"Tôi thề rằng tôi chưa từng vay tiền ai, không vay thì làm sao nợ khoản tiền lớn như vậy được chứ?", đây là lời phân trần đầy tuyệt vọng của người phụ nữ khi nghe toà yêu cầu bà phải hoàn trả 260.000 NDT (khoảng gần 900 triệu đồng) cho người tố cáo.
Vì phán quyết này, người phụ nữ "bạc trắng đầu" chỉ sau một đêm, may mắn là sau đó bà đã tự tìm được cách "lật ngược tình thế" và giải cứu bản thân thành công. Vậy rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra?
Kỳ án quanh ta: Không vay tiền nhưng vẫn nợ gần 900 triệu đồng
Theo đó, bà Chu Thuý Phương sống tại Thượng Hải, Trung Quốc vốn có một căn nhà rộng 110m2 cho thuê suốt 15 năm qua. Khách thuê nhà thân thiết của bà Chu chính là vợ chồng ông Kỳ Tuyển Bân. Thời gian thuê nhà từ năm 2002 đến 2017 với mức giá thuê nhà 1 năm là 32000 NDT (khoảng 108 triệu đồng).
Vì căn nhà rộng rãi lại nằm ở vị trí đắc địa nên vợ chồng ông Kỳ bàn bạc mở cửa hàng chơi mạt chược. Kinh doanh rất tốt, mỗi ngày thu về đều đặn 300 - 500 tệ (khoảng 1.5 triệu đồng). Suốt thời gian này hai bên luôn vui vẻ hoà thuận không hề có vấn đề hay tranh chấp gì.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên mới gần đây giá nhà đất tại Thượng Hải trở nên đắt đỏ hơn, bà Chu muốn nâng giá tiền thuê nhà một năm thành 40.000 NDT (khoảng 136 triệu đồng) thì bị ông Kỳ ra sức phản đối. Đôi bên lời qua tiếng lại rất căng thẳng. Vì trước đây hai bên thuê nhà và cho thuê bằng tình cảm nên khoản hợp đồng cũng chỉ làm cho có. Do đó bà Chu có thể chấm dứt hợp đồng với vợ chồng ông Kỳ mà không phải bồi thường gì.
Vốn nghĩ rằng không cho thuê nữa là xong, không ngờ vào lúc bà Chu quyết định không cho ông Kỳ thuê nhà nữa thì bất ngờ nhận được giấy triệu tập từ toà án. Theo đó, ông Kỳ tố cáo bà Chu vay của ông 260.000 NDT (khoảng gần 900 triệu đồng) trong đó 100.000 NDT là tiền mặt, 160.000 NDT là tiền nhà của 5 năm tới. Điều này đồng nghĩa với việc hợp đồng thuê nhà của ông Kỳ phải tới năm 2021 mới hết hạn.
Quá bất ngờ trước sự việc này, bà Chu liên tục kêu oan nhưng toà vẫn tuyên án bà phải hoàn trả khoản tiền đã vay vì ông Kỳ có bằng chứng thuyết phục. Đó là một bản hợp đồng viết tay, xác thực bà Chu nhận 260.000 NDT, bên trên còn chữ ký viết tay xác nhận vay tiền của bà Chu, thậm chí có cả số điện thoại liên lạc.
Bà Chu khóc lóc kêu oan nhiều ngày nhưng không thành. Ảnh: Sohu
Nhìn chữ ký quả thực là nét chữ của mình, bà Chu hoang mang tột cùng không biết chuyện gì đang xảy ra.
Bài kiểm tra nói dối và đối chiếu đều xác nhận chữ ký vay tiền là thật, không phải giả mạo
Qua quy trình đối chiếu nghiêm ngặt, xác nhận đây là chữ ký thật của bà Chu chứ không phải giả mạo. Bài kiểm tra phát hiện nói dối cũng nhận định ông Kỳ không nói dối, đây quả thực là chữ ký chính chủ. Thậm chí ông Kỳ còn có cả nhân chứng, xác nhận nhìn thấy bà Chu cầm tiền. Nhân chứng vật chứng đủ cả, toà tuyên án bà Chu phải giữ đúng hợp đồng cho ông Kỳ thuê tiếp 5 năm, nếu huỷ hợp đồng phải bồi hoàn khoản tiền mặt 260.000 NDT đồng thời phải chịu thêm 50.000 NDT (khoảng 170 triệu đồng) chi phí kiện tụng.
Bạc đầu sau một đêm, người phụ nữ tự tìm cách cứu mình bằng 1 chi tiết nhỏ
Trong suốt quá trình kiện tụng bà Chu đã luôn sống trong lo lắng, ngày nhận kết quả thua kiện không chỉ mất tiền, bà Chu còn nhận sự kỳ thị và mắng chửi của người xung quanh vì ai cũng cho rằng bà là kẻ nói dối. Quá sốc trước kết quả này, bà Chu mất ăn mất ngủ trong thời gian dài, chỉ sau một đêm, tóc bà Chu đã bạc đi trông thấy.
Tuy nhiên, khi mọi người nghĩ bà Chu đã bỏ cuộc thì bà vẫn kiên trì tìm bằng chứng minh oan cho mình.
Bà Chu "lật ngược tình thế" tự cứu mình bằng 1 chi tiết nhỏ. Ảnh: Sohu
Sau khi dò xét và suy nghĩ lại toàn bộ dữ kiện. Bà Chu cuối cùng cũng phát hiện ra 1 chi tiết nhỏ, nhưng nhờ đó lại lý giải được vì sao ông Kỳ lại có chữ ký của mình.
Bóc mẽ kẻ vừa ăn cắp vừa la làng
Theo đó, vào năm 2016, bà Chu mua được căn nhà thứ hai ở trong trung tâm thành phố Thượng Hải. Rất ưng ý căn nhà này nên bà Chu quyết định chuyển khẩu và làm thủ tục dọn qua đây ở. Chính giai đoạn làm thủ tục này có người tới xác nhận tạm trú tạm vắng. Ông Kỳ đã yêu cầu bà Chu để lại tên và số điện thoại lên 1 tờ giấy để có ai tới tìm thì ông ta sẽ chủ động liên hệ với bà.
Bà Chu không hề phòng bị đã viết tên và số điện thoại lên tờ giấy mà ông Kỳ yêu cầu. Ông Kỳ mượn lời khen chữ đẹp muốn xem chữ ký của bà Chu, do không nghĩ bản thân bị tính kế nên bà Chu đã viết lên mà không đề phòng gì.
Chính tờ giấy trắng đó ông Kỳ đã tự viết nội dung hợp đồng lên trên, quy kết bà Chu vay 260.000 NDT không trả. Nhờ chi tiết này bà Chu đã "lật ngược tình thế".
Ông Kỳ thừa nhận hành động lừa đảo, ngụy tạo bằng chứng của mình. Ảnh: Sohu
Sau nhiều giờ thẩm vấn, ông Kỳ đã phải thừa nhận hành động lừa đảo, nguỵ tạo bằng chứng của mình. Sau cùng ông Kỳ cũng phải chịu hình phạt thích đáng, còn bà Chu may mắn thoát nạn.
Sự việc này nhắc nhở chúng ta cần đặc biệt cẩn thận khi để lại thông tin hay đặt bút ký vào giấy trắng, tránh để bị lợi dụng như bà Chu.