Nghỉ hè là khoảng thời gian nhiều cha mẹ bận rộn đành phải chấp nhận để con ở nhà một mình. Không ít tai nạn đáng tiếc bắt nguồn từ nguyên nhân bất khả kháng này. Do vậy, cha mẹ nên cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định cho trẻ ở nhà một mình.
Mỗi trẻ có sự phát triển và trưởng thành khác nhau nên khó xác định độ tuổi cụ thể giúp cha mẹ yên tâm để con ở nhà.
Cho con ở nhà một mình là một bước tiến lớn trong cuộc sống gia đình nói chung và con cái nói riêng. Điều đó cho thấy rằng bạn tin tưởng con cái và nghĩ rằng chúng có thể xử lý việc ở nhà khi vắng cha mẹ.
Vậy làm thế nào để cha mẹ biết con bạn đã sẵn sàng cho bước thay đổi quan trọng này? Theo tờ Moms, có một số dấu hiệu cơ bản cho thấy con bạn có thể đảm bảo việc ở nhà một mình.
Và cha mẹ hãy tự trả lời 10 câu hỏi quan trọng dưới đây trước khi đưa ra quyết định trong trường hợp bắt buộc phải để con ở nhà một mình.
10. Con bạn có thể tự xoay sở lo cho bản thân một bữa ăn đơn giản hay không?
Bữa ăn đơn giản ở đây không chỉ là bánh quy, đồ ngọt có sẵn mà là chuẩn bị một bữa ăn nhẹ ví dụ như mỳ, trứng, rau sa lát, pho mai, sữa, trái cây... Con bạn có thể 'tự chế' đồ ăn mà không gây ra quá nhiều sự xáo trộn trong căn bếp hay chưa?
9. Bạn đã bao giờ cho con luyện tập 'thử ở nhà một mình' chưa?
Khi bắt đầu thực hiện bất cứ hành động có tính lâu dài nào, chúng ta nên thử sức trước một vài lần.
Vì vậy, cách tốt nhất để xem liệu con bạn đã sẵn sàng để ở nhà một mình trong thời gian dài tối thiểu là một buổi hay không bằng cách thử.
Đầu tiên, hãy thử cho con ở nhà một mình trong khoảng 15 phút rồi xem con xử lý như thế nào. Sau đó tăng dần khoảng thời gian.
Sau mỗi lần, nếu bạn trở về nhà và con bạn vẫn ổn, không khóc lóc, hoảng loạn, nhà vẫn như trước khi bạn rời đi thì có lẽ con bạn đã sẵn sàng thay đổi.
8. Con bạn có sợ khi phải ở nhà một mình hay không?
Rất nhiều trẻ em gặp phải một vài nỗi sợ những điều nhỏ nhặt như bóng tối, người lạ, hay cảm thấy cô đơn... Nếu con bạn thường sợ hãi khi bị bỏ lại một mình thì bạn không nên để con ở nhà một mình.
Tốt nhất là cha mẹ nên lắng nghe cảm giác của con. Trong trường hợp bắt buộc, cha mẹ hãy tìm một người có thể theo dõi chúng và cố gắng thử đưa chúng vào tình huống khó khăn rồi cùng tìm cách giải quyết.
7. Con bạn có biết một số phương pháp sơ cứu cơ bản hay không?
Tai nạn có thể xảy ra ở mọi nơi và trong bất kỳ thời gian nào. Con bạn có thể bị ngã khi leo cầu thang, bị chảy máu cam, bị đứt tay khi dùng dao, hay đơn giản là bị giấy cắt vào tay khi đọc sách ...
Dù sau đi nữa, con bạn cần biết một vài bước sơ cứu cơ bản để cứu chữa bản thân trong trường hợp tai nạn xảy ra. Đầu tiên chúng nên biết bộ dụng cụ sơ cứu trong gia đình ở đâu và làm thế nào để sử dụng các vật dụng bên trong.
6. Con bạn có biết cách xử trí khi một người lạ ngõ cửa?
Hãy chắc chắn con bạn biết phải làm thế nào khi người lạ gõ cửa muốn vào nhà. Bạn cần biết con bạn không hoảng loạn, lo lắng khi xử lý tình huống như bạn đã từng hướng dẫn chúng.
Điều quan trọng nhất, chúng cần giữ bí mật thông tin mình ở nhà một mình để giữ an toàn cho bản thân và không tạo sơ hở cho kẻ xấu hành động.
5. Con bạn có tuân theo quy tắc gia đình hay không?
Chắc chắn, mỗi gia đình đều có những quy tắc riêng để giữ trật tự, nền nếp, quy củ. Bạn hãy chắc chắn con bạn hiểu và thực hiện theo đúng quy tắc cũng như không tự ý phá vỡ quy tắc đã đề ra.
Nếu bạn để con ở nhà một mình, hãy thêm một số quy tắc đảm bảo an toàn cho chúng. Bạn tin con và chúng luôn làm theo những sự hướng dẫn của bạn thì khi đó, bạn có thể để con ở nhà một mình.
Trong tình huống ngược lại, con bạn là những đứa trẻ nghịch ngợm thường phá vỡ quy tắc thì có lẽ bạn nên cân nhắc lại.
4. Con bạn đã biết phải làm gì trong trường hợp khẩn cấp chưa?
Mặc dù bạn không mong muốn những sự việc khẩn cấp như cháy nổ, chập điện, hỏa hoạn .. nhưng chuyện vẫn có thể xảy ra bất cứ khi nào.
Bạn hãy chắn chắn con biết cách xử lý khi gặp chuyện khẩn cấp. Đơn giản nhất là chúng biết gọi điện cho bố mẹ, hàng xóm, gọi cứu hỏa, cấp cứu, gọi người giúp đỡ theo tính chất từng vụ việc và bình tĩnh nói rõ trường hợp khẩn cấp là gì.
3. Con bạn có thể thực hiện thông thạo những cuộc điện thoại cơ bản hay chưa?
Trong thời đại ngày nay, trẻ em không còn quá xa lạ với những chiếc điện thoại thông minh. Trước khi để con ở nhà một mình, bạn hãy chắc chắn con bạn có thể gọi điện, nhắn tin một cách thành thạo cho mọi người, bắt đầu từ những người thân trong gia đình.
Chúng cần biết cách quay số, cách truyền đạt thông tin rõ ràng, cách thể hiện điều bản thân cần và muốn cho người họ đang thực hiện cuộc gọi.
2. Con bạn đã thực sự lớn?
Trẻ em phát triển ở mức độ khác nhau, dẫn đến việc nhìn nhận thế giới quan, cách xử lý thông tin, tình huống khác nhau.
Người ta thường nói rằng con gái phát triển nhanh hơn, chững chạc hơn con trai cùng độ tuổi.
Bạn có thể tạm đánh giá sự trưởng thành của con qua cách chúng ứng xử ở trường học, chấp hành kỷ luật, quy tắc ở trường, lớp. Chỉ có bạn mới hiểu rõ và cảm nhận được con bạn đã thực sự lớn hay chưa.
1. Con bạn có phải là người có trách nhiệm và đáng tin cậy hay không?
Đây là một câu hỏi quan trọng bậc nhất.
Khi bạn để con ở nhà một mình, liệu đứa trẻ có khiến bạn tin tưởng khi chúng nói có thể xử lý mọi tình huống và không cho người lạ vào nhà.
Hãy nói với con về trách nhiệm, về lòng tin, đặc tính quan trọng có ích cho chúng không chỉ khi ở nhà một mình mà cho cả cuộc đời sau này.