Không tiết kiệm được 10 ngàn, thì đừng mong tiết kiệm được 1 triệu
Người tiết kiệm được và người không tiết kiệm được, thu nhập và chất lượng cuộc sống giữa họ cũng có những khác biệt nhất định, nhưng khác biệt lớn nhất chính là – làm và không làm.
1. Người thật việc thật
Năm đó, cậu bạn tôi, M. và vợ sau khi kết hôn, ai cũng lười không muốn nấu cơm, vậy là ngày nào cũng ăn ở ngoài.
Hai người cũng chẳng có thói quen tiết kiệm tiền, đối với họ: tiền kiếm ra là để tiêu, biết tiêu mới biết kiếm lại, học cách tiêu tiền rồi mới có động lực kiếm tiền…
Cứ như vậy, hai con người có cùng quan điểm về tiền bạc sống với nhau, thích ăn gì thì ăn, mua gì cứ mua.
Vốn dĩ lương của hai người đều rất khá, nhưng, sau 1 năm lại chẳng tích góp lại được bao nhiêu tiền, sống đúng kiểu nay kiếm mai tiêu hết sạch.
Sau này, ba mẹ vợ biết chuyện mới mắng cho hai vợ chồng một trận.
Còn nhắc nhở nghiêm khắc rằng mỗi ngày phải ăn cơm ở nhà, mỗi tháng ngoài sinh hoạt phí ra, số tiền còn lại phải tiết kiệm lại.
Cậu bạn tôi lúc đầu cho rằng như vậy là phiền phức, tiết kiệm như vậy thì cũng tiết kiệm được bao nhiêu tiền?
Nhưng vợ lại rất nghe lời ba mẹ vợ, còn M. thì lại phải nghe lời vợ, tự nhiên cũng không dám trái lệnh.
Cứ như vậy, 2 năm trôi qua.
Hai người có ý định tân trang, cơi nới lại nhà, thế là hai vợ chồng lôi máy tính ra ngồi tính với nhau.
Hai vợ chồng vậy mà đã tiết kiệm được ¾ số tiền phải bỏ ra để cơi nới lại.
Khoảnh khắc ấy, cậu bạn tôi nhận ra được sức mạnh của việc tiết kiệm tiền.
Sau đó, hai vợ chồng vẫn đều đều tiết kiệm tiền, chỉ dựa vào lương tháng, cũng không đầu tư hay cổ phiếu gì, chỉ riêng nhà thôi, cũng sở hữu cho mình 2,3 căn.
Câu chuyện thực tế của cậu bạn tôi khiến tôi nhớ tới một hiện trạng, khi con cái cần làm việc gì đó to lớn, ba mẹ thường giúp đỡ rất nhiều.
Nhưng phần lớn ba mẹ ngày xưa thì lương đều thực sự không nhiều, suy cho cùng, thì cũng là bởi họ kiên trì tiết kiệm, đã tiết kiệm là tiết kiệm luôn mấy chục năm trời.
Mỗi một lần tới kì hạn gửi là sẽ đem theo lãi suất tiền gửi, vậy không phải là lời sinh lời ư?
Dùng quy tắc 72 trong tài chính để tính thử, nếu lãi suất tiền gửi trung bình hàng năm trong suốt mấy chục năm là 4%, 72:4=18 năm tiền gốc tăng gấp đôi.
Lâu không?
Trông thì có vẻ rất lâu, nhưng 10 năm, 20 năm rồi cũng chỉ là một cái chớp mắt mà thôi.
Vì vậy tôi cho rằng, dù bạn không lựa chọn đầu tư, chỉ cần kiên trì tiết kiệm, thì tới cuối cùng bạn cũng sẽ thắng rất nhiều người.
2. Không tiết kiệm được 10 ngàn, đừng mơ tiết kiệm được 1 triệu
Rất nhiều người thực ra cũng có ý thức tiết kiệm tiền, nhưng tiết đi tiết lại, cuối cùng vẫn chẳng được bao nhiêu.
Thứ nhất, có tiền, là không nhịn được muốn tiêu.
Thứ hai, chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà, tiền ăn, chỗ ở và phương tiện đi lại khiến bạn luôn trong tình trạng giật gấu vá vai.
Đối với kiểu thứ nhất, tôi khuyên bạn, vào ngày lĩnh lương, ngoài tiền sinh hoạt, hãy tiết kiệm số tiền còn lại theo định kì.
Còn với kiểu thứ 2, có thể thử bằng cách mỗi ngày dành ra 10 ngàn, hoặc là sau một ngày dài kết thúc, có thể cất tất cả những đồng 10 ngàn mà mình có đi.
Nói chung là mỗi ngày hãy tiết kiệm được ít nhất là 10 ngàn.
Hiệu quả của phương pháp này đối với việc tích lũy tiền thực tế có thể không rõ ràng, nhưng nó có tác động tích cực đến tâm lý của mọi người.
Ít nhất thì vào lúc mệt mỏi nhất, nhìn vào con lợn đất, bạn cũng hiểu rằng, bản thân vẫn chưa rơi vào bước đường cùng tới nỗi mỗi ngày không tiết kiệm được 10 ngàn.
Tất nhiên, tác dụng lớn nhất của nó nằm ở việc hình thành cho bạn thói quen tiết kiệm tiền lâu dài.
Người tiết kiệm được và người không tiết kiệm được, thu nhập và chất lượng cuộc sống giữa họ cũng có những khác biệt nhất định, nhưng khác biệt lớn nhất chính là – làm và không làm.
Trên thế gian này, kiểu người nào có thể thành công nhất?
Chính là những người nói làm là làm, làm rồi nói tiếp.
Vậy thì, muốn tăng tiền tiết kiệm, đừng nghĩ đông nghĩ tây, trực tiếp bắt đầu ép mình tiết kiệm, đó mới là con đường tốt nhất.
Người không tiết kiệm nổi 10 ngàn, tự nhiên không tiết kiệm nổi 100 ngàn, không tiết kiệm được 100 ngàn, tất nhiên đừng mơ tới chuyện tiết kiệm được 1 triệu.
Vì vậy, hãy thử tiết kiệm 10 ngàn xem, đừng chần chừ nữa, hãy làm ngay hôm nay.
Nhớ rằng, tài khoản có lớn tới đâu cũng đều là nhờ tích lũy dần dần từ mỗi một ngàn đồng.
3. Vì sao không còn cảm giác vui vẻ khi được tiêu tiền như hồi bé?
Còn nhớ cảm giác hạnh phúc khi hồi nhỏ bạn được cho 10 ngàn, 100 ngàn không?
Bạn cầm nó đi mua đồ ăn vặt, hay mua món đồ chơi mình thích đã lâu, cảm giác có phải rất vui vẻ hay không?
Nhưng, còn hiện tại thì sao?
Bạn có còn kí ức về sự vui vẻ khi tiêu thậm chí còn nhiều tiền hơn như vậy hay không?
Ngoài việc càng lớn càng phải đối mặt với nhiều hiện thực cuộc sống ra thì việc thay đổi phương thức trong dùng tiền cũng đem lại ảnh hưởng nhất định cho con người.
Sự tồn tại của tiền càng lúc càng trở nên không cụ thể, thẻ tín dụng, thanh toán điện tử biến tiền mặt trở thành một biểu tượng, càng ít thanh toán tiền mặt, con người ta càng khó có được cảm giác "tiêu tiền" như ngày xưa.
Tiền được điện tử hóa, đối với tài chính và người tiêu dùng, tất nhiên là rất có lợi.
Không biết bạn từng trải qua cảm giác này chưa?
Cầm tiền mặt đi siêu thị thì do dự không quyết, tiếc lên tiếc xuống, nhưng khi mua đồ trên mạng lại lướt rồi chọn một cách vô cùng hào phóng.
Hay thanh toán bằng thẻ dù là thẻ tín dụng hay thẻ gì, chỉ cần là không phải tiền mặt thì chúng ta ngay lập tức sẽ trở nên "ăn chơi" hơn rất nhiều.
Ngoài sự tiện lợi và nhanh chóng, con người ta không cảm nhận được sự vui vẻ, cũng không cảm nhận được sự xót xa, cứ như vậy, những sự lãng phí không đâu cứ ngày một gia tăng.
Một khi mất đi "cảm giác được tiêu tiền", tiền cũng sẽ dần dần ít đi.
Để tránh lãng phí, tôi có gợi ý như này:
Thứ nhất, bớt các loại thẻ tín dụng lại, giữ lại duy nhất một thẻ thôi cũng được.
Thứ hai, xóa hình thức thanh toán qua thẻ trên các ứng dụng mua hàng trực tuyến lại.
Thứ ba, sử dụng ví, ép mình thanh toán mọi thứ bằng tiền mặt.
Thứ tư, chuẩn bị một lợn đựng tiền lẻ để đựng các tiền mệnh giá 5 ngàn trở xuống rồi định kì đi đổi ở ngân hàng.
Thứ năm, quyết tâm không mua đồ mà mình trước mắt không cần tới, các nhà bán hàng cứ dăm ba hôm lại có chương trình khuyến mãi, flash sale, rất dễ khiến bạn mềm lòng, vì vậy, hãy tự dằn lòng lại. Cứ thấy sale là mua? Nhớ nhé, đồ sale phần lớn là đồ tồn kho, không lẽ bạn muốn làm cái nhà kho thay họ?
4. Làm sao để biết xem mình có đang tiêu tiền bừa bãi hay không?
Cái này thì phải xem mục đích tiêu tiền của bạn?
Nghĩa là, bạn tiêu tiền vì cái gì?
Bất kể là mua cái gì, quan trọng không nằm ở giá cả, mà là vì sao lại mua?
Nếu nó có thể giúp nâng cao hiệu suất công việc của bạn, giúp cuộc sống của bạn tiện lợi hơn, hoặc giúp bạn tạo ra năng suất cao hơn, thu được lợi ích trên phương diện nào đó, vậy thì bất kể giá cả có cao tới đâu, bao nhiêu tiền cũng đáng hết.
Nhưng nếu bạn chỉ là vì muốn thỏa mãn lòng tự tôn nhất thời, vì nó rẻ, vì tâm trạng không tốt, muốn mua đồ để giảm stress, thỉnh thoảng một vài lần thì cũng không sao, nhưng tần suất quá dày đặc thì bạn chính là đang tiêu tiền bừa bãi.
Nếu lúc muốn mua nhưng không biết có phải mình đang lãng phí hay không, vậy thì hãy đợi thêm một ngày, rồi nghĩ kĩ xem có thực sự nên tiêu hay không, hoặc cố gắng trì hoãn phán đoán của bạn càng lâu càng tốt cũng là một cách.
Trước khi mua, hãy tự hỏi mình thật nhiều lần: "Sao mình lại phải mua?"
Đặc biệt nhắc nhở với những bạn trẻ là fan của thẻ tín dụng, trước khi muốn dùng, bạn phải biết rằng: tuyệt đối đừng dùng thẻ tín dụng cho các mục đích mang tính ăn chơi hưởng lạc hoặc mua sắm bốc đồng. Còn nếu bạn không phải là người giỏi kiềm chế, vậy thì tốt nhất nghĩ tới chuyện mở thẻ tín dụng làm gì.
5. Làm rõ mục đích tiêu tiền của chúng ta
Các tỷ phú đều có mục đích tiêu tiền rất rõ ràng, Bill Gates dùng làm từ thiện, Warren Buffett dùng để đầu tư.
Vì vậy, họ mới xót từng đồng một, luôn muốn chắc chắn rằng mỗi một đồng tiền đều được tiêu vào sự nghiệp của họ.
Trong thời đại tín dụng như hiện nay, mỗi một đồng tiền được sinh ra đã là bắt đầu cho sự mất giá của chúng và điều này cũng sẽ đi cùng chúng hết suốt vòng đời.
Vì vậy, người có trong tay một chút tiền nên sợ hãi hơn người nghèo rớt mồng tơi, bởi lẽ họ không biết nên sử dụng những đồng tiền trong tay mình như nào, rốt cuộc là nên dùng để tiêu hay dùng để cất, nói không chừng ngày mai thôi là những đồng tiền mình có trong tay sẽ mất giá rồi.
Chính vì vậy, bất kể ra sao, cũng phải "còn bò hãy lo làm chuồng", tìm ra con đường tốt hơn ngoài việc tiêu dùng cơ bản cho số tiền mình sở hữu.
Nghĩa là ngoài việc đi làm công cho người khác, hãy tìm ra việc mà cả đời này mình muốn làm, chẳng hạn như: đi trải nghiệm văn hóa đó đây, khởi nghiệp hay đầu tư…
Làm được như vậy, nghĩa là bạn đã tìm ra được con đường sử dụng tốt hơn cho tiền của mình, và đạt được mục đích tiền sinh tiền giống như biết bao nhiêu người có tiền khác.