Lần đầu ngắm nhìn khu vườn, mọi người không khỏi choáng ngợp. Khu vườn trên sân thượng nhà chị Huệ chỉ rộng khoảng 30m² nhưng đã được hai vợ chồng tự tay thiết kế, sưu tầm để tạo nên không gian ngọt ngào với hơn 100 loại sen đá.
Từ những ngày đầu bỡ ngỡ chưa biết tên cũng chưa biết nhiều về đặc tính của các loại sen đá, đến thời điểm hiện tại, hai vợ chồng đã có tới 5 năm kinh nghiệm và chủ động hơn trong quá trình chăm sóc khu vườn.
Chị Huệ cho biết: "Từ lâu, mình đã đặc biệt yêu thích sen đá. Với mình đây là loại cây có vẻ đẹp rất thú vị, những chiếc lá xếp lại thành hình bông hoa với nhiều màu sắc, kiểu dáng đẹp mê mẩn. Mình sống ở nội thành, trước đây khi còn ở căn nhà cũ, mình chủ yếu trồng sen đá ở ban công.
Tình yêu với sen đá được nhân lên, số lượng sen đá cũng tỉ lệ thuận với tình yêu ấy nên vợ chồng mình đã chuyển đến ngôi nhà mới. Cả hai quyết định sửa sân thượng thành khu vườn nhỏ, vừa là nơi đặt những chậu sen đá sưu tầm được vừa là góc để cả gia đình ngồi thư giãn, chuyện trò mỗi sáng, chiều hay tối khi rảnh rỗi".
Đa số các loại sen đá chị Huệ trồng trên sân thượng được mua từ Hàn Quốc. Cây được trồng bằng giá thể là các loại đá trộn với nhau, thêm ít dinh dưỡng kết hợp với khí hậu lạnh khô nên màu của sen đá Hàn rất đẹp. Đặc tính của các loại cây mọng nước này chính là ưa môi trường sống khô cằn, dễ bị úng khi tưới quá nhiều.
Vì vậy, phần mái bên trên được vợ chồng chị lợp tôn trắng lây sáng để tránh cho cây không bị úng vào những ngày mưa nhiều hoặc mưa phùn kéo dài. Vào thời điểm nắng gắt, sân thượng bị nắng chiếu từ 11h trưa đến 2h chiều sẽ gây ra nguy cơ cháy lá. Vì thế, khoảng sân mùa hè được vợ chồng chị thiết kế thêm lưới lan loại thưa bên trên mái nhằm tránh nắng gắt buổi trưa.
Về giá thể trồng cây, chị trộn các loại đá với nhau theo tỉ lệ: Đá masato size nhỏ nhất 60%, đá nung popper size S 15%, đá nham thạch đỏ 5%, đá perlite 5%, đá pumi 5%, cát thạch anh 5%, thuốc tím trị rệp 2,5%, nấm đối kháng tritroderma 2.5% cùng một chút phân tan chậm. Riêng đá Masato là loại chưa qua xử lý nên được chị mua về rửa sạch, phơi khô trước khi trộn. Loại giá thể có ưu điểm thoát nước tốt giúp cây không bị úng, việc chăm cây cũng vì thế trở nên nhàn hơn.
Chị Huệ cũng lưu ý thêm về cách trồng, đối với cây sen khi mới mua về, chị thường dùng kéo vệ sinh sạch bằng cồn trắng 90 độ và tỉa hết rễ khô, rễ con, chỉ để lại rễ khỏe. Sau 1 – 2 ngày khi vết cắt khô, chị tiến hành trồng. Việc vệ sinh sạch dụng cụ tỉa rễ và để khô vết cắt mới trồng lại giúp sen đá tránh bị nhiễm khuẩn gây thối rễ.
Các loại sen đẹp như những bông hoa trong vườn.
Khi trồng sen đá cũng cần lưu ý lót đáy chậu bằng một miếng lưới, rải một lớp pumi size to xuống đáy khoảng 1/3 chậu. Chị tiếp tục cho giá thể đã trộn ở trên vào và trồng cây. Sau khi trồng, chị tiếp tục rải trên mặt chậu lớp đá masato size 3 – 6mm để khi tưới nước, giá thể sẽ không bị nổi lên hoặc văng ra ngoài vì một số loại đá như perlite, đất nung popper, pumi khá nhẹ.
Theo kinh nghiệm của chị Huệ, sen đá là loại cây ưa khô, cần nhiều nắng hơn nhiều nước. Vì thế, những ngày thời tiết khô thì 2 – 3 tuần mới cần tưới. Những cây mới trồng tránh tưới trực tiếp trên lá, nhưng cây trồng lâu rồi, cây bám rễ khỏe thì có thể tưới lên lá nhưng tưới xong nên dùng dụng cụ hỗ trợ để thổi cho khô hết nước đọng trên lá. Chị lưu ý nên tưới vào lúc chiều mát hoặc sáng sớm.
Để phòng bệnh cho cây, chị Huệ thường sử dụng vôi bột nông nghiệp phòng nấm bệnh, vừa an toàn vừa không gây độc hại cho môi trường cũng như sức khỏe con người. Sen đá cũng là loại hay bị rệp trắng nhưng trong giá thể, chị Huệ trộn thuốc tím trị rệp nên có thể phòng được 60 – 7-%. Các loại cây nếu xuất hiện rệp, chị thường dùng nước rửa chén pha loãng và phun giúp cây có thể trị rệp trắng hiệu quả.
Mỗi ngày, chị Huệ thêm yêu khu vườn nhỏ trên sân thượng của mình hơn. Các cây sen đá đều được đặt ở kệ ngay ngắn, đẹp mắt. Khu vườn là nơi để cả gia đình trò chuyện, gần gũi gắn kết, thêm yêu thiên nhiên hơn.