Việc nước sạch tại khu đô thị Thanh Hà (Xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) có hiện tượng bất thường từ ngày 5/10. Khi đó, có nhiều trường hợp người dân bị tức ngực khó thở.
Theo kết quả của Viện công nghệ môi trường, 3 mẫu nước của tòa HH03E và HH03F được lấy vào ngày 5/10 thì cả 3 mẫu đều có nồng độ Amoni cao gấp 5-6 lần tiêu chuẩn của Bộ y tế. Chỉ số Nitrat và Coliform cũng cao. Thậm chí, theo kết quả mẫu nước từ tòa nhà HH03D thì chỉ số Amoni còn vượt 38 lần, hàm lượng Clo dư vượt 30 lần tiêu chuẩn của Bộ y tế.
Khu đô thị Thanh Hà có 26 tòa nhà, cao từ 6 đến 19 tầng, cùng các khu nhà biệt thự liền kề thấp tầng, với khoảng 30.000 dân đang sinh sống. Vì vậy việc khắc phục sự ô nhiễm là việc làm cấp thiết. Ông Trần Đình Nga, Phó giám đốc khu dịch vụ nhà ở Thanh Hà cho biết, đơn vị đã họp với 3 tòa nhà, lấy mẫu nước và đem đi xét nghiệm độc lập, có sự giám sát của đại diện dân cư. “Công ty Nhất Phát cũng lấy mẫu nước độc lập, cùng với mẫu mà nhân dân đưa ra, chúng tôi sẽ có kết luận sớm nhất”, ông Trần Đình Nga khẳng định.
Đại diện Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà, đơn vị cung cấp nước cho khu đô thị này cho biết, một ngày đơn vị khai thác khoảng 1500m3 nước ngầm từ trạm cấp nước ngay trong khu, cộng thêm 1500m3 nước mặt sông Đuống mua lại từ công ty nước sạch Nam Hà Nội. Tuy nhiên, từ ngày 26/9 nguồn cung cấp nước mặt cho công ty nước sạch Nam Hà Nội đột ngột dừng. Do đó, trạm cấp nước Thanh Hà phải tăng gấp đôi công suất tự khai thác lên 3000 m3/ngày đêm để cung cấp cho người dân.
Việc khai thác tăng sản lượng nước ngầm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Nhất Phát, Giám đốc công ty Nhất Phát, đơn vị cung cấp nước cho chung cư, chất lượng nước vẫn đảm bảo: "Nước không bao giờ có váng, chỉ có đưa vào bể chung cư thì có thể bẩn do bể này mới đưa vào sử dụng 3 tháng, nên không thể sạch như nước đầu nguồn. Vừa rồi đơn vị cũng cho thau rửa bể chứa nên khẳng định nước không có mầu vàng, không bị váng”.
Hà Nội có 16 nhà máy nước không kể một số trạm nhỏ bố trí đều khắp trên địa bàn thành phố để khai thác nước ngầm. Mặc dù hệ thống cấp nước Hà Nội đã được cải thiện đáng kể, song hệ thống cấp nước khu vực phía Nam vẫn chưa đạt tiêu chuẩn. Mức độ dịch vụ của hệ thống cấp nước còn thấp, chưa đảm bảo độ tin cậy đối với khách hàng.
Chất lượng nước cấp cho một số nơi, một số thời điểm, nhất là vào mùa hè không ổn định, không đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Tiêu chuẩn cấp nước bình quân cho ăn uống sinh hoạt của TP Hà Nội chỉ đạt xấp xỉ 100 lít/người ngày đêm, mặc dù lưu lượng tính toán bình quân cho một đầu người là 150 lít /ngày đêm.
“Những năm qua, Hà Nội đã tích cực, cố gắng thu hút các nhà đầu tư về làm nước sạch, nhưng mới có vùng đô thị là tạm đủ nước, còn vùng nông thôn, ngoại thành mới đạt 80%, phải hết năm 2023 này mới đạt 90%. … chất lượng nước vùng nội đô còn tạm ổn chứ vùng nông thôn, ngoại thành thì chưa đảm bảo đúng tiêu chuẩn, vì vậy Hà Nội cần cải thiện nữa về cấp nước sạch”, ông Nguyễn Tiến Thỏa, chủ tịch Hội thẩm định giá.
Vùng ngoại thành thiếu nước sạch, vùng nội đô thì nước không đảm bảo là một thực tế của Hà Nội. Thất thoát, thất thu nước đang là vấn đề được quan tâm nhất trong dịch vụ cấp nước Hà Nội. Ông Nguyễn Đình Hà, Giám đốc công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội cho biết, địa bàn rộng, nguồn cung dựa chủ yếu vào nguồn nước sông Đà, vì vậy những điểm cuối nguồn sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước.
Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội đã tập trung xây dựng kế hoạch chống thất thoát, thất thu nước và kế hoạch triển khai trong thời gian tới, tuy nhiên thực tế thất thoát vẫn xảy ra. Ông Lê Văn Du, Sở Xây dựng Hà Nội nêu giải pháp là cần sớm hoàn thành giai đoạn 2 của Công ty nước sạch sông Đà, nâng công suất cho nhà máy ở Hà Đông, Quốc Oai để làm giảm thất thoát.
Nước sạch là một nhu cầu thiết yếu của người dân. Và với một đô thị phát triển nóng như Hà Nội, việc cung cấp nước sạch đủ cho nhân dân lại càng có vai trò quan trọng. Sự việc nước kém chất lượng gây ảnh hưởng tới đời sống của hàng chục nghìn cư dân như ở khu đô thị Thanh Hà vừa qua có nguyên nhân bắt nguồn từ việc quản lý cấp nước đô thị và trách nhiệm của những người quản lý cấp Thành phố. Hy vọng những việc như vậy sẽ không còn tái diễn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố tập trung chỉ đạo bằng mọi biện pháp nhanh nhất cấp nước sạch sinh hoạt trở lại và có giải pháp bảo đảm ổn định lâu dài cho người dân Khu đô thị Thanh Hà.
Thành phố tập trung chỉ đạo cấp nước khẩn cấp bằng xe téc hoặc các biện pháp phù hợp khác đáp ứng ngay nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân; không để người dân phải lấy nước từ xa, từ nhiều nguồn khác nhau không bảo đảm vệ sinh.
UBND thành phố Hà Nội cũng rà soát tình hình cấp nước sạch sinh hoạt trên toàn địa bàn, có biện pháp chủ động bảo đảm cấp nước ổn định; tăng nhanh tỷ lệ hộ gia đình khu vực phía Nam thành phố được dùng nước sạch.
Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng làm đầu mối chủ trì, phối hợp với UBND quận Hà Đông, UBND huyện Thanh Oai và các đơn vị liên quan như: Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nước sạch Hà Đông, Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà, Công ty Cổ phần nước sạch Nam Hà Nội, Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà tập trung xử lý các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề phát sinh liên quan, giải quyết nhanh nhất để cấp nước trở lại cho Khu đô thị Thanh Hà; có giải pháp bảo đảm ổn định, lâu dài như xây dựng trạm cấp nước, cải tạo hệ thống mạng, kết nối điều tiết từ các nguồn khác nhau... Trường hợp vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết phải báo cáo ngay với thành phố để tháo gỡ, kể cả vướng mắc về quy hoạch.
Quận ủy Hà Đông, Huyện ủy Thanh Oai chỉ đạo các cấp, ngành bám sát, phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để sớm cấp nước lại cho Khu đô thị Thanh Hà; chủ động, kịp thời hỗ trợ, chăm lo cho người dân có khó khăn về nước sạch sinh hoạt, không để tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm làm chậm trễ giải quyết các vấn đề liên quan.