Ký ức thiếu thốn ùa về
Khi còn là thiếu niên trong những năm 1990, Mohammad Jalehar cũng đã nghe những lời cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực và nước uống ở Singapore. Những sóng gió trong mối quan hệ giữa đảo quốc sư tử với quốc gia láng giềng thường cũng kèm theo các thông báo thiếu thịt, cá hay rau nhập khẩu từ Malaysia tới các gia đình Singapore.
Bây giờ, ở tuổi 50, người đàn ông này lại tiếp tục đối mặt với tác động của một cuộc khủng hoảng lương thực khác. Làm công việc bán cơm gà tại một khu chợ ở quận Bedok, gia đình Jalehar giờ chẳng có gà mà bán. Lần này, nó có vẻ không bắt nguồn từ các mâu thuẫn địa chính trị hay những vấn đề kinh tế mà chỉ đơn giản là Malaysia cũng cần nguồn lương thực để đảm bảo cho chính họ.
Trong nhiều thập kỷ, quốc gia giàu có về tiền bạc nhưng nghèo tài nguyên Singapore phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực, đặc biệt là từ nước láng giềng Malaysia. Quốc gia này cung cấp 1/3 lượng gia cầm nhập khẩu của Singapore. Hàng tháng, khoảng 3,6 triệu con gà sống được xuất sang Singapore trước khi chúng được giết mổ và đông lạnh.
Tuy nhiên, tuần trước, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã ban bố quyết định cấm xuất khẩu gà sống sang Singpore kể từ tháng 6. Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ Malaysia nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt trong nước khiến giá cả tăng vọt.
Lệnh cấm này dự kiến sẽ gây những ảnh hưởng nặng nề đến người dân Singapore, đặc biệt là món ăn đặc sản cơm gà của họ. Những người yêu thích món ăn này nói rằng việc thay thế thịt gà tươi bằng gà đông lạnh sẽ không thể khiến món ăn này giữ được hương vị.
Ngay cả khi Chính phủ Singapore cho biết vẫn còn nhiều thịt gà để phục vụ nhu cầu thị trường nhưng giới buôn nhấn mạnh giá gia cầm chắc chắn sẽ tăng phi mã. Hiện tại, họ phải trả 3 USD cho một con gà nguyên con. Tuy nhiên, họ cho rằng giá sẽ sớm tăng lên 4-5 USD/con sau khi nguồn dự trữ giảm dần.
Ông Jalehar nói rằng: "Mỗi cú véo đều đau. Các nhà cung cấp đang yêu cầu chúng tôi chuẩn bị phải mua với giá cao hơn. Mỗi con gà bây giờ có thể tăng giá tới hơn 1 USD. Tôi lấy tiền ở đâu để bù vào đó khi bán tới 100 con gà mỗi ngày? Liệu khách của chúng tôi có chấp nhận trả thêm tiền?".
Thêm một chỉ báo cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu
Theo CNN, cái gọi là "cuộc khủng hoảng cơm gà" ở Singapore cũng chỉ là một trong những dấu hiệu mới nhất cho thấy tình trạng thiếu lương thực đang xảy ra trên quy mô toàn cầu. Xung đột Nga – Ukraine hay một loạt các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng cùng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ngày càng xảy ra thường xuyên hơn… xuất hiện đồng thời, tạo ra sự thiếu hụt và kéo theo tình trạng tăng giá.
Tại Mỹ, châu Á và châu Phi, tình trạng thiếu hụt khoai tây đã khiến các cửa hàng đồ ăn nhanh khan hiếm các sản phẩm như khoai tây chiên hay bim bim. Tại Malaysia, chi phí thức ăn gia tăng khiến giá gà tăng vọt những tháng gần đây và các nhà bán lẻ đã phải giảm doanh số để hạn chế thiệt hại.
Những con gà sống cuối cùng được đưa từ Malaysia tới Singapore trong ngày 31/5. Chúng sẽ được giết mổ để phục vụ nhu cầu. Người dân biết điều này. Chính vì thế, những người bán gà ở Singapore cho biết khách hàng của họ đang cố gắng mua nhiều nhất có thể nhằm hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng trong khi chờ chính phủ tìm kiếm nguồn cung mới.
Tuy nhiên, có một điều mọi người đều không lấy làm ngạc nhiên đó là giá. Ah Ho và con trai Thomas, những người có hàng chục năm bán gà ở Singapore, cho biết giá gà đã tăng từ khá lâu. Giá gà đã tăng từ nhiều tháng trước rồi nên việc giá có tiếp tục tăng cũng không có gì mà đáng kinh ngạc với họ.
Gian hàng gà của họ đã hết nhẵn, thậm chí cả những chiếc mề cũng không còn. "Số phận của chúng tôi nằm trong tay các nhà cung cấp cũng như mức giá họ muốn đưa ra để kinh doanh có lời", Thomas nói và chia sẻ kinh doanh 3 thập kỷ qua đều không dễ dàng nhưng chưa bao giờ khó khăn đến thế này.
"Không ai biết những điều này sẽ chỉ xảy ra trong tháng tới hay tiếp diễn tới nhiều tháng sau. Tuy nhiên, nhìn những gì đang diễn ra, chúng tôi sợ rằng sẽ có lúc mình phải đóng cửa vì không thể bù lỗ nổi cho các hoạt động kinh doanh", Thomas nói.
Người tiêu dùng cũng ý thức được tác động của cuộc khủng hoảng này. Họ xếp hàng chật tại các quán cơm gà nổi tiếng của Singapore để có thể thưởng thức món ăn này trước khi chúng đóng cửa. Tian Tian, chủ một trong những quán cơm gà nổi tiếng nhất trên đảo, nói rằng họ sẽ đóng cửa nếu không thể mua gà tươi phục vụ khách hàng.
Ngay cả những người bán hàng rong cũng không thấy hài lòng với ý tưởng chế biến cơm gà bằng loại thịt gà đông lạnh nhập khẩu từ Thái Lan hay Brazil. "Gà đông lạnh ư? Bạn mong đợi chúng tôi nấu cơm gà bằng gà đông lạnh à? Nó sẽ không ngon đâu. Còn nếu bạn hài lòng với chất lượng gà như thế, bạn cũng có thể tới Malaysia hay bất cứ đâu khác trên thế giới để ăn loại cơm gà đó. Ai còn nhớ tới cơm gà Singapore nữa?", người phụ nữ nói.
Tham khảo: CNN