Tai được chia làm ba phần, bao gồm: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài ngăn cách với tai giữa bằng màng nhĩ. Tai giữa và tai trong được ngăn cách với nhau bởi lớp màng ở cửa sổ tròn rất dễ hấp thu các loại thuốc và là một trong những cơ chế ngộ độc tai trong gây điếc nặng không hồi phục.
Theo các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, khi bị viêm tai giữa thường có biểu hiện chảy mủ tai và đau nên trẻ nhũ nhi hay quấy khóc, đưa tay dụi hoặc cấu tai, chán ăn, nôn hoặc tiêu chảy, có thể sốt cao. Khi ấn vào vùng tai hoặc kéo vành tai, bệnh nhi sẽ đau nhói, nếu là trẻ nhỏ sẽ khóc thét. Ở trẻ lớn còn kêu đau đầu, nghe kém. Dấu hiệu đặc trưng của viêm tai giữa là soi thấy màng nhĩ đỏ, không di động hoặc căng phồng...
BSCKII. Võ Nguyễn Hoàng Khôi - Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Viêm tai giữa có rất nhiều nguyên nhân, có thể bắt nguồn từ tai hoặc do biến chứng của viêm amidan, viêm xoang hay trẻ hít phải khói thuốc lá thụ động, trẻ bú bình ở tư thế nằm dễ khiến sữa từ bình chảy vào ống tai và tích tụ ở tai giữa… Vì vậy, khi thấy con có biểu hiện của bệnh, nhiều phụ huynh tự mua thuốc về điều trị triệu chứng cho con. Việc làm này hết sức nguy hiểm bởi nếu điều trị không đúng nguyên nhân, không những khiến bệnh lâu khỏi mà còn gây biến chứng phức tạp hơn. Đơn giản như việc tự dùng oxy già nhỏ tai cũng có thể gây những tai biến đáng tiếc như làm bong lớp biểu bì bảo vệ trên da ống tai, làm chậm quá trình lành vết thương của tai, thậm chí có thể gây chít hẹp ống tai ngoài, ảnh hưởng lớn đến sức nghe - đặc biệt là ở trẻ em.
Nhiều trường hợp bố mẹ thấy con chảy nhiều nước ra cửa tai quá nên cạo các viên thuốc kháng sinh rồi rắc vào tai trẻ. Điều này rất nguy hiểm do những tá dược có trong thuốc viên sẽ gây bít tắc dẫn lưu dịch dẫn đến tình trạng dịch viêm không được dẫn lưu ra ngoài sẽ phá hủy sang phần xương chũm của tai giữa gây viêm xương chũm, thậm chí gây biến chứng nội sọ và khi khám bệnh, các thầy thuốc rất khó đánh giá đúng tình trạng của tai do không quan sát được màng tai.
Viêm tai giữa ở trẻ nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: thủng màng nhĩ, liệt mặt, viêm tai xương chũm, ảnh hưởng đến khả năng nghe - nói, thậm chí là viêm màng não, áp xe não… Có khoảng 1/3 trường hợp trẻ bị viêm tai giữa thường xuyên tái phát bệnh khiến sinh hoạt, sức khỏe và tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng. Khi bị tái phát bệnh lý này thì nguy cơ bội nhiễm tăng nhanh, trẻ lại phải dùng nhiều kháng sinh nên cũng dễ gây nhờn thuốc.
Muốn điều trị dứt điểm viêm tai giữa tái phát ở trẻ, cha mẹ cần tuân thủ đúng nguyên tắc: Dùng đúng kháng sinh. Thực tế cho thấy hầu hết cha mẹ cho rằng trẻ đã bị viêm tai giữa là phải dùng tới kháng sinh. Dùng đủ liều và đủ thời gian. Tùy từng trường hợp cụ thể mà thời gian điều trị viêm tai giữa ở mỗi trẻ không giống nhau. Nhiều trường hợp sau khi dùng thuốc chỉ 2 - 3 ngày thấy trẻ cắt sốt, không còn dấu hiệu bệnh nên cha mẹ dừng thuốc. Đây chính là lý do khiến cho tác nhân gây bệnh chưa được loại bỏ triệt để nên khi có cơ hội, nó sẽ lại tiếp tục gây viêm tai giữa.
Bác sĩ Khôi nhấn mạnh, điều cần nhớ là việc chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa phải được thực hiện tại các cơ sở có chuyên khoa tai mũi họng. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc về điều trị mà không được thăm khám của các thầy thuốc chuyên khoa, vì có thể để lại những di chứng do tai biến nặng nề của thuốc, như điếc không hồi phục vì tác dụng của một số thuốc gây ngộ độc ốc tai có trong thành phần của thuốc nhỏ tai. Nghiên cứu cho thấy, trẻ bú mẹ ít bị viêm tai giữa vì trong sữa mẹ có kháng thể giúp bé có sức đề kháng tốt. Vấn đề vệ sinh cho trẻ như khi tắm không để nước vào tai giữa, vệ sinh mũi họng để trẻ không bị viêm hô hấp trên, viêm amidan.
Khi đã bị bệnh cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định điều trị, theo dõi chặt chẽ các biến chứng. Người có yếu tố nguy cơ như gia đình có anh chị em bị viêm tai giữa càng cần chú ý khi có dấu hiệu đau tai và sốt.