Bén duyên với việc làm vườn từ khoảng 5 năm trước, đến thời điểm hiện tại, chị Thương cùng chồng vẫn hàng ngày yêu thích công việc chăm sóc cây cối trên sân thượng của gia đình mình. Từ những ngày đầu còn bỡ ngỡ, chị luôn không nản lòng khi cây chết hay lá vàng. Chị Thương thường dành phần lớn thời gian rảnh rỗi của mình để tìm hiểu, nghiên cứu cách trồng cũng như tham khảo thêm kinh nghiệm chăm cây trên sân thượng từ những người đi trước.
Chị Thương cho hay: "Trồng cây thực sự chỉ lúng túng cho những người mới chứ không khó, chỉ cần có đam mê và chút thời gian thì có thể thành công. Theo mình, trước khi quyết định trở thành "nông dân sân thượng", việc quan trọng nhất là xác định vị trí, diện tích, nắng gió trong ngày.
Từ đó sẽ có phương án thiết kế sao cho hợp lý với nắng của sân nhà mình. Nếu sân thượng không có bờ tường bao quanh thì làm các kệ tầng, nếu bị hạn chế tuyệt đối không làm kệ tầng vì những tầng dưới nắng không chiếu vào khiến cây không lớn. Giàn leo cũng vô cùng quan trọng. Nếu diện tích sân thượng 20m2 trở lên thì trồng dây leo rau, nhưng dưới 15m2 mà muốn có rau thì không nên làm giàn leo phía trên, chỉ làm giàn leo chữ A hoặc chỉ làm 1 góc vừa đủ".
Sau nhiều lần thất bại với việc trồng rau sân thượng bằng đất mua tại cửa hàng, chị Thương đã tự làm giá thể bao gồm phân bò hoai (dinh dưỡng cho cây), trấu hun và vỏ đậu (giúp giá thể tơi xốp), mùn dừa (giữ độ ẩm cho cây).
Do không sử dụng đất nên chị trồng khá nhiều rau, cây ăn trái nhưng vẫn có thể giảm tải được sức chịu đựng của nền nhà, dễ dàng hơn cho việc bưng bê. Tỷ lệ trộn giá thể: Phân bò hoai 50% (dinh dưỡng), trấu hun 30% (làm xốp giá thể), xơ ̛dừa 20% (giữ độ ẩm), vỏ đậu phộng.
Phân bò đã ủ, trấu, xơ dừa được chị Thương trộn lại thành "đất" trồng rau sẽ có dinh dưỡng cao, rẻ hơn đất mua, giảm tải trọng lượng. Lượng giá thể để trồng rau ăn lá chỉ 5-7cm, cây ăn trái leo giàn 7 đến 10cm (Chậu cho bầu, bí mướp từ 150l là phù hợp). Trong quá trình trồng, chị Thương cũng thường tưới phân cá hoặc bánh dầu hoặc nước ủ rác để bón định kỳ cho cây.
Sau khi thu hoạch cũng cần chú ý đến việc cải tạo giá thể. Nếu giá thể không bị nhiễm bệnh thì chỉ cần nhặt sạch phần rễ cây trong đó, làm tơi giá thể, rắc vôi bột và phơi khô vài ngày. Sau đó bổ sung thêm ít phân bò (phân gà), bánh dầu… và để trong 3 ngày để tiếp tục gieo hạt hoặc trồng cây con.
Chị thích thử nghiệm trồng đa dạng rau quả.
Với giá thể có mầm bệnh thì chị Thương chọn cách phơi khô và ủ trong một tháng. Để tăng thêm lượng dinh dưỡng cho giá thể, chị lấy sẵn lá cây cắt tỉa trong vườn hoặc phần rau bỏ đi, cắt nhỏ để bón. Cách ủ giá thể được chị Thương chia sẻ khá tỉ mỉ: "Sau khi phơi khô, mình đổ giá thể vào thùng xốp hoặc thùng nhựa cao khoảng 10cm, lấy nấm Trichoderma pha với nước tưới hơi ẩm rồi trộn đều. Rau rác cắt 3cm rắc lên trên. Cứ như vậy cho đến khi thùng đầy và ủ đến ngày thứ 10 thì kiểm tra nhiệt độ nóng, nấm trắng tương tự như cách ủ phân bò. Giá thể ủ đến ngày 30 có thể đem ra trồng. Nếu ủ bằng rau thì không cần trộn thêm phân bò".
Bên cạnh đó, chị Thương lưu ý khi chọn khay, chậu cần xem vị trí của lỗ thoát nước. Nếu lỗ thoát nằm dưới đáy chậu thì có thể hỏi người bán xem có ốc vít bịt lại hay không, và lỗ thoát nước có bên hông nằm dưới vỉ hay không? Nếu không có ốc vít mà không có sự lựa chọn cửa hàng khác, bạn có thể mua về và dùng keo bịt lại, dùng mỏ han hay khoan đục lỗ thoát bên hông nằm phía dưới vỉ lót. Các chậu trồng đều nên có vỉ lót để tránh được đất ngập trong nước phía đáy làm cho cây bị ngập úng. Đất ẩm ướt cũng sẽ là nguyên nhân gây ra nấm, hạn chế sự phát triển của cây.
Ngoài ra, chủ nhân khu vườn trên sân thượng cũng chia sẻ rằng, để sân thượng tốt tươi rau và sai quả, cần lưu ý đến việc cắt tỉa. Chị Thương cho biết: "Nên cắt tải các lá bắt đầu có dấu hiệu ngả vàng. Với các cây leo giàn, cần cắt nhánh phụ không phát triển để cây lấy sức nuôi dây chính.
Dây leo bầu, bí, mướp cần khoanh gốc để cây đủ sức ra hoa, kết trái. Không để nhánh phụ dưới giàn. Việc cắt tỉa lá trên giàn giúp phát hiện sớm được một số loại bệnh trên lá như rệp sáp, rầy mềm, bọ xít, xén tóc…. Khi lá không um tùm sẽ hạn chế được sâu bệnh, đồng thời lấy sáng cho vườn nhiều hơn".
Bội thu rau quả sạch.
Nhờ những kinh nghiệm hữu ích tự rút ra được trong quá trình làm vườn, không quá bất ngờ khi người phụ nữ đảm đang này sở hữu không gian sân thượng vạn người mê với đủ loại cây và hoa tốt tươi, rực rỡ quanh năm.
Nguồn ảnh: NVCC