêu thương, quan tâm đến đứa con nhỏ là điều chưa bao giờ biến mất ở người mẹ này. Hẳn nhiên, cũng giống phần đầu tiên, Nắng 2 vẫn còn những khiếm khuyết, dẫu vậy, nếu xem phim như một món ăn tinh thần để cùng khóc cùng cười với hàng loạt tình tiết lắng đọng về tình mẫu tử, tác phẩm này vẫn đáng bỏ vào "rổ phim" cho khán giả cùng thưởng thức với gia đình.
Áo lụa Hà Đông được công chiếu lần đầu vào năm 2006, phim có sự góp mặt của Trương Ngọc Ánh - Quốc Khánh - Nguyễn Thu Trang - Trần Thiên Tú - Đỗ Thu Hằng. Với nội dung gây xúc động mạnh, Áo lụa Hà Đông đã giành hẳn giải thưởng Cánh Diều Vàng ở hạng mục Phim truyện nhựa xuất sắc nhất.
Áo lụa Hà Đông lấy bối cảnh năm 1954 tại tỉnh Hà Đông khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang dần tiến tới hồi kết. Khi những người nông dân nổi dậy giết địa chủ, tiến tới lật đổ chính quyền bù nhìn, Dần (Trương Ngọc Ánh) và Gù (Quốc Khánh) - hai người hầu nhà địa chủ đã dắt díu nhau vào Nam, mong tìm được nơi để họ có thể sống yên ổn bên nhau, thoát khỏi kiếp tôi tớ cực khổ đọa đày. Tài sản quý giá nhất hai người mang theo là chiếc áo dài bằng lụa Hà Đông mà Gù lấy làm quà cưới Dần.
Vào thời điểm gia đình gặp khó khăn nhất, Dần phải đi làm vú nuôi để kiếm tiền may áo dài cho con gái đến trường. Nhưng oái oăm thay, sữa của cô không dành cho 1 đứa trẻ mà lại để nuôi 1 ông già móm mém đã gần đất xa trời uống. Biết vợ mình làm công việc tủi nhục, Gù vô cùng tức giận. Chẳng còn cách nào khác, Dần đành mang chiếc áo dài đính hôn của hai vợ chồng nhờ người cắt lại cho vừa người con gái, rồi miệt mài khâu thành chiếc áo mơ ước của hai chị em Hội An và Ngô.
Có áo đẹp mẹ cho, Hội An vui vẻ đến trường. Nhưng rồi đến ngày kia, khi cô bé đang tự hào kể về chiếc áo mẹ vất vả làm cho mình, 1 thảm kịch kinh hoàng đã xảy đến: Trường học bị dội bom và Hội An chết trong đống đổ nát. Nghe tin dữ về trường học, Dần vội vã chạy đến tìm con gái. Trên đống hoang tàn đổ nát người mẹ gào khóc thảm thương khiến khán giả phải chạnh lòng.
Và về sau nữa, hàng loạt tình tiết xúc động đã dồn dập xảy đến. Nếu xem bộ phim này, khán giả hãy cân nhắc chuẩn bị thật nhiều khăn giấy.
Thưa mẹ con đi là bộ phim hiếm hoi khai thác tâm lý người mẹ khi phải đối mặt với sự thật là cậu con trai duy nhất - niềm hy vọng lớn nhất đời bà không thể cưới vợ sinh con như những chàng trai khác.
Tình yêu vốn không có lỗi, nhưng khi Văn (Lãnh Thanh) gánh trên vai kỳ vọng của cả một gia tộc thì đây thật sự là bước ngoặt quan trọng. Mở đầu bộ phim, cặp đôi đồng tính là Văn và Ian (Võ Điền Gia Huy) đã từ Mỹ về Việt Nam thăm gia đình Văn.
Cả hai phải sinh hoạt trong căn nhà nhỏ vùng nông thôn cùng với bà nội, mẹ, thậm chí là họ hàng của Văn và gần như không có không gian riêng. Những khoảnh khắc hai chàng trai thân mật với nhau trong sự lén lút bí mật, vừa lãng mạn hài hước vừa khiến khán giả hồi hộp thay cho họ. Ngoài ra, sự day dứt, đớn đau của nhân vật người mẹ do Hồng Đào thể hiện cũng làm khán giả nghẹn ngào.
Ở Thưa mẹ con đi, Hồng Đào gây ấn tượng với diễn xuất vừa đủ nhẹ nhàng, vừa đủ tinh tế. Không khóc lóc ầm ĩ, cũng không gào khóc khi phát hiện ra sự thật về giới tính của con trai, Hồng Đào diễn tả mọi thứ bằng ánh mắt. Người làm mẹ nào lại chẳng thương con, dù cho nó được sinh ra với giới tính gì đi chăng nữa thì nó vẫn xứng đáng có được hạnh phúc - đó là điều mà bất cứ người làm mẹ nào trên thế gian cũng hằng mong mỏi.
Mẹ Tuệ - Hạnh phúc của mẹ
Bỏ qua những lùm xùm liên quan đến cặp đôi vai chính Kiều Minh Tuấn - Cát Tượng, Hạnh phúc của mẹ do Huỳnh Đông làm đạo diễn vẫn là 1 bộ phim nhiều ý nghĩa, ca ngợi sự hy sinh lớn lao của người mẹ. Ban đầu phim có tên là Mẹ Tuệ, sau đó vì nhiều lý do, ekip sản xuất đã đổi tên thành Hạnh phúc của mẹ.
Hạnh phúc của mẹ là câu chuyện xoay quanh nhân vật Tuệ (Cát Phượng thủ vai) với cậu con trai bị mắc bệnh tự kỷ. Vào vai một người phụ nữ lao động chân tay, Cát Phượng không ngại khoác lên mình dáng vẻ lôi thôi, lam lũ.
Vì ngoài đời thực cũng là 1 bà mẹ đơn thân nên Cát Phượng hóa thân thành Tuệ rất ngọt. Cô dễ dàng thể hiện được cảm xúc, đồng thời lấy nước mắt khán giả trong các phân cảnh thể hiện tình mẹ con như ôm chầm đứa con bị bắt nạt vào lòng hay hạnh phúc nhìn con vô tư ca múa.
Dù cách dẫn dắt, cắt dựng phim vẫn còn nhiều thiếu sót nhưng nếu nhìn trên tiêu chí nhân văn, Mẹ Tuệ vẫn có điểm đáng xem đặc biệt. Đạo diễn Huỳnh Đông đã đưa vào bộ phim khá nhiều tình tiết khai thác diễn xuất nội tâm của nhân vật người mẹ khi đối mặt với thử thách lớn nhất cuộc đời: Cái chết. Xem để trải lòng và chia sẻ những cảm xúc đậm đặc về tình mẹ thiêng liêng để cảm thấy cuộc đời này còn tươi đẹp biết bao cũng là lựa chọn thú vị.