Vài năm trở lại đây, thời trang phim Việt ngày càng khởi sắc. Từ "Hướng dương ngược nắng", "11 tháng 5 ngày" đến "Thương ngày nắng về"... không chỉ nội dung hấp dẫn mà cả phong cách thời trang trong phim cũng gây ấn tượng mạnh với người xem. Thậm chí có những bộ phim còn tạo nên trào lưu với giới trẻ, chị em công sở còn rủ nhau săn lùng những item mà nữ chính đã mặc trong phim.
Là stylist chuẩn bị trang phục trong phim cho rất nhiều những diễn viên VTV đình đám như Hồng Diễm, Phan Minh Huyền, Lương Thu Trang... Khúc Mạnh Quân cũng bật mí những "góc khuất" của nghề stylist nói chung và công việc chuẩn bị trang phục cho diễn viên khi lên phim nói riêng.
Có thể thấy năm 2022 là năm thành công của Khúc Mạnh Quân, khi hầu hết những bộ phim truyền hình hot của “Vũ trụ VTV” đều có đóng góp của bạn trong mảng thời trang trong phim.
Bạn cảm thấy thế nào khi mọi người nói “Khúc Mạnh Quân thầu hết mảng thời trang trong phim VTV”?
Tôi "bén duyên" với việc làm stylist cho diễn viên trong phim từ vai của chị Hồng Diễm trong "Hướng dương ngược nắng". Ngay từ lần đầu tiên hai chị em hợp tác trong phim, chúng tôi đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ khán giả. Cũng nhờ lần "mở hàng" này mà tôi may mắn được nhiều người biết hơn, các diễn viên cũng nhờ cậy để chuẩn bị trang phục trong phim cho họ.
Nếu nói thầu hết mảng thời trang phim VTV thì tôi không dám nhận vì thật ra tôi may mắn được nhiều diễn viên VFC lựa chọn, trong đó có một số bộ phim được khán giả quan tâm đặc biệt nên nhắc đến Khúc Mạnh Quân, mọi người lập tức nghĩ ngay đến thời trang phim. Tôi quan niệm bất cứ cơ hội nào đến với mình, tôi đều không chọn lựa. Dù là diễn viên chính, phụ, mới vào nghề hay nổi tiếng, tôi đều cố gắng hết mức khi được mời làm stylist. Nhờ vậy mà tôi dần dần có cơ hội được hợp tác với nhiều diễn viên hơn.
Chắc hẳn sẽ có những kỷ niệm “dở khóc dở cười” khi chuẩn bị trang phục cho diễn viên? Nhân vật nào để lại cho bạn ấn tượng sâu sắc nhất?
Mỗi bộ phim từng làm đều để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Tuy nhiên "dở khóc dở cười" nhất chắc là lần làm stylist cho diễn viên Kiều Anh trong phim "Ngày mai bình yên", bộ phim phát sóng vào đúng dịp dịch Covid-19 đang bùng phát nặng nề. Tôi nhận được lời mời làm stylist cho chị Kiều Anh chỉ vài ngày trước khi chính thức giãn cách toàn xã hội.
Lúc đó đường phố phong tỏa, đi lại khó khăn, vì vậy công cuộc chuẩn bị đồ càng vất vả. Ngoài những thương hiệu quen có thể chuyển được đồ, tôi phải tất bật mượn khắp bạn bè thân thiết xung quanh, huy động cả đồ có sẵn của diễn viên, thậm chí mượn cả những MC trong đài truyền hình mà tôi thân quen vì họ có thể đi lại được lúc đó.
Với bộ phim "Thương ngày nắng về", tôi làm stylist cùng lúc cho cả ba diễn viên chính nên cũng có không ít kỷ niệm. Tôi ấn tượng nhất với vai Vân Trang do Phan Minh Huyền đảm nhiệm. Lúc đó, tôi không hề nghĩ là khi phim lên sóng, phong cách của Vân Trang có thể tạo được xu hướng mạnh mẽ đến vậy. Thậm chí nhiều người chỉ cần nhìn một bộ quần áo là nhận ra Huyền từng mặc bộ đó trong phim.
Tôi vui khi giúp đổi mới được phong cách công sở trên phim, thay cho các kiểu đồ cứng nhắc là những bộ suit, sơ mi cách điệu... lịch sự nhưng vẫn giữ được vẻ thời trang. Thời điểm đó tôi nhận được rất nhiều inbox từ khán giả để khen phong cách của Huyền, cũng như học hỏi chỗ mua những trang phục tương tự.
Có thể thấy thời trang trong phim Việt đang được “thay máu” và ngày càng “khởi sắc”, nhưng vẫn bị so sánh với thời trang phim Hàn. Là một stylist, bạn có “chạnh lòng” về những so sánh ấy không?
Thực tế thời trang nhiều nước như Mỹ, Pháp, Italy hay Hàn Quốc đều phát triển hơn Việt Nam rất nhiều, vì vậy nếu khán giả so sánh thời trang trong phim Việt với nước ngoài, tôi cho đó là quan điểm cá nhân nên không thấy ngại.
Tôi vẫn thường xuyên xem phim nước ngoài để học hỏi, update xu hướng và từ đó ứng dụng vào các bộ phim Việt. Tuy nhiên mục đích cuối cùng mà tôi hướng đến là khán giả Việt sẽ ủng hộ văn hóa nước nhà, từ phim cho đến tiêu dùng hàng ngày. Vì vậy trong các phim tôi làm stylist, tôi thường chọn đồ từ các thương hiệu Việt để góp phần kích cầu mua sắm thời trang trong nước.
Gần đây thêm một “nội dung” mới về nghề stylist đó là hộ tống khách đi shopping, định hướng phong cách cá nhân… Khái niệm này có phải chỉ dành cho những nhân vật có tiền như phu nhân, hay các chị đẹp doanh nhân chẳng hạn?
Trong các khách hàng của tôi, đúng là có nhiều phu nhân, doanh nhân. Họ là những người sẵn sàng đầu tư hình ảnh để phục vụ cho công việc hay gặp gỡ khách hàng. Những người này có thu nhập cao, vì vậy có thể chi đến 500 - 600 triệu đồng cho một lần mua sắm, thậm chí có người tiêu cả tỷ đồng trong một ngày, những lúc như vậy tôi thường giúp họ chọn đồ sao cho vừa hợp với phong cách, vóc dáng vừa thể hiện được phong thái doanh nhân. Khi mua sắm cùng tôi, các chị phu nhân, nữ doanh nhân cũng không mất quá nhiều thời gian mà vẫn lựa chọn được những bộ cánh ưng ý.
Tuy nhiên, tôi cũng có nhiều khách hàng thu nhập không quá cao nhưng yêu thích thời trang. Tôi sẵn sàng đồng hành cùng họ để mua sắm ở những thương hiệu bình dân hơn, chia sẻ kiến thức thời trang cho họ. Chi phí cho dịch vụ khách hàng cá nhân phụ thuộc nhiều vào thương hiệu họ định mua.
Nếu mua đồ hiệu, tôi cần nhiều thời gian để tìm hiểu lịch sử, bộ sưu tập mới, nghiên cứu chất liệu để đưa ra cách mix&match phù hợp cho khách hàng. Đương nhiên việc đầu tư nhiều công sức thì cũng đòi hỏi mức chi phí cao hơn. Còn nếu mua sắm thông thường hàng ngày để thay đổi phong cách hơn cho phù hợp, tôi cũng đưa ra mức phù hợp thu nhập của họ.
Mạnh Quân có thể chia sẻ cụ thể hơn về lĩnh vực mới này trong công việc stylist của bạn không?
Thực tế là tôi cũng đã làm công việc stylist cá nhân được gần 3 năm. Ban đầu là những người bạn của các diễn viên tìm đến mình. Khi nhận được lời mời, tôi sẽ có một buổi nói chuyện với khách hàng để xem nhu cầu, sở thích của họ trong thời gian tới. Nếu cả hai hợp gu và bắt đầu hợp tác, tôi sẽ đưa cho họ một lộ trình thay đổi phong cách trong 6 tháng đến một năm. Trước khi bắt đầu shopping, tôi cũng có thể đến nhà và xem xét tủ đồ, sắp xếp lại tủ đồ của họ xem có gì dùng được thì giữ lại, món nào quá cũ thì thay đổi.
Tôi đồng thời chọn trước cho họ một số bộ trang phục và check size với thương hiệu để đảm bảo khách hàng không mất quá nhiều thời gian trong việc đi mua sắm, chọn đồ mà vẫn "công cốc". Mỗi buổi làm việc như vậy thường diễn ra trong cả một ngày. Có những khách hàng cứ 3 - 4 tháng lại nhờ tôi thay đổi tủ đồ toàn bộ để luôn đổi mới. Stylist cá nhân giúp mọi người tiết kiệm thời gian, chi phí và có kiến thức cơ bản để có thể tự mix&match hàng ngày.
Ngoài ra, tôi cũng chuẩn bị đồ cho những khách hàng sắp đi du lịch. Tôi tư vấn cho họ mặc gì đẹp, phù hợp bối cảnh và chuẩn bị cho họ một số bộ trang phục, phụ kiện đóng thành từng gói, đến nơi họ chỉ cần bung ra và kết hợp lại với nhau. Đây giống như một hình thức "mì ăn liền" thuận tiện cho các khách hàng đi bất cứ đâu cũng không tốn công suy nghĩ mặc gì.
Thậm chí với từng bộ trang phục tôi còn gửi cho họ một số cách pose dáng phù hợp, sau đó chỉnh sửa luôn ảnh cho họ thật đẹp. Dù khách hàng đẹp ở ngoài đời hay trên mạng xã hội, tôi đều rất vui vì có thể mang đến niềm vui cho mọi người, tạo cho họ thêm nhiều năng lượng tích cực.
Quay trở lại tâm sự về nghề stylist, theo bạn thì quan niệm “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” còn đúng ở thời điểm hiện tại không?
Quan điểm này đúng trong hai khía cạnh. Theo tôi, trong thời đại 4.0, vẻ bề ngoài rất quan trọng. Khi bạn ăn mặc chỉn chu, bạn có thể mang lại thiện cảm cho người đối diện. Cuộc nói chuyện hay trao đổi hợp tác của đôi bên vì vậy có thể vui vẻ hơn, mang đến nhiều cơ hội mới.
Ngoài ra, với những món đồ chất liệu tốt, giá thành cao và không bao giờ lỗi mốt thì cũng sẽ bền hơn, giá trị hao mòn không nhiều so với những món đồ thời trang nhanh, không quá đắt tiền nhưng đảm bảo hợp xu hướng mốt lúc đó.
Vậy thì stylist có phải là một nghề “phù phiếm”?
Nhiều người thường nghĩ stylist là công việc hào nhoáng, được tiếp xúc với người nổi tiếng nhưng những khó khăn phía sau, không phải ai cũng hiểu. Dù nắng mưa, đêm hôm, tôi vẫn phải đi lấy đồ khi khách hàng cần, nhiều lúc món đồ đã chốt lại hết size, tôi cũng phải tất tả đi đổi.
Có những bộ phim tôi làm cùng lúc mấy diễn viên, số lượng trang phục phải xử lý một lúc cũng là hàng trăm bộ, chỉ nhìn thôi cũng thấy oải. Mọi người nghĩ nghề này thu nhập cao nhưng có rất nhiều khoản phải chi. Nếu mượn đồ mà bị hỏng, rách thì stylist phải đền số tiền khổng lồ. Thực tế có những bạn tôi quen đi một lúc 2 - 3 tháng lương để đền đồ hiệu.
Khi mới vào nghề, tôi không có nhiều khách hàng nên phải làm thêm công việc khác để nuôi sống đam mê. Thu nhập nghề stylist theo tôi được đánh đổi bằng sự nỗ lực hàng ngày vì chả có công ty nào trả lương hàng tháng cho bạn. Chỉ người nào thực sự yêu nghề và may mắn thì mới sống được với nghề.
Thời trang hay cụ thể với nghề stylist, đôi khi chuyện ĐẸP - XẤU nằm ở cảm nhận của mỗi người, nếu set đồ bạn chuẩn bị lại không hợp nhãn số đông, bạn sẽ đón nhận việc đó như thế nào?
Nhắc đến cái đẹp là quan điểm của mỗi người. Giống như món ăn, thời trang cũng vậy. Đôi lúc mình chọn một bộ đồ xu hướng mới trên thế giới, người nào thích style ấn tượng thì sẽ thấy hợp lý, còn số đông thì mặc đơn giản, dễ thấy không hợp mắt. Cũng như món ăn mới không phải ai cũng thấy ngon và chưa thử thì sẽ nghĩ không phù hợp. Mỗi khi được đóng góp, tôi đều lắng nghe và chắt lọc những nhận xét đúng đắn để mình làm nghề tốt hơn.
Cũng là cảm nhận ĐẸP - XẤU mỗi người khác nhau, Quân có bao giờ bất đồng quan điểm với chính nhân vật của mình không? Không nói đến người nổi tiếng, khi bất đồng với các chị đẹp vừa có tiền vừa có quyền thì bạn sẽ xử lý ra sao?
Đương nhiên trong quá trình làm bất cứ công việc nào, bất đồng quan điểm là luôn có. Khi tôi đưa ra một bộ trang phục, đôi lúc khách hàng có ý kiến. Tôi lắng nghe những yêu cầu đó và chia sẻ với họ lý do tôi chọn bộ trang phục đó cho họ, đồng thời có sự điều chỉnh để hai bên cùng hài lòng. Hầu hết những nhân vật tôi từng làm đều chỉ là đóng góp cho nhau, chưa ai đến mức căng thẳng.
Trước khi làm việc với khách hàng mới, tôi luôn có buổi nói chuyện với họ để tìm hiểu tính cách, sở thích, phong cách có phù hợp với mình không. Nếu lần đầu xảy ra bất đồng quan điểm, tôi có thể giới thiệu cho họ một số bạn đồng nghiệp phù hợp hơn để tránh xảy ra mâu thuẫn.
Liệu có một quy chuẩn nào đó rõ ràng cho chi phí mỗi sự kiện hay mỗi bộ phim mà Quân chuẩn bị trang phục không?
Với mỗi người tôi làm việc, họ đưa ra những yêu cầu khác nhau để dự những sự kiện khác nhau, mức độ thân thiết của họ với tôi cũng khác nhau. Tất cả những điều đó ảnh hưởng đến sự thay đổi của chi phí.
Với các bộ phim, chi phí càng khác biệt. Có người đóng 80 tập phim, có người chỉ 20 tập, có người mặc đồ rất đơn giản, thậm chí là đi mua đồ cũ, có người tôi phải mượn đồ đắt tiền cả chục triệu đồng. Với trang phục giá thành cao, xác suất xảy ra sự cố cao hơn nên chi phí stylist cũng khác.
Một câu hỏi vui dành cho Quân, bạn đã bao giờ phải “réo tên chị kế toán” mỗi dịp cuối năm chưa?
Tôi không quá khắt khe với các "chị kế toán" vì tôi hiểu cuối năm, ai cũng có nhiều khoản cần phải chi nên việc chậm chi trả đôi chút có thể thông cảm. Tùy từng trường hợp mà tôi cứng rắn hoặc mềm mỏng để hợp tác vui vẻ lần sau.
Có lần làm việc với một thương hiệu, hai chị kế toán và marketing đùn đẩy cho nhau nên tôi add luôn cả hai chị vào một group để có sự trao đổi cho rõ ràng. Đôi lúc nhiều nghệ sĩ tôi làm, tôi cũng được họ nhắc rất nhiều việc gửi bản kê để họ thanh toán mà quá bận rộn nên tôi cũng mãi mới gửi được. Dù vậy, tôi cố gắng giải quyết mọi công việc trước Tết, hạn chế việc để sang năm mới.
Cảm ơn Khúc Mạnh Quân đã dành thời gian chia sẻ, chúc bạn có một năm mới thành công và thật nhiều may mắn!