Những ngày dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, hơn ai hết, sống trong tâm dịch mới có thể hiểu được rằng, có được khoảng sân thượng, có một không gian nho nhỏ để trồng rau, chủ động thu hoạch rau hàng ngày chính là niềm vui và hạnh phúc đối với bất kỳ ai.
Chị Như Tâm hiện là giáo viên mầm non. Chị là mẹ của hai bé trai, bé đầu 9 tuổi và bé sau 7 tuổi. Dù chồng đi làm xa, một mình chăm hai con nhỏ nhưng ngay sau khi xây nhà xong, chị Tâm đã có ý định trồng rau nuôi gà trên sân thượng của gia đình mình. Chị tận dụng những thùng xốp của bố ở quê gửi đồ ăn vào và bắt đầu "sự nghiệp" nông dân sân thượng của mình.
Chị Tâm cho biết: "Khi bắt đầu trồng rau, mình chỉ trồng khoảng 10 thùng xốp vì việc bê đất lên sân thượng lầu 3 rất khó khăn. Vì mới tập trồng nên chị chỉ trồng đủ cho ba mẹ con thường thức. Khoảng sân thượng có diện tích 4x5 mét dần dần theo năm tháng mới được phủ kín các loại rau quả".
Vì mong muốn hai con nhỏ được thưởng thức rau sạch cho từng bữa ăn hàng ngày, vì muốn bảo vệ sức khỏe cả nhà cũng như mang đến cho chính mình niềm vui sau một ngày làm việc vất vả, chị Tâm đã hiện thực hóa giấc mơ từ bấy lâu nay của mình. Cũng vì đam mê, chị Tâm thường cho con ngủ mới dám lên vườn sân thượng để bắt sâu, chăm cây. Bao nhiêu vất vả của những ngày đầu dần đã có được thành quả như chị mong muốn.
Chị cần mẫn vác đất lên sân thượng, chăm chỉ chọn giống, tâm huyết tìm hiểu cách trồng, đồng thời nghiên cứu sân thượng để tận dụng tối đa diện tích. "Có những hôm đi làm về dọc đường thấy thùng xốp bỏ mình cũng lượm, chai nước lọc mình cũng xin về để cắt làm giỏ treo cây, rau củ ở trường mình dạy dư thừa mình cũng xin về để ủ bón phân, nhiều lúc bé út nhà mình còn nói Mẹ như bà lượm ve chai suốt ngày lượm đồ nhưng mình vẫn cảm thấy hạnh phúc với những niềm vui bé nhỏ", bà mẹ hai con cho biết thêm.
Theo kinh nghiệm của chị Tâm, vì Sài Gòn có hai mùa nên chị thường trồng "mùa nào thức ấy" để cây khỏe mạnh, phát triển tươi tốt. Mùa mưa chị thường trồng bầu, bí, mướp, khổ qua, đậu đũa, rau dền, mùng tơi, muống nước, rau lang, cải xanh, cải ngọt… Mùa nắng chị trồng các loại dưa như dưa gang, dưa hấu, dưa lê, dưa leo, đậu bắp, cải bẹ, bó xôi, rau ngót…
Bên cạnh việc chọn giống, chị Tâm chú trọng việc làm đất. Sau thu hoạch xong, chị thường dọn sạch lá và rễ cây phơi khô làm phân, đất trộn vôi bột phơi khô 1 tuần đến 10 ngày cho ải và diệt trứng sâu nằm trong đất.
Sau khi phơi xong, chị thường trộn với phân trùn quê, phân bò (hoặc phân gà, phân dê, phân dơi), thêm xơ dừa hoặc tro trấu, phân lân, một ít nấm Trichodema theo tỉ lệ 3:1:1. Sau khi trộn đều, chị tưới nước cho ẩm đất rồi lấy bạt phủ thùng xốp lại trong 3 ngày mới đem gieo hạt hoặc trồng cây. Ngoài ra, chị dùng rác nhà bếp tự ủ để tưới thêm trong quá trình cây lớn lên. Nhà có con nhỏ nên sữa hết hạn, chuối bị chín quá, vỏ trứng… được dùng để ủ phân tưới.
Thành quả đáng ngưỡng mộ của người "nông dân sân thượng".
Để khu vườn hạn chế sâu bệnh, chị Tâm cũng sử dụng các dung dịch ngâm từ nguyên liệu tự nhiên. Về cách bón phân, chị thường chia làm 3 đợt: Đầu tiên là bón lót lúc trộn đất, thứ hai là bón thúc lúc cây bắt đầu leo giàn, thứ 3 là bón lúc thu hoạch quả đợt 1. Nhờ bí quyết hữu ích này, cây trong khu vườn sân thượng luôn khỏe, ra trái nhiều…
Về việc tưới nước, chị Tâm thường tưới 2 lần/ngày tùy thuộc vào thời tiết. Vì trồng trong chậu, thùng xốp ít đất nên trời nắng to, cây sẽ bị rũ. Vì thế chị luôn chú ý giữ độ ẩm cho khu vườn.
Trước đây, do vừa đi làm vừa chăm con nên chị Tâm trồng vừa đủ các loại rau cho gia đình thưởng thức nhưng từ khi thành phố có chỉ thị giãn cách, chị đã dành thời gian trồng thêm nhiều loại rau, cây trái. Nhờ tình yêu và niềm đam mê làm vườn, mỗi lần thu hoạch, chị Tâm lại gửi tặng mấy chị em tại Sài Gòn và biếu cảm xóm ăn mùa dịch.
Nguồn ảnh: NVCC