Kết quả Điều tra dân số giữa kỳ 2024 cho thấy tỷ trọng dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn của cả nước khá cao, chiếm 74,9%, trong đó số có vợ/có chồng hiện chiếm tới 65,3%. Trong khi đó, tỷ trọng dân số 15 tuổi trở lên chưa từng kết hôn (chưa có vợ/chồng) là 25,1% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên.

So sánh giữa khu vực thành thị và nông thôn, tỷ trọng những người từ 15 tuổi trở lên có tình trạng hôn nhân là “độc thân” ở khu vực thành thị cao hơn ở khu vực nông thôn, tương ứng là 37,8% và 32,7%.

Theo kết quả điều tra dân số này, khu vực trung du và miền núi phía Bắc là vùng hiện có tỷ trọng nhóm “đã từng kết hôn” cao nhất cả nước (81,2%). Ngược lại, Đông Nam Bộ là khu vực có tỷ trọng nhóm “chưa từng kết hôn” cao nhất cả nước (chiếm 32,9%). Đây cũng là vùng có tỷ trọng nhóm “hiện đang có vợ/có chồng” và nhóm “góa vợ/chồng” thấp nhất trong cả nước (lần lượt là 58,7% và 4,8%).

Khu vực nào có tỷ trọng người độc thân cao nhất Việt Nam? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Kết quả điều tra dân số này cũng cho thấy Đông Nam Bộ là vùng có tuổi kết hôn trung bình lần đầu cao nhất trong cả nước (30,7 tuổi đối với nam và 27,3 tuổi đối với nữ).

Vùng có tuổi kết hôn trung bình lần đầu thấp nhất thuộc về Trung du và miền núi phía Bắc (26,7 tuổi đối với nam và 22,2 tuổi đối với nữ). Đây là vùng có tỷ trọng người dân tộc thiểu số sinh sống đông hơn so với các vùng khác trong cả nước và có các đặc điểm về văn hóa, phong tục tập quán, xã hội, được xem là những nhân tố ảnh hưởng đến quyết định kết hôn sớm.

Thực tế cũng chỉ ra rằng ở những vùng có mức độ đô thị hóa cao hơn hoặc có điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển hơn như Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng thì người dân có xu hướng kết hôn muộn hơn.

Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ ly hôn cao nhất

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trên phạm vi cả nước, tỷ trọng dân số góa và ly hôn chiếm 9,3% dân số từ 15 tuổi trở lên, trong đó dân số góa chiếm 6,7%; dân số ly hôn chiếm 2,6%. So với năm 2019, tỷ trọng người góa và ly hôn trên toàn quốc tăng khoảng 1,3 điểm phần trăm, tương ứng tăng khoảng 1,3 triệu người.

So sánh giữa khu vực thành thị và nông thôn, tỷ trọng những người sống trong tình trạng ly hôn ở khu vực thành thị cao hơn ở khu vực nông thôn, tương ứng là 2,9% và 2,4%.

Phân theo vùng miền kinh tế, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có tỷ lệ ly hôn cao nhất (3,4%), tiếp theo là Đông Nam Bộ (3,2%), Trung du miền núi phía Bắc (2,4%), Tây Nguyên (2,2%). Vùng có tỷ lệ ly hôn thấp nhất trong cả nước thuộc về Đồng bằng Sông Hồng, Bắc trung bộ - Duyên hải miền trung.

Sự chệnh lệch tỷ lệ ly hôn giữa các vùng miền có liên quan tới truyền thống, quan niệm hôn nhân. Trong đó, ở những vùng có sự cởi mở trong quan niệm hôn nhân gia đình thì tỷ lệ ly hôn thường cao hơn.